Giao thông hỗn loạn trên một ngã ba cắt đường Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: H.Khoa |
Khi bị kẹt xe, nhiều người cho biết sẽ tìm cách để “thoát thân” bằng việc lách vào hẻm, leo vỉa hè, lấn sang làn đường khác, thậm chí chạy ngược chiều và vượt đèn đỏ. Tuy nhiên, đa số cũng nhìn nhận những cách đó không mấy hiệu quả.
Đó là kết quả cuộc khảo sát nhanh mà Tuổi Trẻ vừa thực hiện với 60 người dân TP.HCM, trong đó có 30 người đi xe máy, 20 người lái xe hơi và 10 tài xế xe buýt, về cách mà họ đối phó với chuyện kẹt xe thường xuyên trên địa bàn thành phố.
Đồ họa: Tấn Đạt |
Leo vỉa hè, vượt đèn đỏ...
Khi được hỏi thường làm gì lúc mắc kẹt trong dòng xe ùn tắc, phần đông người trả lời khảo sát nói rằng họ thường phải chờ đợi và nhích từng bước (85% ý kiến). Tuy nhiên, nhiều lúc họ cũng phải tìm cách để thoát ra nhanh hơn.
Với những người đi xe máy, ba cách thường được áp dụng là luồn lách vào các con hẻm, đường tắt (90% ý kiến), leo vỉa hè (60%) và chạy sang làn đường khác vắng hơn (60%). Cũng có người cho biết đã chọn cả cách chạy ngược chiều (30%) và vượt đèn đỏ (23,3% ý kiến).
Xe hơi vì to hơn và mức phạt vi phạm cũng cao hơn xe máy nên các bác tài dường như dè dặt hơn khi kiếm cách thoát khỏi đám đông kẹt xe. Mặc dù vậy, cũng chỉ có 80% bác tài trả lời khảo sát khẳng định không bao giờ vượt đèn đỏ, 95% không chạy ngược chiều.
Thậm chí, chỉ có 40% khẳng định mình không đi lấn sang làn đường khác. Ngay cả chuyện tưởng chừng quá khó với xe hơi như leo vỉa hè, cũng có tới 20% nói mình thi thoảng vẫn làm vậy.
Giữa đám đông kẹt xe, theo thừa nhận của cánh tài xế xe buýt thì loại xe này “hay bị người ta chửi nhất”. Việc leo vỉa hè hay luồn lách trong hẻm là điều không thể với tài xế xe buýt. Họ cũng nói không bao giờ vượt đèn đỏ hay chạy ngược chiều.
Dù vậy vẫn có 50% trong số 10 bác tài được hỏi nói rằng họ thi thoảng vẫn tranh thủ vượt đèn vàng, phóng nhanh, rú còi để đám đông dạt ra.
Tuy nhiên, đa số người tham gia khảo sát nói rằng những cách làm của mình ít hiệu quả, hoặc có hiệu quả “nhưng cũng mệt cả người”. Bởi vì nhiều người đã nói giống như bác xe ôm Nguyễn Văn Hai ở Q.8: “Mình có leo lên lề thì người ta cũng leo lề, chạy vô hẻm thì người ta cũng biết chạy vô hẻm chứ. Thành ra kẹt cứ kẹt. Người đông như thế, có muốn chạy cũng không biết chạy đâu”.
Chủ động phòng tránh và đi đúng luật
Bức xúc, bất lực xoay xở với đám đông kẹt xe, những người được hỏi đã hiến kế để TP giảm tình trạng phiền toái này. Điều đáng chú ý là dù đi xe máy, xe hơi hay lái xe buýt, đa số ý kiến đều đề xuất giải pháp hiệu quả hàng đầu là tăng cường cảnh sát giao thông và các lực lượng làm nhiệm vụ trên đường (chiếm 73% ý kiến).
“Phải thừa nhận là ý thức của nhiều người đi đường hiện nay còn kém. Đường sá nhỏ hẹp có kêu cũng không to ngay ra được, nhưng ý thức thì phải thay đổi. Đường đã kẹt còn mạnh ai nấy chạy.
Phụ huynh đón con đứng tràn ra đầy đường, hàng quán chiếm hết cả vỉa hè không còn chỗ cho người đi bộ. Rồi chạy ngược chiều, lấn tuyến, nhặng xị hết cả lên, đã kẹt càng kẹt hơn. Trong bối cảnh như thế phải có cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ người ta mới ý thức hơn được”, sinh viên luật Võ Minh Triết (ngụ Q.4) phân tích.
Nhận thức rõ nếu rơi vào đám kẹt xe là một điều “xui rủi” rồi, nên mọi người đều chủ động phòng tránh. Đi sớm, về trễ, đi đường vòng tránh điểm kẹt là giải pháp được nhiều người đi xe hơi và xe máy lựa chọn (80% chọn giải pháp này và cho là rất hiệu quả). Ngoài ra, nhiều người còn có “chiêu” riêng.
Như chị Trương Thị Quỳnh Anh (Q.Tân Bình) cố gắng nhớ các con hẻm tắt để hôm nào lỡ trễ giờ thì luồn vô đi cho nhanh. Tài xế taxi Lý Thanh Sang canh giờ cao điểm tấp vào chỗ mát nghỉ ngơi. Anh Trường Thành ( Q.6) thì thường xuyên đọc báo xem chỗ nào hay kẹt, chỗ nào đang đào đường để tránh...
“Nên tập thói quen đi làm sớm hơn bình thường, vừa tránh kẹt xe vừa hưởng không khí trong lành, lại được thư thả ăn sáng thay vì cập rập, cuống cuồng. Mà công ty nào cho đi làm sớm cũng nên cho nhân viên về sớm để tránh kẹt xe. Mỗi người cứ đi đúng làn đường, đúng luật. Nhanh một giây chậm một đời, kẹt xe thì hàng tiếng đồng hồ”- ông Trần Văn Tranh, bảo vệ, ngụ Q.8, nói.
Một điều rất đáng mừng mà những người tiến hành khảo sát lần này cảm nhận được đó là khi quá khổ sở với kẹt xe, nhiều người đã dần hiểu rõ câu chuyện ý thức của mình cũng góp phần tăng thêm hay giảm bớt kẹt xe. Hành động vượt đèn đỏ, phóng nhanh, rú còi để đám đông dạt ra có vẻ bị...tẩy chay khi đa số đều khẳng định không bao giờ làm như vậy và rất bực mỗi khi thấy ai làm vậy.
Chị Hồ Thị Lệ Thanh, một người soát vé xe buýt, ngụ Q.6, trần tình: “Người dân thường nghĩ chúng tôi khó chịu vì hay hối thúc họ, nhưng không phải vậy. Xe buýt rất to và cồng kềnh, nếu không di chuyển nhanh thì phía sau ùn tắc ngay. Mỗi người nhường nhau một tí. Kể cả khách đi xe buýt, chuẩn bị tiền lẻ trước, chú ý lời nhắc để ra cửa xuống nhanh cũng là góp phần cho đỡ ùn tắc rồi”.
* Chu Thị Hồng (Q.Gò Vấp): Lúc kẹt xe thì ai cũng muốn thoát ra nhanh cả. Nhưng đừng ai chen lấn, đừng rú còi ầm ĩ gây khó chịu. * Võ Minh Trí (tài xế xe buýt): Chạy xe buýt có lộ trình rõ ràng nên chúng tôi không chạy đường khác được, dù biết đường này kẹt nhưng vẫn phải chạy. Những chỗ ngã ba ngã tư có cảnh sát giao thông thì đỡ hơn cho chúng tôi, chứ xe máy rẽ ngã này ngã kia rất lộn xộn. * Võ Tuấn Linh (sinh viên ĐH Luật TP.HCM): Cần bố trí lực lượng cảnh sát giao thông thật hợp lý. Tôi nghĩ với tốc độ thông tin như hiện nay, việc lực lượng chức năng nắm được nơi nào đang là điểm nóng không khó. Do vậy cần điều phối lực lượng kịp thời, nhanh chóng thì mới hiệu quả. * Nguyễn Đình Hùng (tài xế taxi): Đôi khi chúng tôi cũng muốn chạy sang những đường ít kẹt xe hơn, nhưng vậy thì khách hàng lại nghĩ là vẽ đường cho xa để lấy tiền. Tôi nghĩ nên xây thêm nhiều cầu vượt hơn nữa, đặc biệt là bắc qua các con kênh nối giữa các Q.1, Q.4, Q.8... vì khu vực cầu Kênh Tẻ, cầu Ông Lãnh, cầu Nguyễn Văn Cừ kẹt xe rất nhiều. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận