09/05/2018 08:15 GMT+7

Tại sao ông Trump muốn hủy thỏa thuận hạt nhân Iran?

NHẬT ĐĂNG tổng hợp
NHẬT ĐĂNG tổng hợp

TTO - Thỏa thuận hạt nhân Iran là gì? Tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump lại không thích nó? Và chuyện gì xảy ra sau khi Mỹ tuyên bố hủy cam kết với thỏa thuận ấy?

Tại sao ông Trump muốn hủy thỏa thuận hạt nhân Iran? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Trump rạng sáng 9-5 (giờ Việt Nam) đã công bố quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mà chính quyền Barack Obama đã tham gia ký kết vào năm 2015.

Giải thích về quyết định này, ông Trump vẫn giữ quan điểm cho rằng thỏa thuận trên chứa đựng quá nhiều lỗ hổng, thậm chí cáo buộc Iran không tôn trọng cam kết. Nhưng theo chiều ngược lại, những nước ủng hộ thỏa thuận khẳng định tổng thống Mỹ đã hành động nguy hiểm, gây phương hại tới viễn cảnh hòa bình trong khu vực.

Vậy, câu chuyện về thỏa thuận hạt nhân này có những điểm gì cần lưu ý?

Thỏa thuận hạt nhân Iran là gì?

Vào tháng 7-2015, Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) đã ký vào một thỏa thuận có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Nó chấm dứt 12 năm bế tắc về chương trình hạt nhân của Iran. JCPOA về cơ bản buộc Iran phải minh bạch và giảm việc làm giàu uranium - công đoạn quan trọng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Tehran có thể được tháo gỡ cấm vận.

Tùy theo sự cam kết của Iran, mức độ tháo gỡ cấm vận sẽ song hành dần dần trong thời gian 10 năm từ 2015 tới 2025.

Theo thỏa thuận, Iran đã vô hiệu hóa 2/3 số lượng máy ly tâm hạt nhân của mình, chuyển đi 98% lượng uranium làm giàu và lấp bêtông các lò phản ứng plutonium.

Tehran cũng chấp nhận cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giám sát, và tới nay đã xác minh 10 lần về cam kết của họ đối với thỏa thuận.

Ai tham gia thỏa thuận trên?

Như đã nêu, Iran đã cùng nhóm P5+1 tham gia ký kết thỏa thuận JCPOA, trong đó P5 là nhóm 5 cường quốc thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cộng thêm Đức.

JCPOA được xem là thành quả từ nỗ lực của chính quyền cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, người đã rời nhiệm sở vào năm 2016.

Tại sao ông Trump muốn hủy JCPOA?

Là người mang quan điểm chỉ trích JCPOA ngay từ đầu, việc ông Trump đắc cử vào tháng 11-2016 thực chất đã là điềm báo trước cho sự sụp đổ của thỏa thuận này trong tương lai.

Tổng thống Mỹ gọi đây là "một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất lịch sử", vì nó không thể ngăn cản Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Cần nhớ, thời hạn thực hiện thỏa thuận chỉ vỏn vẹn 10 năm. Trong 10 năm đó, xem như Iran chỉ "tạm cất" chương trình hạt nhân lại mà thôi.

Tại sao ông Trump muốn hủy thỏa thuận hạt nhân Iran? - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Trump ký vào tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ngày 8-5 - Ảnh: Reuters

Bản thân ông Obama - người nỗ lực ký kết, khi nhận thông tin ông Trump hủy thỏa thuận hôm 8-5 (giờ Mỹ), cũng thừa nhận rằng giao kèo của mình khi xưa không đồng nghĩa với việc Iran sẽ không sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ông vô tình tiết lộ điều đó trong câu nói: "Không có JCPOA, Mỹ thậm chí bị đặt vào thế lựa chọn giữa một Iran sở hữu hạt nhân và một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông".

Tại sao các nước khác muốn cứu thỏa thuận?

Ngoại trừ Mỹ, tất cả các thành viên còn lại (ít nhất về cách thể hiện bên ngoài), đều bày tỏ mong muốn giữ lại thỏa thuận hạt nhân Iran.

Lãnh đạo và bộ trưởng ba nước châu Âu Pháp, Đức và Anh trong vòng khoảng một tuần gần đây đã đến Mỹ lần lượt, nhưng không ai thuyết phục được ông Trump giữ lại cam kết với JCPOA.

Với JCPOA, các lệnh cấm vận đặt lên Iran được tháo gỡ. Điều này đồng nghĩa một thị trường mới được mở ra cho các công ty của phần còn lại - đặc biệt là các thành viên của nhóm P5.

Bản thân các công ty năng lượng, hàng không, vận tải... từ Anh, Pháp và Đức đều đã mấp mé ký kết làm ăn với phía Iran. Một khi thỏa thuận này bị Mỹ bỏ đi, họ đơn giản sẽ khó tiếp tục giao dịch với các công ty Iran.

Điều quan trọng là sức mạnh kinh tế của Mỹ quá lớn, dẫn tới việc lệnh trừng phạt Washington đưa ra nhắm vào quốc gia nào thì coi như "bít cửa" làm ăn.

Bà Ellie Geranmayeh, chuyên gia người Iran đang làm việc tại bộ phận đối ngoại của Hội đồng châu Âu, phân tích các nước châu Âu muốn tiếp tục quan hệ thương mại với Iran, song sẽ đứng trước nguy cơ bị Mỹ phạt nặng.

Năm 2014, một tòa án ở New York đã yêu cầu Ngân hàng BNP của Pháp trả 8,9 tỉ USD vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ khi BNP làm ăn với Iran, Cuba và Sudan.

Ảnh hưởng gì tới Mỹ?

Về mặt lợi, việc Mỹ hủy cam kết JCPOA giúp Washington làm hài lòng hai trong số các đồng minh, đối tác quan trọng nhất ở Trung Đông: Saudi Arabia và Israel. Bản thân hai nước này xem Iran là đối thủ, và vừa qua không ngạc nhiên khi ủng hộ quyết định của ông Trump.

Về mặt hại, cũng như các lần rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, ông Trump bị cho làm yếu những nỗ lực đa phương của chính quyền tiền nhiệm.

Việc hủy cam kết này cũng khiến mối quan hệ giữa chính quyền Tổng thống Trump với các đồng minh châu Âu sứt mẻ ít nhiều. Và về mặt "lãnh đạo toàn cầu", khi Mỹ rút khỏi các hiệp định đa phương cũng là lúc Nga hoặc Trung Quốc sẽ tận dụng thời cơ này để tạo dựng thanh thế.

NHẬT ĐĂNG tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp