04/02/2020 09:31 GMT+7

Tại sao Trung Quốc phong tỏa thành phố cách tâm dịch đến 800km?

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Theo Hãng tin AFP, đây là động thái được giới quan sát đánh giá là hành động rất quyết liệt, dứt khoát của chính quyền Trung Quốc trong cuộc chiến với dịch corona.

Tại sao Trung Quốc phong tỏa thành phố cách tâm dịch đến 800km? - Ảnh 1.

Phun thuốc khử trùng tại thành phố Thai Châu, sát Ôn Châu của tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) - Ảnh: Reuters

Trung Quốc đóng cửa thành phố đầu tiên bên ngoài tỉnh Hồ Bắc là thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Hai ngày qua, Ôn Châu - thành phố có khoảng 9 triệu dân của tỉnh Chiết Giang, đã trở thành thành phố đầu tiên không thuộc tỉnh Hồ Bắc bị buộc áp đặt lệnh phong tỏa, hạn chế mọi hoạt động đi lại của người dân để phòng dịch virus corona.

Phong tỏa nơi cách tâm dịch 800km

Tỉnh Chiết Giang là địa phương có số ca nhiễm virus corona cao thứ hai sau Hồ Bắc với 661 ca mắc, trong đó riêng tại Ôn Châu là 265 ca. Ôn Châu cách Vũ Hán hơn 800km đường bộ.

Tại sao phải phong tỏa thành phố này khi thành phố mới có 265 ca bệnh, trong khi tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc mỗi ngày có thêm hàng ngàn ca bệnh mới và rất nhiều người chết (số ca tử vong vì virus corona ngày qua tại tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc đã tăng lên trên 300 người ở riêng tỉnh này, trong số 362 người chết trên toàn quốc)?

Động thái triển khai lệnh phong tỏa mạnh mẽ của Ôn Châu, nơi cách Vũ Hán tới 800km, là một hành xử quyết liệt được rút ra sau "bài học" từ Vũ Hán. Mới đây, bí thư Thành ủy thành phố Vũ Hán, ông Ma Guoqiang (Mã Quốc Cường), thừa nhận đã phản ứng chậm với dịch bệnh, gây hậu quả nghiêm trọng.

Xuất hiện trả lời phỏng vấn khoảng 20 phút trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 31-1, ông Mã thừa nhận ảnh hưởng của dịch bệnh virus corona đáng lẽ sẽ bớt nghiêm trọng hơn nếu chính quyền triển khai các biện pháp kiểm soát dịch sớm hơn một tuần.

Ông Mã nói: "Ngay bây giờ tôi cảm thấy rất tội lỗi, hối hận và tự trách. Nếu áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt sớm hơn, kết quả có thể đã tốt hơn bây giờ". Vũ Hán và nhiều thành phố ở Vũ Hán bắt đầu phong tỏa việc đi lại từ 23-1, tuy nhiên bí thư Vũ Hán cho biết các biện pháp phong tỏa nên áp dụng sớm hơn ít nhất 10 ngày.

Các biện pháp phòng dịch chỉ được chính quyền Vũ Hán thay đổi, tăng cường cấp độ sau khi số người mắc bệnh tại đây tăng cao và phát hiện một phụ nữ Trung Quốc nhiễm virus corona ở Thái Lan, người này khởi hành từ Vũ Hán.

Trên thực tế, quan sát các động thái thực thi kỷ luật của chính quyền Trung Quốc liên quan dịch bệnh virus corona Vũ Hán thời gian qua, có thể thấy chính quyền nước này rất quyết liệt, sẵn sàng trừng phạt thẳng tay với những nơi không nghiêm túc thực thi các biện pháp ngăn dịch.

Ngày 30-1, thành phố Hoàng Cương sa thải bà Tang Zhihong, người đứng đầu cơ quan y tế, sau khi Đài CCTV phát bản tin có hình ảnh bà này không thể trả lời được những câu hỏi chủ chốt như số giường bệnh có thể tiếp nhận bệnh nhân cũng như năng lực xét nghiệm virus corona chủng mới của thành phố.

Phong tỏa đến mức nào?

Lệnh phong tỏa ở Ôn Châu đặt ra những quy định nghiêm khắc hạn chế đi lại, di chuyển với mọi người. Cụ thể, mỗi hộ gia đình chỉ được phép có một người được ra ngoài hai ngày một lần để mua nhu yếu phẩm. Toàn bộ 46 trạm thu phí xa lộ đóng cửa, mọi tuyến đường liên quan bị phong tỏa. Giao thông công cộng, tàu điện ngầm và những chuyến xe buýt liên tỉnh dừng hoạt động.

Các nơi công cộng như bể bơi, rạp chiếu phim và bảo tàng đóng cửa. Mọi sự kiện cộng đồng bị hủy, trường học các cấp và cả các trường đại học đóng cửa tới ngày 1-3. Ngoại trừ các cơ quan chính phủ và các sở ban ngành hành chính tại Ôn Châu làm việc từ 9-2, mọi doanh nghiệp được chỉ đạo dừng làm việc cho tới sau 17-2.

Đóng cửa các biên giới để ngăn chặn các mầm bệnh có tính lây nhiễm cao, theo các chuyên gia, có thể chưa bao giờ mang lại thành công toàn diện vì mọi biên giới trên thực tế luôn có những chỗ "hớ hênh".

Tuy nhiên, các lệnh phong tỏa và cơ chế kiểm soát chặt chẽ lại có thể giúp làm chậm lại tốc độ lây lan, từ đó có thêm thời gian để giới nghiên cứu có thể nghiên cứu, bào chế các văcxin cũng như thuốc điều trị.

Cho tới nay, vẫn còn những điều quan trọng chưa biết hết về dịch virus corona Vũ Hán. Ví như đâu là những đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất; việc tiếp xúc với những người bị ho, hắt hơi hay tiếp xúc với các bề mặt chứa mầm bệnh dễ làm lây nhiễm hơn; chủng virus này có thể biến đổi gen nhanh chóng không và liệu nó có giảm bớt khả năng lây lan hoặc thậm chí không thể tồn tại trong điều kiện thời tiết ấm/nóng hơn không?...

Những câu hỏi đó hiện vẫn chưa được trả lời rõ ràng, thỏa đáng. Bởi thế, những quyết định phong tỏa hợp lý tại những khu vực có khả năng lây nhiễm bệnh cao vẫn được cho là giải pháp "câu giờ" cần thiết chờ các nghiên cứu để cho ra loại thuốc và văcxin hiệu quả.

Dù vậy, cũng có thể là chủng virus corona mới ở Vũ Hán sẽ yếu đi khi thời tiết nóng hơn. Nhiều loại virus, như virus cúm, sởi, norovirus (loại virus gây nôn mửa và tiêu chảy mùa đông) cũng thường phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết lạnh và khô.

Bộ Chính trị Trung Quốc nhận lỗi vụ dịch virus corona Bộ Chính trị Trung Quốc nhận lỗi vụ dịch virus corona

TTO - Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc thừa nhận "thiếu sót và các khó khăn" trong phản ứng với đợt bùng phát dịch virus corona, đến nay đã giết chết hơn 360 người và hơn 17.000 ca nhiễm, theo Tân Hoa xã.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp