Ảnh: BLACKZHEEP, GETTY IMAGES/ISTOCKPHOTO
Theo tạp chí Time, trên thực tế có thể bạn đã từng nghe nhiều cảnh báo liên quan tới việc sạc điện thoại như: không nên sạc quá mức, nên rút sạc ra khi dung lượng pin đầy 100%, chờ cho tới khi pin gần chạm ngưỡng 0% thì hãy cắm sạc….
Tuy nhiên vì sao chúng ta không nên cắm sạc qua đêm, ngay cả khi điện thoại của chúng ta luôn "đủ thông minh" để dừng nạp vào thêm nguồn điện sau khi pin đã đầy?
Pin sẽ mau "chai" hơn
Trước hết, các loại điện thoại di động đều chứa một pin lithium-ion (hoặc li-ion) có thể sạc lại nhiều lần. Các pin li-ion thường sạc nhanh hơn các loại pin có thể sạc lại truyền thống khác.
Đó là lý do vì sao bạn chỉ cần một khoảng thời gian ngắn là đã có thể sạc lại tới 80% dung lượng pin cho một chiếc iPhone hay điện thoại Android.
Thực trạng khá phổ biến là lượng pin trên điện thoại, nhất là trên smartphone thường hao hụt rất nhanh. Lý do rất đương nhiên, trong khi dung lượng pin có hạn thì số hoạt động nó phải cung cấp năng lượng trên smartphone lại quá nhiều, và ngày càng nhiều hơn.
Tuổi thọ của pin ngoài phần phụ thuộc quan trọng vào công suất do nhà sản xuất thiết kế thì còn phụ thuộc vào những hoạt động khác của người dùng như check email, nhắn tin, nghe nhạc, xem video, sử dụng ứng dụng và chơi game….
Trước hết, cần khẳng định ngay, dù cho bạn có cắm điện thoại thâu đêm thì cũng không lo bị sạc pin quá tải. Ngay khi chạm ngưỡng 100% pin, điện thoại sẽ ngừng sạc.
Tuy nhiên theo ông Edo Campos, phát ngôn viên của hãng sản xuất pin Anker, về cơ bản các loại pin có thể sạc lại sẽ suy giảm dần công suất ngay từ sau thời điểm nó được sử dụng lần đầu.
Theo thời gian sử dụng, pin sẽ "chai" dần, và đó là lý do vì sao những người sử dụng một chiếc điện thoại trong vài năm sẽ nhận thấy thời lượng pin của họ ngày một ngắn hơn so với thời điểm mới mua.
Trang web của hãng Apple cũng đưa ra những khuyến cáo về pin cho biết công suất pin sẽ giảm dần sau một số lần sạc pin nhất định và cứ qua mỗi lượt sạc pin, công suất của pin li-on lại giảm đi một chút.
Với việc sạc điện thoại qua đêm, bạn thực sự đang tăng khoảng thời gian để điện thoại của mình kết nối với bộ sạc, theo đó khiến công suất pin suy giảm nhanh hơn.
Ông Hatem Zeine, nhà sáng lập công ty Ossia, nhà phát triển công nghệ sạc không dây nói: "Việc sạc điện thoại trong lúc ngủ khiến điện thoại của bạn bị cắm với bộ sạc từ 3-4 tháng trong một năm. Thế nên dù cho các nhà sản xuất đã cố hết sức để tính toán cả đến tình huống này rồi thì quá trình đó tất yếu vẫn làm giảm tuổi thọ pin thiết bị của bạn".
Lời khuyên của chuyên gia
Đừng chờ cho tới khi điện thoại của bạn tiến sát tới mức 0% pin thì mới cắm sạc, đó là lời khuyên của giám đốc truyền thông tiếp thị Bradshaw của hãng điện tử Cadex chuyên sản xuất các thiết bị sạc pin.
Việc để pin cạn sạch còn hại cho pin hơn là những lần sạc từng phần. Ông Bradshaw khuyên bạn nên cắm sạc vào thiết bị khi pin còn khoảng từ 35-40% dung lượng. Cách này theo ông sẽ bảo trì công suất hoạt động của pin.
Ngoài ra bạn cũng nên giữ cho điện thoại ở môi trường mát mẻ vì nhiệt độ cao cũng ảnh hưởng không tốt tới pin thiết bị. Mách nhỏ là bạn nên gỡ bỏ phần vỏ điện thoại trước khi cắm sạc.
Về cơ bản, sự suy thoái về pin thường sẽ không có biểu hiện rõ rệt trong thời gian từ 1 đến 2 năm sau khi mua điện thoại. Do đó, nếu bạn là người có thói quen thay "dế" liên tục, bạn cũng chẳng cần bận tâm quá nhiều tới việc nên hay không nên sạc pin qua đêm.
Tuy nhiên nếu bạn là người "chung thủy" với smartphone thì việc "chống chỉ định" sạc qua đêm với điện thoại sẽ giúp bạn kéo dài tuổi thọ cho pin hiệu quả hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận