Tiêm vắc xin tại Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương Ảnh: B.SƠN
Ngày 9-8, liên quan các số liệu "vênh" nhau giữa công bố của Bộ Y tế và địa phương, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã lên tiếng giải thích.
Triển khai nhanh nhờ "xã hội hóa"
Về số liệu tiêm vắc xin, theo công bố của Bộ Y tế thì Bình Dương mới tiêm được gần 143.000 liều trong tổng số gần 570.000 liều được phân bổ. Tuy nhiên, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho hay tới nay đã phân bổ cho tuyến tỉnh, huyện và các xã phường tiêm được khoảng 420.000 liều.
Còn 150.000 liều đã phân bổ cho các khu công nghiệp để tiêm cho người lao động và việc tiêm vắc xin cũng đang được triển khai nhanh với hình thức "xã hội hóa", nên có thể hoàn thành trong vòng vài ngày tới.
Hiện nay nhiều xã phường tại Bình Dương phải hoãn tiêm vì thiếu vắc xin nên UBND tỉnh đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm.
Không chỉ "vênh" nhau về số liệu người tiêm vắc xin mà về số ca mắc COVID-19, công bố trong ngày 8-8 của Bình Dương chỉ thêm 2.395 ca trong khi công bố của Bộ Y tế thì tỉnh này tăng thêm tới 3.210 ca (chênh nhau tới 815 ca).
Bác sĩ Nguyễn Hồng Chương - giám đốc Sở Y tế - cho biết sở dĩ có sự chênh lệch vì khoảng thời gian mà bộ và tỉnh thống kê có khác nhau. Về số liệu ngày 8-8, Bộ Y tế công bố cả những ca đã phát hiện trong buổi chiều và tối ngày trước đó mà bộ chưa công bố, trong khi các ca đó đã được Sở Y tế Bình Dương công bố rồi.
"Số liệu công bố mỗi ngày có thể không giống nhau do khoảng thời gian thống kê khác nhau, nhưng tổng số ca mắc thì số liệu của Bình Dương và Bộ Y tế là trùng khớp" - bác sĩ Chương cho biết.
Tiêm cho công nhân sản xuất "3 tại chỗ"
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ trong ngày 9-8, hàng loạt khu công nghiệp như các khu VSIP 1, 2; Đồng An 1, 2; Sóng Thần 2, 3... triển khai tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động.
Cách làm là Nhà nước cung cấp vắc xin, giám sát đối tượng; còn việc tiêm thì mượn địa điểm và giao cho các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ, thuê hoặc nhờ các cơ sở y tế thực hiện việc tiêm. Vì vậy, số lượng vắc xin tiêm tại các khu công nghiệp của Bình Dương khá nhanh chóng.
Cũng trong ngày, tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, một bệnh viện dã chiến 3.000 giường đã được Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh đưa vào hoạt động.
Đây là bệnh viện dã chiến được cải tạo dựa trên nhà xưởng của Công ty TNHH Hoàng Hùng. Chi phí xây dựng và các trang thiết bị cơ bản do doanh nghiệp tài trợ rồi bàn giao cho Nhà nước vận hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận