Một bé gái Hàn Quốc bước sang tuổi thứ 2 chỉ 2 giờ sau khi được sinh vào ngày cuối cùng năm 2018 - Ảnh chụp màn hình AP
Theo cách tính truyền thống của , nếu một em bé được sinh ra vào ngày 1-1-2018, em bé này sẽ được 2 tuổi vào ngày 1-1-2019.
Nhưng một cách lạ đời, nếu một em bé Hàn Quốc khác được sinh ra vào ngày 31-12-2018, em bé cũng mặc định được 2 tuổi vào ngày hôm sau, tức 1-1-2019. Hai ngày sinh nhưng chung một số phận!
Câu chuyện này đang là chủ đề gây tranh cãi không có điểm dừng tại xứ sở kim chi, nơi mỗi người dân đều có hai tuổi: tuổi Hàn Quốc và tuổi quốc tế.
Luật pháp và nhận thức
Tuổi Hàn Quốc xuất hiện vì có ý kiến cho rằng đứa trẻ đã nằm trong bụng mẹ 9 tháng 10 ngày nên khi sinh ra lập tức sẽ có 1 tuổi. Một số người lại cho rằng cách như vậy có liên quan tới hệ thống số đếm của người Á Đông xưa, theo đó không có khái niệm số 0.
Trong khi đó, nguồn gốc của việc cộng thêm 1 tuổi vào ngày 1-1 năm mới cũng phức tạp.
Một số chuyên gia cho rằng người Hàn Quốc xưa không có lịch để theo dõi thường xuyên như ngày nay, nên họ không quan tâm nhiều đến ngày cụ thể mà chỉ chú trọng năm. Do đó, để tính tuổi đơn giản, họ chỉ căn cứ vào ngày đầu tiên của năm mới.
Thật ra kể từ năm 1962, Hàn Quốc đã ban hành luật tính tuổi của công dân dựa trên ngày sinh. Kể từ khi nước này áp dụng hệ thống tuổi quốc tế, tuổi Hàn Quốc đã biến mất khỏi một số giấy tờ chính thức. Hay nói cách khác, tuổi Hàn Quốc chỉ tồn tại trong nhận thức của người dân xứ kim chi.
Thông thường ở các quốc gia khác, sự thay đổi về luật pháp như vậy sẽ dần dẫn tới sự thay đổi trong nhận thức của người dân.
Tuy nhiên, ở một nền văn hóa như Hàn Quốc, nơi tuổi tác là một trong những yếu tố quan trọng giúp xác định thứ bậc, mối quan hệ và thậm chí chuyện hỏi về tuổi tác cũng không bị cấm kỵ, hệ thống tính tuổi truyền thống đã chứng minh khả năng trường tồn của mình.
Nỗi sợ bị "cô lập"
Đài CNN nhận định luật pháp ở Hàn Quốc hiện như thể một món hổ lốn với nhiều hệ thống khác nhau. Người ta sử dụng tuổi Hàn Quốc trong sinh hoạt hằng ngày và tuổi quốc tế cho các vấn đề pháp lý.
Tuy nhiên, đối với một số quy định, chẳng hạn về độ tuổi thích hợp để xem một số bộ phim, độ tuổi lại được tính dựa trên năm sinh chứ không phải tháng cụ thể.
Hay theo tờ Korea Herald, luật Hàn Quốc công nhận một người ở độ tuổi trưởng thành dựa trên năm người đó bước sang tuổi 19. Nhiều bậc cha mẹ có con sinh vào tháng 12 lo ngại con cái họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi vào học chung hay khi được gửi vào các trung tâm chăm sóc với những đứa trẻ khác về cơ bản bằng tuổi nhưng lại to lớn và khỏe mạnh hơn.
Để tạo sự thống nhất và xóa bỏ những rắc rối trong việc dùng hai loại tuổi này, nghị sĩ Hàn Quốc Hwang Ju Hong vừa qua đã đề xuất một dự luật yêu cầu chính phủ sử dụng tuổi quốc tế trong tất cả vấn đề pháp lý và các văn bản chính thống.
Người dân cũng sẽ được khuyến khích sử dụng tuổi quốc tế trong cuộc sống hằng ngày.
"Sự khác biệt trong tuổi pháp lý và tuổi dùng trong cuộc sống hằng ngày có nhiều tác động bất lợi như lãng phí chi phí hành chính một cách không cần thiết, tạo ra sự nhầm lẫn trong trao đổi thông tin vì những khác biệt với các nước khác" - dự luật của ông Hwang nêu rõ.
Vị chính khách 67 tuổi lo ngại việc tiếp tục sử dụng tuổi truyền thống sẽ làm cho Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á và đồng thời là một gã khổng lồ về công nghệ - bị tách rời khỏi phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, một số người Hàn Quốc vẫn còn thích cách dùng tuổi truyền thống.
"Việc thống nhất tính tuổi theo hệ thống quốc tế sẽ phá vỡ quan niệm truyền thống về thời gian dựa theo âm lịch. Tại sao tuổi Hàn Quốc và tuổi quốc tế lại không thể cùng tồn tại giống như tết âm lịch và Giáng sinh?" - nhà nghiên cứu Jang Yoo Seung đến từ Đại học Dankook đặt vấn đề.
Hàn Quốc sẽ nối gót láng giềng?
Hầu hết quốc gia Đông Á đã không còn sử dụng rộng rãi tuổi truyền thống như ở Hàn Quốc. Chẳng hạn, Nhật Bản đã ban hành các luật liên quan vào năm 1902 để chính thức dùng cách tính tuổi quốc tế.
Trong khi đó, Trung Quốc đã "trảm" hệ thống tuổi cũ kỹ này vào cuối thập niên 1970 và Triều Tiên cũng có động thái tương tự.
Theo Korea Times, một cuộc khảo sát của Hãng Lime năm ngoái cho thấy 68,1% người trả lời muốn dùng hệ thống tuổi quốc tế, trong khi 31,9% muốn dùng cả hai loại tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận