10/01/2015 08:30 GMT+7

​Tại sao ngón tay con tôi bị hoại tử?

THÙY DƯƠNG ghi
THÙY DƯƠNG ghi

TT - Con tôi được 17 tháng tuổi. Lúc được 6-7 tháng tuổi, cháu có đưa bàn tay vào nồi cơm điện đang nấu và bị phỏng ở mặt dưới ngón thứ 4 (áp út), ngón thứ 5 (ngón út) bàn tay trái.

Con tôi tên Nguyễn Thị Ngọc Hân, 17 tháng tuổi, ở Châu Thành (An Giang). Lúc được 6-7 tháng tuổi, cháu có đưa bàn tay vào nồi cơm điện đang nấu và bị phỏng ở mặt dưới ngón thứ 4 (áp út), ngón thứ 5 (ngón út) bàn tay trái. Sau đó ngón út bị sẹo rút, ngón áp út bị sẹo lồi.

Ngày 3-12-2014, gia đình tôi đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), đề nghị bệnh viện điều trị ngón út thẳng ra cho cháu nhưng khi phẫu thuật, bác sĩ ở khoa phỏng lại phẫu thuật luôn cả ngón thứ 4 trong khi ngón này vẫn cử động bình thường.

Sau đó, cháu được băng ngón tay và xuất viện. Khi xuất viện, nhân viên bệnh viện chỉ dặn 10 ngày sau quay lại bệnh viện tái khám. Khi gia đình đưa cháu quay lại thì bệnh viện nói ngón tay thứ 4 của cháu đã bị hoại tử do gia đình không tháo băng ra cho cháu, trong khi trước lúc xuất viện gia đình không được dặn về điều này.

Tại sao con tôi phải phẫu thuật ngón thứ 4? Theo như tôi biết thì sau phẫu thuật năm ngày bệnh nhân phải quay lại bệnh viện tái khám, tại sao trường hợp con tôi bác sĩ lại dặn 10 ngày mới tái khám và không hề dặn gia đình phải thay băng cho bé?

ANH TUẤN (An Giang)

* Bác sĩ Đào Trung Hiếu (phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) trả lời:

- Qua xem xét hồ sơ bệnh án và họp với các bác sĩ, điều dưỡng tham gia điều trị, chúng tôi trả lời về trường hợp bé Nguyễn Thị Ngọc Hân như sau:

Ngày 3-12-2014, bé Hân nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 1 để mổ sẹo co rút ngón tay 4, 5 (tay trái) sau khi bị phỏng hơi nồi cơm điện cách nay khoảng 10 tháng. Vào thời điểm bé nhập viện, sau khi đánh giá sang thương ở ngón 4, 5 tay trái và theo phác đồ điều trị các trường hợp tương tự tại bệnh viện, các bác sĩ điều trị đã quyết định thực hiện phẫu thuật tạo hình cả hai ngón 4, 5 tay trái. 

Điều này đã được thể hiện rõ xuyên suốt và thống nhất trong hồ sơ bệnh án của bệnh nhân ngay từ khi nhập viện, trong biên bản hội chẩn, tường trình phẫu thuật và sau mổ. Hơn nữa trước khi phẫu thuật, bác sĩ điều trị đã giải thích rõ cho bà nội của bệnh nhi về việc phải thực hiện tạo hình cả hai ngón 4, 5 tay trái và được sự chấp thuận của thân nhân thể hiện trong giấy cam kết phẫu thuật.

Ngày 5-12-2014, sau khi thăm khám đánh giá tình trạng vết thương tiến triển tốt, ổn định, bác sĩ điều trị đã cho bé xuất viện. Thông thường với những trường hợp tương tự, bác sĩ điều trị hẹn tái khám sau ba ngày để theo dõi và đánh giá vết thương (điều này thể hiện trong giấy ra viện của bé).

Tuy nhiên với một số phẫu thuật không phức tạp, vết thương ổn định, để thuận tiện cho những bệnh nhân nhà ở xa, bác sĩ có thể hẹn tái khám sau 7-10 ngày, đồng thời dặn dò kỹ thân nhân về cách chăm sóc vết thương và các dấu hiệu cần phải đưa bé trở lại khám sớm hơn (bé Ngọc Hân nằm trong số những trường hợp này). 

Có thể do việc thông tin giữa bác sĩ điều trị và thân nhân trong trường hợp này chưa tốt nên khi bé tái khám sau 10 ngày thì tình trạng vết thương ở ngón 4 tay trái diễn tiến xấu, có dấu hiệu nhiễm trùng, hoại tử, không thể điều trị bảo tồn được nữa. Sau khi hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa trong và ngoài bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành tháo khớp đốt đầu tiên ngón 4 tay trái. Hiện tại tình trạng vết thương đã ổn định.

Qua sự việc đáng tiếc này, bệnh viện đã tổ chức họp thảo luận và nghiêm túc rút kinh nghiệm, đặc biệt trong vấn đề thông tin giữa nhân viên y tế và thân nhân người bệnh. Đồng thời bệnh viện đang tập trung thực hiện những biện pháp điều trị tích cực nhất cho bệnh nhi.

Ban giám đốc, lãnh đạo khoa cũng đã gặp gỡ, trao đổi cùng với gia đình bệnh nhi với mong muốn chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhi.

THÙY DƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp