Tại sao cứ bắt giáo viên dạy bù ngày lễ?

 NGUYỄN CAO
NGUYỄN CAO

TTO - Sau ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều giáo viên trường chúng tôi ai cũng thở dài ngao ngán vì phải đi dạy bù.

Nhiều giáo viên nêu ý kiến nhưng ban giám hiệu đã quyết định và tất nhiên giáo viên phải chấp hành mệnh lệnh của lãnh đạo một cách miễn cưỡng.

Những sự việc như thế này cứ lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác. Rõ ràng nhiều ban giám hiệu đã và đang áp dụng sai Luật lao động, và có lẽ họ sẽ còn sai nữa.

5 điều vô lý

Ngày còn đi học, chúng tôi vẫn thường xuyên phải đi học bù sau các ngày lễ và đến bây giờ khi đã làm thầy, chúng tôi vẫn phải đi dạy bù sau khi nghỉ lễ. Sự việc tréo ngoe này vẫn được lặp đi lặp lại hàng chục năm trời và không có sự thay đổi.

Tại sao luật cho nghỉ, các sở, phòng giáo dục đều hướng dẫn cho nghỉ mà các ban giám hiệu nhà trường cứ cứng nhắc, máy móc bắt giáo viên và học sinh phải đi dạy, đi học bù vào ngày cuối tuần?

“Học thì hết chương trình nhưng cứ bắt giáo viên phải vào lớp. Thế là nguyên tuần dự trữ thầy cô vào nhìn học trò “chơi” trong lớp. Sự thật hiển nhiên này không trường nào là không có. Và, chuyện giáo viên dạy bù vẫn cứ được áp dụng hằng năm. Vậy sinh ra tuần dự trữ của năm học để làm gì?

Tại điều 115 của Bộ luật lao động năm 2013 đã ghi rõ về số ngày nghỉ lễ của người lao động, luật đã quy định cụ thể “nếu ngày nghỉ lễ trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp”. Vậy mà giáo viên lại phải đi dạy bù sau ngày nghỉ lễ là điều hoàn toàn vô lý!

Thứ nhất, ban giám hiệu điều động giáo viên và học sinh - hàng trăm con người vào dạy và học trong những ngày nghỉ cuối tuần là đã áp dụng sai luật.

Thứ hai, việc giáo viên và học sinh vào học cuối tuần là không khoa học, gây ức chế cho cả người dạy và người học bởi đây là ngày nghỉ để chuẩn bị một tuần làm việc mới. Đó là chưa kể nhiều giáo viên, nhiều học sinh có những dự định làm việc này việc kia, hoặc đi đâu đó trong ngày nghỉ cuối tuần.

Thứ ba là tại sao khi điều giáo viên vào dạy trong ngày nghỉ cuối tuần thì ban giám hiệu không bao giờ vào trực và làm việc “bù” như giáo viên mà lại cùng nhau nghỉ ở nhà. Phải chăng trong cùng đơn vị nhưng người lao động khác với người sử dụng lao động về chế độ làm việc và chế độ nghỉ ngơi?

Thứ tư là khi điều giáo viên vào dạy bù nhưng ban giám hiệu không bàn bạc với giáo viên mà chỉ thông báo hoặc truyền mệnh lệnh là trái với Luật lao động.

Đồng thời ban giám hiệu không chi trả tiền làm thêm giờ cho giáo viên càng thể hiện sự vi phạm Luật lao động. Bởi điều này được thể hiện rõ trong điều 97 của Bộ luật lao động.

Vậy nhưng tất cả đều lờ đi quyền lợi của giáo viên và nếu có thắc mắc chỉ được lời giải đáp hờ hững của ban giám hiệu: “Dạy bù để các lớp không khập khiễng sổ ghi đầu bài!”.

Một tuần dự trữ để làm gì?

Từ lâu, trong biên chế năm học từ cấp mầm non đến cấp THPT trong cả nước là mỗi năm học gồm có 37 tuần (không bao gồm nghỉ giữa kỳ và nghỉ Tết Nguyên đán). Trong đó có 35 tuần thực học và hai tuần dự trữ. Nghĩa là mỗi học kỳ có một tuần dự trữ.

Trong khi chỉ có một số tỉnh phía Bắc và miền Trung hay có tác động của thiên tai thì học sinh nghỉ học và phải thực hiện bù. Còn các tỉnh phía Nam thì gần như không phải nghỉ đột xuất trong năm học. Vì vậy, mỗi học kỳ có một tuần dự trữ để làm gì?

Nhìn vào ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì mỗi năm giáo viên cũng như người lao động được nghỉ lễ theo quy định chung của Nhà nước. Theo tính toán của tôi, một năm giáo viên được nghỉ lễ năm ngày (không tính Tết Nguyên đán), trong đó học kỳ I của năm học này có hai ngày, học kỳ II có ba ngày nghỉ.

Vậy, vì cớ gì có cả một tuần dự trữ ở phía sau mà nhà trường không bố trí lùi thời khóa biểu về sau mà cứ bắt giáo viên dạy bù? Ban giám hiệu có bao giờ thấu hiểu cảnh giáo viên phải vào ngồi “canh” học sinh trong tuần dự trữ không?

Trong ngành giáo dục có nhiều ngày nghỉ dạy không được Luật lao động cho nghỉ như ngày khai giảng năm học, Ngày nhà giáo Việt Nam thì bù đã đành. Còn những ngày nghỉ có quy định trong luật, lẽ nào giáo viên lại phải dạy bù?

Tâm lý giáo viên không ai muốn đi dạy bù trong ngày nghỉ mà các em học sinh cũng vậy. Cả một tuần học tập căng thẳng, đến ngày chủ nhật lại phải đi tiếp sẽ tạo nên sự căng cứng cho học sinh.

Có lẽ đã đến lúc bộ và các sở GD-ĐT cần phải có những hướng dẫn cụ thể cho ban giám hiệu các trường. Nếu không, giáo viên vẫn phải đi dạy bù sau ngày nghỉ lễ.

Nghỉ hè: cũng phải lo nhiều chuyện

Nhiều người cứ thắc mắc giáo viên được nghỉ hai tháng hè không phải dạy vẫn được hưởng lương mà đâu biết rằng trong thời gian đó giáo viên phải bồi dưỡng chuyên môn, trực hè, tham gia sinh hoạt hè cùng học sinh, phải ôn thi lại và vận động học sinh trở lại lớp học.

Ngoài ra, các ngày chủ nhật trong năm học thường xuyên bị ban giám hiệu triệu tập vào hội họp, bồi dưỡng chuyên môn, tổ chức văn hóa văn nghệ, tham gia các phong trào thi đua của giáo viên và học sinh, họp phụ huynh...

Hình như giáo viên không phải là “viên chức” và không cần áp dụng theo Luật lao động nên ban giám hiệu thích thì triệu tập, thích là huy động vào trường?

NGUYỄN CAO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp