Trong số các mặt hàng tiêu dùng, có lẽ hiếm có mặt nàng nào có tăng trưởng nhanh về lượng tiêu thụ như bia.
Và cũng bởi tăng trưởng nhanh về số lượng, chỉ trong vòng 6 năm (2016 so với 2010), VN đã "thăng hạng" tới 30 bậc trong danh sách các quốc gia uống nhiều rượu bia nhất (!).
Có lẽ bởi nguồn lợi nhuận khổng lồ này mà dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia cứ nhùng nhằng hơn 10 năm nay chưa ra nổi.
Trong số 85 văn bản đã có liên quan đến quản lý kinh doanh, sản xuất và sử dụng rượu bia, có 52 văn bản hết hạn và 33 văn bản hiện đang trong thời hạn thực hiện lại còn "trống" nhiều chỗ, đặc biệt là trống ở khâu phòng chống tác hại rượu bia.
Vì thế ở VN ai muốn bán rượu bia thì bán, bán cho ai, giờ nào bán, uống bao nhiêu... đều hoàn toàn tự do!
Một quan chức y tế cho biết khi ông đi Mỹ có đến siêu thị mua rượu bia vào giờ quy định cấm bán và siêu thị đã thực hiện rất nghiêm quy định này.
Ở Thái Lan, hiện cũng có hai khung giờ hằng ngày không được bán rượu bia, các ngày lễ tôn giáo và bầu cử cũng như vậy.
Nhưng ở VN, khi dự thảo Luật phòng chống tác hại bia rượu đề nghị nên có khung giờ cấm bán rượu bia thì đã có rất nhiều ý kiến phản đối, cho rằng không khả thi và ảnh hưởng đến... du lịch (?!).
Không chỉ quy định về khung giờ bị phản đối, mà các doanh nghiệp sản xuất rượu bia còn phản ứng cả việc ban hành Luật phòng chống tác hại bia rượu, dù Quốc hội đã có lịch xem xét dự luật này vào năm 2019.
Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh (phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế), trong lúc tiêu dùng rượu bia của thế giới ổn định (gần một thập kỷ chỉ tăng từ 6,2 lít cồn/người/năm lên 6,4 lít) thì VN tăng vọt từ 6,4 lít cồn/người/năm lên 8,3 lít, thiệt hại liên quan đến rượu bia đã vượt xa doanh thu mà rượu bia mang lại.
Dự kiến dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia sẽ đệ trình Quốc hội vào kỳ họp đầu năm 2019.
Dự luật này cũng đang được những người hoạt động tích cực trong phong trào phòng chống tác hại rượu bia hi vọng sẽ khỏa lấp những khoảng trống chính sách, đặc biệt là chính sách về dự phòng tác hại của rượu bia, như có khung giờ cấm bán rượu bia, giới hạn mật độ cơ sở bán rượu bia, có quy định rõ trong việc cấm bán rượu bia cho trẻ em...
Giá bán lẻ một lon bia 330ml hiện nay là 11.000 đồng, trong khi một hộp sữa 180ml được bán với giá khoảng 7.000 đồng.
Với mức giá này, bia rẻ hơn sữa, đó là chưa nói đến giá bia cỏ, bia hơi lề đường thì sữa không có cửa để so sánh (!).
Người dân luôn đồng thuận với các quy định nhằm phòng chống tác hại rượu bia, các cuộc thăm dò và phản ứng của người dân liên quan đến tác hại của rượu bia đã chứng minh điều này.
Dự luật còn đợi thêm một năm nữa để chỉnh sửa và hoàn thiện trước khi đệ trình, trong khi ngoài phố, tối cũng như ngày luôn đầy rẫy các quán bia và lúc nào cũng vang vọng tiếng "dô dô".
Sao VN nghèo mà uống rượu bia nhiều hơn cả Canada và Pháp? Câu hỏi này đang làm day dứt chúng ta, nhưng còn những người uống nhiều rượu bia, họ có day dứt về điều này?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận