19/04/2019 12:32 GMT+7

Tái thiết nhà thờ Đức Bà như cũ hay hiện đại hơn là câu hỏi... thế kỷ

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Bước sang ngày thứ ba kể từ khi hỏa hoạn bùng phát tại nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris), những vấn đề cần giải quyết vẫn đang ngổn ngang như hiện trường đám cháy.

Tái thiết nhà thờ Đức Bà như cũ hay hiện đại hơn là câu hỏi... thế kỷ - Ảnh 1.

Người dân Paris trầm ngâm ngắm nhà thờ Đức Bà, hai ngày sau vụ hỏa hoạn - Ảnh: REUTERS

Tối 17-4, tất cả nhà thờ trên toàn nước Pháp đã đồng loạt rung chuông để bày tỏ sự chia sẻ với thảm kịch vừa xảy ra hai ngày trước đó tại Notre Dame. 

Nhiều nhà thờ ở Anh, Canada và Mỹ cũng đã rung chuông biểu thị tinh thần đoàn kết, trong khi các quốc gia khác như Ý, Bosnia & Herzegovina thắp đèn tại những địa danh nổi tiếng của họ theo màu quốc kỳ của Pháp.

Góp từ tiền đến sồi

Chỉ trong vòng hai ngày sau khi xảy ra thảm họa, tính tới ngày 17-4 giờ Paris, các cam kết đóng góp từ các tỉ phú, doanh nghiệp và người dân cho công tác tôn tạo công trình đã đạt mốc 900 triệu euro (hơn 1 tỉ USD).

Nhiều cư dân mạng xã hội, ở Pháp và tại nước ngoài, đã bày tỏ sự kinh ngạc khi so sánh thảm họa với các biến cố lớn khác như những cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Syria, Iraq, hay vụ cháy tòa chung cư Grenfell Tower ở London đã không nhận được mức độ quan tâm, ủng hộ nhanh và nhiều như vậy.

Cùng với những cam kết đóng góp tiền, hơn 100 tổ chức quản lý di sản tại Anh, trong đó có Belvoir Castle, Hutton-in-the-Forest, Scone Palace, Castle Howard... đã cam kết tặng những cây sồi được trồng vài trăm năm trước cho nước Pháp để làm vật liệu phục chế mái nhà thờ.

Xây lại như cũ hay mới?

Với những người dân Paris, tòa tháp nhọn vừa bị thiêu rụi trong hỏa hoạn là một phần không thể thiếu trong tổng thể kiến trúc công trình Notre Dame đồ sộ.

Nhưng không phải ai cũng biết ngọn tháp đó không phải một phần thuộc "phả hệ" kiến trúc Gothic. Nó được thêm vào trong những năm 1850 khi diễn ra công cuộc phục chế quy mô lớn, do kiến trúc sư người Pháp Eugène Emmanuel Viollet-le-Duc chủ trì.

Sau thảm họa, Thủ tướng Pháp Édouard Philippe công bố sẽ tổ chức một cuộc thi quốc tế để quyết định số phận của tòa tháp nhọn. 

Cuộc thi sẽ giải quyết 2 câu hỏi lớn: có cần xây dựng lại tòa tháp nhọn này không và nếu có, nên xây lại nó theo thiết kế của kiến trúc sư Viollet-le-Duc hay sẽ xây một tòa tháp nhọn mới, "được thích ứng với kỹ thuật và cả những thách thức của thời đại chúng ta" như lời ông Philippe.

Lịch sử cho thấy đây sẽ là câu hỏi không dễ trả lời. Bởi quan điểm phục chế công trình này theo cách nào và tiêu chí nào đã luôn được tranh luận ở Pháp trong ít nhất 200 năm qua, kể từ khi văn hào Victor Hugo và các nhân vật khác bắt đầu tiến hành những cuộc vận động, kêu gọi bảo tồn Notre Dame.

Sẽ không thể hoàn toàn như cũ

"Vấn đề cần triển khai lúc này là một cuộc thảo luận mới về công tác bảo tồn công trình và tiêu chí bảo tồn cần được tuân thủ, để khôi phục một hình ảnh là biểu tượng của Paris" - ông Daniel Ortiz Pradas, giáo sư chuyên nghiên cứu về công tác phục chế công trình thế kỷ 19 của ĐH Complutense ở Madrid, nói.

Dù vậy, theo một số chuyên gia, như ông Bertrand De Feydeau - phó chủ tịch Tổ chức bảo tồn Fondation du Patrimoine - chia sẻ với Đài CNN, ngay cả khi được xây lại, nhà thờ cũng sẽ không thể hoàn toàn như cũ.

Chỉ nói riêng chuyện số lượng sồi đủ cao để làm lại mái nhà thờ như khi chưa bị cháy thì nước Pháp hiện không có đủ. Trang web nhà thờ cho biết để làm phần mái trong giai đoạn 1160-1170, người ta đã phải chặt khoảng 1.300 cây sồi có tuổi đời 300-400 năm vào lúc đó. Ông De Feydeau cũng nói ông không chắc có đủ số sồi già như vậy hiện nay tại châu Âu làm vật liệu tôn tạo nhà thờ.

Bức ảnh gây bão mạng

Notre Dame

Bức ảnh khiến cư dân mạng lưu luyến Notre Dame - Ảnh: BROOKE WINDSOR

Mạng xã hội những ngày qua xôn xao chia sẻ bức ảnh của chị Brooke Windsor chụp cảnh vui đùa của một người đàn ông và một bé gái (nhiều người cho rằng đó là hai cha con) ngay trước Notre Dame trong chiều 15-4.

Khoảnh khắc bình yên, hạnh phúc khi người cha cầm hai tay cô bé, nhấc bổng em lên khỏi mặt đất đã được ngẫu nhiên ghi lại ngay trước khi vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra khoảng một giờ.

Tính thời điểm và ý nghĩa biểu tượng của bức ảnh đã khiến nó được "like" hơn 78.000 lượt và chia sẻ hơn 37.000 lượt tính tới ngày 17-4, trở thành một khoảnh khắc đáng nhớ và đầy lưu luyến về Notre Dame khi chưa xảy ra thảm họa.

TTO - Cuốn tiểu thuyết Thằng gù nhà thờ Đức Bà (The Hunchback of Notre-Dame) của đại văn hào Pháp Victor Hugo đã vụt trở lại ngôi đầu trong danh sách sách bán chạy nhất trên Amazon sau vụ hỏa hoạn.


D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp