01/11/2015 09:45 GMT+7

Tại sao “cát tặc” lộng hành?

DƯƠNG NGỌC HÀ (xuân long , duongngocha@tuoitre.com.vn)
DƯƠNG NGỌC HÀ (xuân long , [email protected])

TT - Trả lời câu hỏi này, hầu hết chuyên gia và người dân cho rằng quản lý yếu kém là nguyên nhân dẫn tới tình trạng “cát tặc” lộng hành.

Người dân phường Long Phước (Q.9, TP.HCM) cắm hàng trăm cọc dừa ngăn hút trộm cát, nhưng vẫn không ngăn được “cát tặc” (ảnh chụp tháng 4-2015)        - Ảnh: Hữu Khoa
Người dân phường Long Phước (Q.9, TP.HCM) cắm hàng trăm cọc dừa ngăn hút trộm cát, nhưng vẫn không ngăn được “cát tặc” (ảnh chụp tháng 4-2015) - Ảnh: Hữu Khoa

Muốn chấm dứt nạn “cát tặc” thì phải có biện pháp quy trách nhiệm cá nhân đối với lãnh đạo đứng đầu địa phương.

* Luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM):

Không thể nói không biết

Liên quan đến trách nhiệm giải quyết dứt điểm việc khai thác cát trái phép, theo tôi là chuyện không khó. Bởi lẽ việc hút cát lậu diễn ra công khai, giữa thanh thiên bạch nhật, một ghe hút cát có trang bị máy hút, vòi, sào... rất dễ nhận biết và phân biệt với các loại ghe khác.

Trong khi đó, hệ thống chính quyền và các lực lượng chức năng được tổ chức đến tận tổ dân phố, thôn, xóm, ấp và còn rất nhiều chân rết, tai mắt trong dân. Với lực lượng như vậy, nói chính quyền không biết là không thể chấp nhận.

Nếu một ghe hút cát trái phép xuất hiện, người dân báo liền, 30 phút sau lực lượng chức năng có mặt, chốt chặn... thì ghe cát sẽ không hút được.

Chừng vài tháng canh chặt chẽ là người đi hút cát không có sản phẩm, chủ không trả công thì họ sẽ nản, chuyển sang làm công việc khác. Mấu chốt của vấn đề là cơ quan chức năng phải quyết liệt ngăn chặn kịp thời.

* Ông T.V.D. (xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương):

Không ai giải quyết

Những ghe hút cát lậu hoạt động ngày càng táo tợn và manh động. Những ngày nước ròng, mực nước xuống thấp thì các ghe ít hoạt động, chờ ngày nước lớn mấp mé bờ đất, ghe chạy sát bờ, đưa ống hút vào tận chân đất của dân để hút cát.

Người dân chúng tôi chứng kiến ghe hút cát hằng ngày như vậy, đất bị sạt lở cả sào (1.000m2) nhưng không thể đuổi ghe đi được bởi những người hút cát sẵn sàng đánh trả thù. Nhiều người dân ở xã mất đất, gửi đơn lên xã, lên huyện nhưng không ai giải quyết.

Mỗi đợt ra quân các lực lượng cũng bắt được vài chiếc, nhưng sau đó như bắt cóc bỏ đĩa, những người hút cát lại sắm ghe mới hoạt động rầm rộ hơn.

Ngày nào có đoàn kiểm tra, truy bắt của tỉnh thì tự nhiên các ghe này nghỉ. Nếu không có người báo, không có người bảo kê, bao che thì làm sao có chuyện này xảy ra.

Trong khi đó bãi cát mà các ghe hút cát lậu đưa lên cũng nằm trong xã, cách khu vực hút cát chừng 1km, xe tải chạy ra chạy vô mua cát hằng ngày. Vậy mà không ai nói gì hết.

* Ông Phạm Sỹ Liêm (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN):

Có bảo kê

Chuyện này không phải bây giờ mới nóng, mà nóng từ Bắc tới Nam từ lâu rồi, vấn đề là bây giờ vẫn nóng vì không dẹp được.

Câu chuyện đặt ra vì sao “cát tặc” tồn tại được? Tôi cho rằng còn chuyện khai thác cát trộm vì cát là nhu cầu lớn đối với ngành xây dựng, khi có cầu ắt sẽ có cung.

Lợi ích lớn hơn là anh khai thác cát trộm không mất gì, chỉ hút cát lên bán, còn anh mua cát trộm cũng không mất gì, mua hàng ăn trộm giá rẻ bán đắt như sản phẩm làm ra.

Chưa nói đến việc vì sao “cát tặc” ung dung hành nghề, trước tiên “cát tặc” tồn tại được là do có sự mập mờ trong quản lý. Sự mập mờ chính là ở chỗ lâu nay không có sự rõ ràng trong quy hoạch, trong cấp phép khai thác cát.

Vấn đề thứ hai là chính quyền địa phương biết hết mọi chuyện. Làm sao không biết ông nào làm có giấy phép, ông nào làm không có giấy phép. Họ biết rõ sai như thế nhưng xử lý hay quyết tâm xử lý đến đâu lại là chuyện khác.

Xung quanh việc “cát tặc” còn ung dung chắc chắn có chuyện bảo kê. Bảo kê ở đây có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Có chỗ chủ tàu khai thác cát trộm sử dụng lực lượng xã hội đen bảo kê hoạt động ăn trộm.

Với những chỗ như vậy, quả thật người dân có sự e dè, có tâm lý kệ mày làm vì lo bị trả đũa. Còn với chính quyền địa phương, chủ tàu hút cát lại sử dụng những cách thức khác, phải có chung chi để được làm ngơ, phải có phết phẩy mới yên tâm hút cát ngang nhiên như thế. Việc này người dân hiểu rõ nhất.

Ngay cả các lực lượng tuần tra trên sông cũng phải xem có chuyện bao che không. Một tàu hút cát trộm không thể chạy nhanh bằng xuồng tuần tra.

Cát hút trộm nằm trên tàu là tang vật ăn trộm, không chạy được, không phi tang được. Vì vậy, tôi cho rằng việc bảo kê, bao che, làm ngơ đến từ nhiều phía nên mới có chuyện “cát tặc”.

* Ông Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng):

Quy rõ trách nhiệm cá nhân

Người dân nghi ngờ có chuyện bao che cho nạn hút cát trái phép là có căn cứ. Việc này xảy ra nhiều năm nay, không phải bây giờ mới có, nhưng chính quyền xử lý như bắt cóc bỏ đĩa, ghe này bị bắt thì hôm sau có ghe khác quay lại hút cát dữ dội hơn, người bị bắt này thì hôm sau quay lại hành động liều lĩnh, manh động hơn.

Vậy sao người dân không nghi ngờ?

Theo tôi, phương tiện, biện pháp để đối phó và triệt nạn hút lậu cát trên các dòng sông thì Nhà nước không thiếu, nhưng các lực lượng chức năng và chính quyền tại địa phương thiếu quyết tâm.

Tôi nghĩ cần phải quy rõ trách nhiệm cho cá nhân cụ thể. Người đứng đầu địa phương nào làm không được sẽ bị kỷ luật thôi chức để người khác lên thay. Tại hội nghị vừa qua, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo quy trách nhiệm cho lãnh đạo địa phương.

Nhưng để có hiệu quả hơn, tôi nghĩ phải làm theo cách “trảm tướng” như bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thì công tác chống “cát tặc” sẽ có hiệu quả ngay.

* Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ (phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM):

Triển khai nhiều biện pháp chống “cát tặc”

Qua hội nghị trực tuyến về chống khai thác cát trái phép vừa rồi, các lực lượng từ công an đến bộ đội biên phòng... đều đưa ra nhiều giải pháp nhưng thực tế xử lý triệt để rất khó.

Thời gian qua, UBND TP.HCM cũng chỉ đạo vấn đề này rất quyết liệt. Hiện UBND TP thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, chuẩn bị ra quân.

Ngày 6-11, TP.HCM và các tỉnh thành giáp ranh sẽ ký kết quy chế phối hợp về quản lý tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường.

UBND Q.9 đã kiến nghị UBND TP về việc thành lập đội cảnh sát giao thông đường thủy thuộc khu vực này, lập một chốt gác ngay khu vực điểm nóng hút cát trái phép.

Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường giám sát các dự án nạo vét kết hợp tận thu cát để những dự án này được thực hiện đúng thiết kế ban đầu.

Hiện nay, các ghe hút cát trái phép rất manh động, bị phát hiện đang hút cát là họ đánh chìm ghe nhảy sông bỏ trốn... Việc phát hiện khai thác cát trái phép thường là bắt “nguội” khi các ghe đang vận chuyển cát.

Nhưng bắt xong thì không xử lý được bởi nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản không quy định hành vi vận chuyển cát không phép, không có chứng từ.

 GS.TS Phạm Ngọc Đăng (phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN):

“Trói chặt” người đứng đầu

*** Error ***
  Ông Phạm Ngọc Đăng - Ảnh: X.Long

Lâu nay, sau mỗi việc xảy ra thì cơ quan quản lý lại nói là buông lỏng, thiếu trách nhiệm, thiếu kiên quyết, thực tế chẳng phải thuần túy là thiếu kiên quyết, trong đó việc bị lợi ích chi phối rồi xử lý nương nhẹ.

Nói lại chuyện “cát tặc” thì sông nào cũng có, địa phương nào cũng nóng. Vì sao như thế? Có lẽ phải nhìn nhận thực chất những người quản lý trên sông, những người quản lý ở địa phương có dấm dúi bảo kê, có dấm dúi hưởng lợi ích mà lờ đi cho “cát tặc”.

Tôi tin người dân biết hết. Họ biết cả những tàu nào được phép khai thác, tàu nào không có giấy phép khai thác. Người dân biết một thì cơ quan chức năng có công cụ quản lý, có lực lượng trong tay mà nói không biết là bao biện.

Cái gì thì khó che, chứ “cát tặc” thì lộ ngay ra đó. Vì thế người dân ai cũng hiểu có việc bao che, dung túng nhưng họ không có chứng cứ để vạch mặt, chỉ tên.

Tôi nghĩ xử lý việc này cũng không phải khó nếu các cơ quan, lực lượng làm công minh, làm hết trách nhiệm.

Tôi nghĩ cứ xử lý người đứng đầu, cứ trách nhiệm người đứng đầu mà “trói chặt”, tự khắc người đứng đầu cũng “trói chặt” trách nhiệm những ông khác. Liệu khi đó có còn ai dám bao che, dung túng?

DƯƠNG NGỌC HÀ (xuân long , [email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp