18/08/2017 11:28 GMT+7

Tại sao Trung Quốc ngán tên lửa BrahMos?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - BrahMos được xem là một trong những loại tên lửa chống hạm hiệu quả và nguy hiểm nhất thế giới, với vận tốc có thể đạt gấp 2.8 - 3.0 vận tốc âm thanh.

Tên lửa Brahmos của Ấn Độ tham gia cuộc diễu binh tại New Delhi - Ảnh: AFP
Tên lửa BrahMos của Ấn Độ tham gia cuộc diễu binh tại New Delhi - Ảnh: AFP

BrahMos được xếp vào loại tên lửa hành trình siêu thanh tầm ngắn. Nó có thể được phóng từ tàu ngầm, tàu chiến, máy bay hoặc trên đất liền.

Đây là sản phẩm của liên doanh BrahMos Aerospace, hợp tác giữa công ty NPO Mashinostroenyenia của Nga và Tổ chức Nghiên cứu & Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ.

Tên hiệu BrahMos được kết hợp từ tên gọi của hai con sông ở Ấn Độ và Nga - sông Brahmaputra (Brah) và sông Matxcơva (Mos).

Công nghệ của tên lửa BrahMos được xây dựng chủ yếu dựa trên mẫu tên lửa hành trình P-800 Oniks của Nga. Nga cung cấp 65% phụ kiện của tên lửa BrahMos, bao gồm động cơ phản lực và rađa tìm kiếm.

BrahMos được đánh giá là một trong những loại tên lửa chống hạm nhanh nhất thế giới đang hoạt động, vận tốc có thể đạt tới Mach 2.8 - 3.0 (gấp 2,8 - 3 lần vận tốc âm thanh). BrahMos Aerospace đang phát triển phiên bản 2 của loại tên lửa này với vận tốc có thể lên tới Mach 7-8, tầm bắn lên hơn 600km.

Việc Ấn Độ chuyển giao tên lửa BrahMos cho các nước trong khu vực thường vấp phải sự phản đối của Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng New Delhi hoàn toàn có lý do của họ.

Mô hình tên lửa BrahMos do Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất - Ảnh: REUTERS
Mô hình tên lửa BrahMos do Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất - Ảnh: REUTERS

“Xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Trung Quốc hết một nửa đi đến Pakistan với lý do chính là kiềm chế Ấn Độ. Bây giờ Ấn Độ chỉ làm điều tương tự” - nhà nghiên cứu Maochun Miles Yu thuộc Viện Hoover (Mỹ), nhận xét.

Nga, nước hợp tác sản xuất tên lửa BrahMos với Ấn Độ, được cho là đã đồng ý trong các vụ mua bán đã thông qua.

“Trung Quốc dường như quên là họ bán rất nhiều vũ khí cho Pakistan, quốc gia trong nhiều thập kỷ ở trong thế kẹt với Ấn Độ. Những biểu hiện mới cho thấy New Delhi đã vượt qua được sự lo lắng khi phải chọc tức Bắc Kinh” - ông Larkins Dsouza, nhà sáng lập trang Defense Aviation, bình luận.

Cũng theo ông Dsouza, hai nước Nhật Bản và Ấn Độ đang trong tư thế sẵn sàng tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ.

Tokyo đã đề xuất ba nước nên thường xuyên tổ chức các cuộc họp cấp cao, và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cho biết sẽ cân nhắc.

“Gìn giữ an ninh ở khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rộng lớn là việc làm rất quan trong đối với Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ” - ông Dsouza nhấn mạnh.

Theo tạp chí Diplomat, vào tháng 6-2016, Bộ trưởng Parrikar cùng một phái đoàn lớn gồm đại diện các tập đoàn sản xuất vũ khí chủ lực của Ấn Độ đã đến thăm Việt Nam để củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa 2 nước.

Bên lề chuyến thăm, ông Parrikar nhấn mạnh: "Việc Ấn Độ giúp Việt Nam hiện đại hóa quân đội không chỉ tăng cường mối quan hệ ngoại giao và quân sự giữa 2 nước mà còn mở ra các cơ hội xuất khẩu chiến lược".

Không chỉ có kế hoạch bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam, New Delhi còn bắt đầu thảo luận khả năng cung cấp ngư lôi hạng nặng Varunastra 533mm do Tổ chức Nghiên cứu & Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ chế tạo. Đây là loại ngư lôi này được trang bị cho Hải quân Ấn Độ (IN).

Varunastra sử dụng một loại ống phóng do Ấn Độ tự phát triển nhưng cũng có thể được điều chỉnh để triển khai từ các ống phóng lôi đang trang bị cho hạm đội tàu ngầm Ấn Độ, trong đó có các tàu ngầm lớp Kilo mua từ Nga. Đội tàu ngầm hiện có của Việt Nam cũng là tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp