05/11/2015 11:30 GMT+7

​Tại sao lại phải trở về?

QUỐC NGUYÊN
QUỐC NGUYÊN

TT - Một thực tế hơi phũ phàng nhưng hiển nhiên mà ai cũng phải thừa nhận, nhiều tên tuổi làm rạng danh VN với bạn bè quốc tế phần lớn (nếu không muốn nói là tất cả) đều được biết đến gắn với tên một trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng nào đó của các nước.

Phụ huynh và học sinh tìm hiểu thông tin tại triển lãm du học Pháp - Đức - Ảnh: Như Hùng

Và có thể nói nếu không được tôi luyện trong những môi trường ấy, liệu họ có được thế giới biết đến là những đại diện cho trí tuệ VN.

Có lần đối thoại trước cả ngàn sinh viên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ rằng hãy nhìn thoáng hơn, đừng quá nặng nề du học thì phải trở về mới là đóng góp cho đất nước.

Ông bảo rằng nếu bạn sống, làm việc ở nước ngoài, bạn có điều kiện học hành cao hơn, nghiên cứu chuyên sâu hơn, bạn có thu nhập bằng ngoại tệ gửi về cho gia đình, người thân trong nước tức là bạn cũng đang chung tay đóng góp xây dựng đất nước.

Vì dù có đi học ở đâu, sống ở đất nước nào thì bạn vẫn là người VN, gia đình bạn vẫn ở đất nước này và VN vẫn là quê cha đất tổ. Khi khái niệm “công dân toàn cầu” trong thế giới phẳng ngày càng trở nên phổ biến, có lẽ khái niệm biên giới cũng sẽ “mềm” hơn trong cách nghĩ, góc nhìn và khái niệm này lại đang là xu hướng được nhiều người trẻ đồng cảm, chia sẻ.

Vì thế, chỉ người đi học mới biết chính xác nhất, chọn lựa rõ nhất chuyện về hay ở. Nên chúng ta có tự đặt câu hỏi, có day dứt với chuyện du học sinh không trở về thì cũng không trả lời thay họ được.

Nếu các bạn sống tốt hơn, phát triển hài hòa hơn ở nước ngoài, để khi có điều kiện luôn sẵn sàng đóng góp, làm rạng danh cho nước nhà thì chẳng hà cớ gì cứ phải mãi lăn tăn “ra đi là để trở về”!

Chuyện yêu nước, chảy máu chất xám, là thui chột nhân lực quốc gia xét theo góc nhìn này chắc cũng có sự thay đổi.

Ông Phạm Quang Hưng
- Ảnh: N.Hà

* Ông Phạm Quang Hưng (cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài Bộ GD-ĐT): 

4 nhóm giải pháp với du học bằng ngân sách

Thứ nhất là lựa chọn đúng cán bộ xuất sắc, có phẩm chất đạo đức, có cam kết ràng buộc với cơ quan công tác để trở về sau khi hoàn thành khóa học. Thứ hai, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát lưu học sinh trong quá trình học tập tại nước ngoài.

Việc này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GD-ĐT, cơ quan đại diện của VN tại nước ngoài, các cơ sở đào tạo nước ngoài cũng như cơ quan chủ quản tại VN. Thứ ba, cần tạo động lực về tinh thần và vật chất (như lòng yêu nước, gắn kết với Tổ quốc, cơ hội và môi trường làm việc tốt) để thu hút được các nhân tài về nước.

“Trung Quốc hay Hàn Quốc là những quốc gia trước đây có tỉ lệ du học sinh, nhà khoa học định cư lại các nước rất cao. Tuy nhiên, sau những thay đổi tích cực trong chính sách tuyển dụng, nhiều du học sinh, nhà khoa học lại quay về nước làm việc” - ông Hưng dẫn chứng. 

Thứ tư, đối với những cá nhân nhận học bổng từ nguồn ngân sách nhà nước nhưng không thực hiện đúng cam kết, chúng ta đã có các chế tài để thu hồi và tái sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho các hoạt động đào tạo nhân lực trong nước khác, cần tăng cường những biện pháp giám sát việc thực thi các chế tài này. 

Tất nhiên, chúng ta không thể duy ý chí nói rằng VN có thể ngay lập tức triển khai được các chính sách đãi ngộ tốt như những nước phát triển. Nhưng tôi tin rằng phần lớn công dân của VN, khi may mắn được Nhà nước lựa chọn cử đi đào tạo ở nước ngoài, đều mang trong mình ý thức về trách nhiệm sau khi tốt nghiệp.

Cũng đã có nhiều trường hợp các nhân tài Việt có những cơ hội đãi ngộ tốt hơn rất nhiều ở nước ngoài nhưng vẫn lựa chọn trở về công tác tại VN.

NGỌC HÀ ghi

Ông Đào Trọng Thi
- Ảnh: V.Dũng

* Ông Đào Trọng Thi (chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Đừng nghĩ theo cách “mì ăn liền”

Chuyện du học sinh không quay về có nhiều lý do. Phần đông du học sinh hiện nay du học tự túc hoặc học bổng ngoài ngân sách, họ không có trách nhiệm phải quay về.

Việc du học sinh dạng này mong muốn ở lại nước sở tại làm việc nếu có điều kiện, để bù lại những khoản đầu tư rất tốn kém của gia đình là có thể hiểu được. Cũng có nhiều bạn đi học dù là tự túc hay ngân sách thì họ mong muốn ở lại để học lên cao, phát triển năng lực.

Ngoài ra, cũng phải thực tế nói rằng các bạn sinh viên du học nếu trở về không dễ tìm được việc làm có thu nhập phù hợp với năng lực, phù hợp với chi phí đầu tư đi du học của họ.

Nói về chính sách thu hút của ta hiện tại thì không những không đủ mạnh mà còn rất kém. Nói chung là tôn trọng tài năng, nhưng cơ chế và quy trình, thủ tục của ta về nhân sự hiện nay không đáp ứng được yêu cầu đó.

Vậy chúng ta nên ứng xử như thế nào? Không nên tư duy “mì ăn liền” trong lĩnh vực nhân lực chất lượng cao, rằng đi học xong là phải về phục vụ đất nước ngay.

Nhiều người làm việc một thời gian ở nước ngoài thì sẽ tốt hơn vì qua đó họ tích lũy thêm kinh nghiệm và phát triển năng lực của mình, rồi sau đó nếu họ quay về sẽ mang theo những tri thức mới nhất, có khả năng áp dụng vào thực tiễn ngay.

Cũng có nhiều sinh viên muốn ở lại để học lên cao hơn, ta nên ủng hộ, vì tốt nghiệp đại học đối với một số người có trình độ vượt trội thì chưa là gì cả.

Tôi xin nêu một ví dụ như GS Ngô Bảo Châu, khi GS ở nước ngoài rồi quay về giúp đỡ các cơ quan trong nước thì tốt hơn là trực tiếp về giảng dạy và nghiên cứu trong nước. Đóng góp cho đất nước không nên nghĩ chỉ về nước mới làm được, tùy từng lĩnh vực, từng con người cụ thể để có cách tiếp cận phù hợp.

Đất nước cũng phải không ngừng cải thiện môi trường làm việc, điều kiện sinh hoạt ở trong nước để hấp dẫn, thu hút các bạn sinh viên trở về cống hiến.

V.V.THÀNH ghi

QUỐC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp