11/03/2015 06:00 GMT+7

Tại sao Ngân hàng giữ 12 sổ tiết kiệm ông Toán 13 năm?

VÕ HƯƠNG – LÊ THANH – TRÀ MY
VÕ HƯƠNG – LÊ THANH – TRÀ MY

TTO - Đã 13 năm kể từ ngày ông Lê Minh Toán đến Ngân hàng xin rút tiền tiết kiệm, Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội vẫn giữ toàn bộ 12 cuốn sổ tiết kiệm gốc của ông...

Ông Lê Minh Toán đau xót số tiền lúc gửi đủ mua được căn nhà, nhưng sau 20 năm gửi tiết kiệm ngân hàng chỉ ăn được vài ba bát phở - Ảnh: Lê Thanh

Từ năm 1982-1985, ông Lê Minh Toán (ở Hàng Bài, Hà Nội) đã chắt chiu từ chính tiền lương của mình để gửi tiết kiệm 12 cuốn sổ với tổng giá trị là 4.100 đồng vào các Quỹ tiết kiệm thuộc Ngân hàng nhà nước Trung ương.

Ông cho biết ở thời điểm đó, số tiền 4.100 đồng đủ mua một căn hộ nhỏ ở trung tâm Hà Nội.

Căn hộ tập thể mà vợ chồng ông đang sống được mua những năm 1980 với giá 3.100 đồng.

Buồn đến mức không đi nhận tiền

Ông Toán tâm sự thời đó, ông Toán là thợ điện bậc 5/6 của công ty điện lực Hà Nội. Tiền gửi tiết kiệm được tích cóp từ lương và tiền kiếm thêm khi ông tranh thủ đi sửa điện ở các hợp tác xã, ở nhà riêng… vào những lúc nghỉ ngơi.

>> Ông Lê Minh Toán 

Ông Toán cho biết ngân hàng vẫn đang giữ 12 quyển sổ tiết kiệm của ông - Ảnh: Lê Thanh

Năm 2002, khi đã nghỉ hưu, ông Toán đi hỏi ngân hàng để rút tiền tiết kiệm ra. Cầm sổ tiết kiệm đến địa chỉ mà ông đã gửi tiền thì không còn thấy quỹ tiết kiệm ở đó nữa. Các chi nhánh đã sáp nhập hoặc đổi tên, chuyển đi chỗ khác và có người khuyên ông nên làm đơn phản ánh lên Ngân hàng Trung ương.

Đến tháng 6-2002, Ngân hàng nhà nước TP.Hà Nội cho ông biết tổng cộng số dư tiền gửi tiết kiệm và lãi nhập gốc tính đến ngày 30-6-2002 là 109.778 đồng.  

>> Ông Lê Minh Toán 

Từ đó đến nay, đã 13 năm, ông Toán cho biết chưa đến ngân hàng để rút số tiền tiết kiệm đó. Hiện Ngân hàng nhà nước TP Hà Nội vẫn đang giữ toàn bộ 12 cuốn sổ tiết kiệm của ông.

“Sau buổi làm việc để đối chiếu phản ánh của tôi vào ngày 26-6-2002, Ngân hàng nhà nước TP Hà Nội giữ lại toàn bộ 12 cuốn sổ, họ vẫn chưa trả lại các sổ tiết kiệm cho tôi”,  ông Toán tâm sự.

>> Ông Lê Minh Toán 

Không phải sự việc đầu tiên

TTO từng phản ánh vụ tiền tiết kiệm “bốc hơi” của bà Lê Thị Bích Thủy (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM). Bà Thủy gửi tiết kiệm số tiền tương đương 2 chỉ vàng vào năm 1983, khi mà quyết định đi lãnh tiền vào năm 2014 thì cuốn sổ tiết kiệm không còn đồng nào.

Từ vụ việc này, bạn đọc TTO đã gửi nhiều bình luận với mong muốn các ngân hàng phải tính toán lãi cho người gửi tiền sao cho “thấu tình đạt lý”.

Bạn đọc Pham Nguyen bày tỏ: Gửi tiết kiệm vào ngân hàng nhà nước, vừa là kiến thiết đất nước nhưng cũng vừa là gửi gắm niềm tin của mình.

Anh Phạm Minh Mẫn (Đồng Nai) cho rằng vì người dân đặt hết niềm tin vào ngân hàng và nghĩ rằng tiền mình gửi tiết kiệm sẽ sinh lãi nên đôi khi họ thiếu cập nhật thông tin, dẫn đến những sự thiệt thòi về tiền bạc sau nhiều năm.

“Ngân hàng nên chủ động hơn với những động thái như thông báo cho người dân về việc chuyển đổi địa điểm, thông báo về tiền lãi/biến động lãi suất… khoảng vài tháng/lần…”, Phạm Minh Mẫn nói.

>> Phạm Minh Mẫn

Ba sổ tiết kiệm ông Lê Minh Toán gửi quỹ tín dụng từ năm 1990 .“Nhiều lần tôi đã cầm sổ đi rút nhưng các quỹ tiết kiệm này không còn ở địa chỉ cũ nữa. Cứ nghĩ đến số tiền chỉ nhận được chả là bao như 12 cuốn sổ kia thì tôi lại buồn nên vẫn cất sổ trong tủ” - ông Toán nói - Ảnh: Lê Thanh

Bạn đọc Thanh Ngân bình luận: Từ trường hợp của bà Bích Thủy rồi đến trường hợp của ông Toán, tôi nghĩ các ngân hàng nên ra tổng kết lại xem những ai còn sổ tiết kiệm trước năm 1985 và tìm cách giải quyết thấu tình đạt lý.

“Nếu tính theo cách hiện nay (như trường hợp 2 chỉ vàng của bà Thủy rơi về con số 0 hay số tiền giá trị 1 căn nhà của ông Toán còn tương đương ba tô phở) thì rất không công bằng với người dân. Số tiền họ gửi tiết kiệm là số tiền mồ hôi nước mắt, tích cóp lại để dưỡng già, cho con cho cháu, mà nay thấy tiền gốc, tiền lãi còn chẳng muốn đi rút thì phải hiểu là họ hẫng hụt đến mức nào”, bạn đọc này viết.

Chị Phương Nguyễn (Đà Lạt) :“Nếu trước đây số tiền đó đủ để mua một thứ gì đó, thì bây giờ, sau khi gửi ngân hàng 20 năm, số tiền rút ra cũng phải mua được thứ gì đó tương đương, chứ không thể có sự chênh lệch quá xa như trường hợp của ông Toán”, chị Phương Nguyễn bày tỏ.

>> Phương Nguyễn 

“Trong khoảng thời gian mấy mươi năm, tiền của người dân nằm trong tay ngân hàng, có thể ngân hàng đã dùng nó để đầu tư sinh lãi, vậy tại sao không chia sẻ lợi nhuận này cho người dân?”, bạn đọc Phương Nguyễn đặt câu hỏi.

>> Phương Nguyễn 

Xem xét giao kết giữa ngân hàng và người gửi tiết kiệm

Luật sư Phan Trung Hoài, chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư Liên đoàn Luật sư VN cho rằng có hai vấn đề cần xem xét trong câu chuyện của ông Lê Minh Toán.

“Đây quả thật là trường hợp khá hy hữu, tuy phức tạp nhưng không khó tìm ra phương án giải quyết.

Trước hết, phải xem xét quan hệ pháp lý phát sinh giữa người gửi tiết kiệm với tổ chức tín dụng, vì việc giải quyết quyền lợi phải theo các điều kiện, thỏa thuận, trong đó đặc biệt liên quan đến lãi suất tiết kiệm vào thời điểm thiết lập giao dịch đó và các giai đoạn sau này.

Vấn đề thứ hai cần làm rõ là giá trị đồng tiền gửi tiết kiệm khi quy đổi sang giá trị của đồng tiền mới vào năm 1985, việc này có được cập nhật trong sổ tiết kiệm hay không? “, luật sư Hoài nói.

>> Luật sư Phan Trung Hoài 

Để giải quyết và bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong trường hợp này, theo luật sư Phan Trung Hoài thì phía ngân hàng nên mời vợ chồng ông Lê Minh Toán đến, trước hết là xem xét hiệu lực và giá trị pháp lý của những sổ tiết kiệm, tính toán đầy đủ lãi suất tiết kiệm Nhà nước quy định qua từng giai đoạn, có thể xem xét vận dụng cả yếu tố giá vàng từng thời điểm để xác định số tiền gốc và lãi phát sinh tính đến thời điểm hiện nay.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng có thể đưa ra một đường lối và giải pháp hợp tình hợp lý, dựa trên chính sách, lãi suất tiết kiệm và quy đổi giá trị để có được một con số cụ thể, nhằm bảo vệ được quyền lợi của người gửi tiết kiệm.

>> Luật sư Phan Trung Hoài 

“Tôi nghĩ có một vấn đề cần làm rõ lý do vì sao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội lại giữ 12 sổ tiết kiệm của ông Toán mà không hồi âm, xử lý kiến nghị của ông Toán, để kéo dài cho đến thời điểm hiện nay?

Hơn nữa, nếu Quỹ tiết kiệm mà gia đình ông Toán giao dịch đã giải thể, sáp nhập hoặc chuyển đổi địa điểm thì họ phải có thông báo cho khách hàng để có sự theo dõi liên tục, vì đây là trách nhiệm của tổ chức tín dụng, không thể bỏ mặc khách hàng như thế được.

Khách hàng tin cậy và gửi gắm tài sản của mình vào tổ chức tín dụng nào có ý nghĩa rất quan trọng đến sự phát triển của tổ chức tín dụng đó”, luật sư Phan Trung Hoài nói thêm.

VÕ HƯƠNG – LÊ THANH – TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp