Ông Nigel Farage, một chính trị gia chủ trương hạn chế người nhập cư và ủng hộ nước Anh rời khỏi EU - Ảnh: Vox |
Mất quyền tự quyết
Theo Vox, với nhiều chính trị gia Anh, việc là thành viên EU đã “tước đoạt” của Anh quá nhiều cái thuộc về “chủ quyền” riêng của đất nước.
Đây có thể xem là lập luận phổ biến nhất trong giới trí thức, đặc biệt những chính trị gia Đảng Bảo thủ ủng hộ việc Anh rời EU như cựu thị trưởng London Boris Johnson và Bộ trưởng tư pháp Michael Gove.
Trong mấy thập kỷ qua, hàng loạt hiệp định của EU đã khiến quyền tự quyết của nhiều quốc gia thành viên bị chuyển dần về tay của chính quyền EU tại Brussels.
Ngay cả với những vấn đề mà EU cho phép các nước thành viên tự quyết định như chính sách cạnh tranh, nông nghiệp, luật bản quyền và luật cấp bằng sáng chế, các nguyên tắc chung của EU cũng vẫn lấn át luật pháp riêng từng nước.
Những chính trị gia Anh nghi ngờ châu Âu luôn cho rằng bộ máy điều hành EU, tức Ủy ban châu Âu, trên thực tế đã không hề có trách nhiệm trực tiếp gì với các cử tri Anh cũng như cử tri các nước khác.
Mặc dù cứ năm năm một lần, các nhà lãnh đạo Anh vẫn có cơ hội tác động lên quá trình lựa chọn các thành viên của Ủy ban châu Âu, nhưng dường như điều đó cũng không giúp cải thiện tình hình.
Mệt mỏi vì các quy định phiền hà
Những người chỉ trích EU như cựu thị trưởng London Johnson cho rằng theo thời gian, các quy định ràng buộc pháp luật trong liên minh ngày càng trở nên phiền hà, rắc rối và lắm lúc thật nực cười.
Ông Johnson dẫn ra một vài ví dụ tiêu biểu như chuyện quy định người ta không được phép tái chế túi lọc trà, trẻ em dưới 8 tuổi không được thổi bong bóng, hay cả những quy định tiểu tiết về cả thông số kỹ thuật của máy hút bụi…
Bộ trưởng Tư pháp Anh Gove cho rằng các quy định phiền hà, rắc rối của EU đã khiến kinh tế Anh tổn thất khoảng 600 triệu bảng Anh mỗi tuần (880 triệu USD) mặc dù con số này vẫn còn gây tranh cãi.
EU là ý tưởng hay nhưng euro là thảm họa
Ngay từ khi nước Anh gia nhập EU năm 1973, họ đã có sẵn một nhóm những người nghi ngờ hiệu quả thực sự của EU. Dù vậy trong rất nhiều năm, những người thuộc lập trường này luôn là phe thiểu số.
Tuy nhiên mọi chuyện đã khác hẳn trong thời gian gần đây. Chỉ mới tuần trước thôi nhà kinh tế học Andrew Lilico cho biết: “Có gần 130 nghị sĩ Đảng Bảo thủ tuyên bố sẽ rời EU. Nếu trở lại trước đó 10 năm thôi, người ta khó mà tìm ra được hơn 20 người có quan điểm như vậy”.
Vậy điều gì đã thay đổi tư duy của họ? Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu năm 2008 gây ra tình trạng kinh tế u ám trên toàn thế giới, nhưng tồi tệ hơn nhiều ở những nước sử dụng đồng tiền chung euro.
Tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 20% tại những nước như Hi Lạp và Tây Ban Nha, kéo theo những cuộc khủng hoảng nợ công khiến dư luận cả thế giới ồn ào, điển hình như Hi Lạp.
Bảy năm sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, Tây Ban Nha và Hi Lạp vẫn còn chật vật và loay hoay với tỉ lệ thất nghiệp trên 20% mà theo rất nhiều nhà kinh tế học, đồng euro là thủ phạm chính gây ra tình cảnh đó.
Tất nhiên may mắn là nước Anh không sử dụng đồng tiền chung, do đó những nguy cơ từ đồng tiền này không tác động trực tiếp tới nền kinh tế Anh. Nhưng bất chấp thực tiễn đó, sự suy thoái của một khối mà Anh là thành viên rõ ràng không thể khiến Anh “vô can” và không hề gánh chịu tổn thất.
EU đang tiếp nhận quá nhiều người nhập cư
Giống như Hãng tin AFP từng bình luận, cuộc trưng cầu ý dân tại Anh thực tế là cuộc chiến của người Anh với hai mặt trận: kinh tế và nhập cư. Do đó, thực sự người nhập cư là vấn đề đã tác động rất nhiều tới kết quả bỏ phiếu vừa qua.
Luật pháp EU quy định công dân của các quốc gia thành viên trong khối có quyền đi lại, sống và tìm việc làm ở các nước EU khác.
Hơn ai hết, người dân Anh hiểu rất rõ ảnh hưởng của quy định này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Trong lúc khu vực eurozone đang chật vật vượt qua khủng hoảng kinh tế, người lao động từ các nước trong khối này như Ireland, Ý và Lithuania, cũng như những nước không thuộc eurozone là Ba Lan hay Romania đã dồn dập kéo nhau tới Anh tìm việc.
Kết quả là, theo nhà báo Anh Douglas Muray, “trong những năm gần đây, hàng trăm ngàn người Đông Âu đã tới Anh kiếm việc làm” và đã chiếm mất một số lượng việc làm không nhỏ của người dân sở tại.
Đây có lẽ cũng là lý do khiến nhiều cử tri Anh quyết định chọn ra đi. Bởi ra đi sẽ là cách mà theo họ nước Anh sẽ có một lựa chọn lý trí và khôn ngoan hơn cho vấn đề người nhập cư.
Họ sẽ chỉ chấp nhận những người nhập cư có năng lực làm việc, có thể đóng góp cho sự thịnh vượng và phát triển của nước Anh, những người có khả năng hòa nhập tốt với nền văn hóa Anh.
Rời EU, nước Anh sẽ giữ được tiền của mình
Mặc dù EU không có quyền thu thuế trực tiếp nhưng có quyền yêu cầu các quốc gia thành viên đóng góp hằng năm một khoản nhất định vào ngân sách chung.
Hiện thời phần đóng góp của Vương quốc Anh cho EU hằng năm là 13 tỉ bảng Anh (19 tỉ USD), tương đương mức đóng góp 300 USD/người/năm.
Mặc dù phần lớn số tiền đóng góp này được chi dùng vào những dịch vụ tại Anh nhưng phe ra đi cho rằng sẽ tốt hơn nếu nước Anh có thể giữ lại khoản tiền này, và sau đó quốc hội của họ sẽ tự quyền quyết định cách chi tiêu như thế nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận