Sáng 7-9, hội thảo góp ý dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi đã diễn ra bằng hình thức trực tuyến - Ảnh: BTC
Xem điện ảnh là ngành công nghiệp "không khói"
Tại hội thảo, các chuyên gia đều nhận định trải qua 15 năm thực thi, Luật điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đến nay đã bộc lộ nhiều điểm lạc hậu, không còn phù hợp với sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, kỹ thuật số.
Bà Ngô Phương Lan - nguyên cục trưởng Cục Điện ảnh, chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam - cho rằng Luật điện ảnh 2006 (sửa đổi, bổ sung 2009) được ban hành cách đây hơn chục năm, khi điện ảnh đang tồn tại ở dạng "truyền thống" phim nhựa.
Đến nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, phim nhựa đã chuyển sang phim kỹ thuật số cho nên những quy định trong bộ luật hiện hành không còn phù hợp, thậm chí cản trở sự phát triển của điện ảnh.
"Luật điện ảnh phải điều chỉnh các hoạt động điện ảnh trong môi trường công nghệ số để khuyến khích điện ảnh phát triển" - bà Lan nhấn mạnh. Hơn nữa, điện ảnh từ lâu đã vừa là ngành nghệ thuật tổng hợp, vừa là ngành công nghiệp - bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa.
"Phát triển ngành điện ảnh là phát triển một "ngành công nghiệp không khói" có đóng góp quan trọng đến kinh tế, thúc đẩy du lịch dịch vụ phát triển. Một bộ phim thành công có thể tạo ra một điểm đến thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Ngay Việt Nam đã có các địa điểm du lịch như "hoa vàng trên cỏ xanh" ở Phú Yên, hay "King Kong" ở Ninh Bình" - ông Đậu Anh Tuấn, trưởng Ban Pháp chế VCCI, nói tại hội thảo.
Phương án nào cho phổ biến phim trên mạng?
Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, Luật điện ảnh phải đặt trong bối cảnh thị hiếu của khán giả đang thay đổi rất nhanh. Các ứng dụng, kho phim trực tuyến như Netflix đang dần thay thế phim chiếu rạp, YouTube đang dần thay thế tivi, khái niệm phim đang rộng dần. Bối cảnh này đặt ra sự cấp thiết cho việc thay đổi cách thức phổ biến phim trên mạng.
Tại hội thảo, ông Trần Thanh Hiệp - nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội - chia sẻ: "Phim trên không gian mạng có một khối lượng vô cùng lớn, hướng tới thỏa mãn nhu cầu đa dạng của người xem, nhưng không phải phim nào cũng có giá trị nhân văn.
Bên cạnh việc được tự do lựa chọn thời điểm, phương tiện xem phim, người xem còn được tự do lựa chọn nội dung phim. Có những nội dung đã làm cho dư luận không chỉ một lần băn khoăn, lo lắng".
Dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi đã đề cập tới việc phổ biến phim trên không gian mạng tại điều 22 với 2 phương án: tự phân loại phim hoặc phim chỉ được phổ biến khi có giấy phép phân loại.
"Tôi thấy phương án tự phân loại phim phù hợp với xu thế phát triển. Vấn đề chính là công tác thanh tra, kiểm soát, hậu kiểm của chúng ta phải được quan tâm, đổi mới, chuyên nghiệp hóa sâu và nâng cao chất lượng" - ông Trần Thanh Hiệp bày tỏ quan điểm.
Các ý kiến cũng nghiêng về phương án chỉ hậu kiểm đối với phim trên không gian mạng, tức là không tiến hành cấp phép nhưng phim vẫn phải đảm bảo đủ điều kiện như: có bản quyền hợp pháp, nội dung phim không quy định điều cấm của Luật điện ảnh, phải có cảnh báo và hiển thị mức phân loại độ tuổi phổ biến phim,...
Đối với cơ chế kiểm duyệt phim, vài ý kiến đưa ra "nhất quyết không được độc quyền".
"Cần thay đổi cơ chế kiểm duyệt phim đột phá hơn. Tại sao các đài truyền hình vẫn tự cấp phép, kiểm duyệt được các phim truyền hình mà phim ở rạp nhất thiết lại phải qua hội đồng phim quốc gia?
Liệu có thể xây dựng cơ chế để nhiều đơn vị cùng có quyền thẩm định và cấp phép các bộ phim. Nhà nước chỉ cấp phép thành lập các trung tâm thẩm định, giám sát hoạt động và thậm chí rút phép các trung tâm thẩm định khi họ không thực hiện tốt. Như vậy tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi" - ông Tuấn đặt vấn đề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận