Tôi giận dữ cầm cuốn sổ liên lạc lên lớp quát như tát nước vào mặt em: “Chỉ có việc đưa cuốn sổ liên lạc cho ba mẹ ký đầy đủ mà em cũng không làm được à?
Tại sao em lại ngang bướng như thế chứ, hôm trước không nộp, hôm nay nộp thì không có chữ ký của cha mẹ? Tại sao em lại như vậy N.?”.
Em đỏ mặt, nói lí nhí vừa đủ tôi nghe rõ: “Dạ thưa cô! Ba em bỏ em từ lúc 6 tháng tuổi, còn mẹ em lấy chồng ở xa lại có em nhỏ nên không về ký được ạ”. Nghe câu trả lời của em, tự dưng tôi chưng hửng không biết nói gì, chỉ dặn em vẻn vẹn một câu: “Thôi được, cô hiểu rồi, em ngồi xuống đi”.
Tan học, tôi gọi em ở lại gặp riêng, tôi cố gắng tạo sự thân thiện để em chia sẻ hoàn cảnh gia đình một cách chân thật và thoải mái nhất.
Em kể: “Mẹ sinh ra em được 6 tháng thì ba bỏ đi đâu không ai biết, mẹ đưa em về nhà ngoại ở và khi em 2 tuổi thì mẹ đi lấy chồng khác. Thỉnh thoảng vài ba năm mẹ mới về thăm em một lần, mấy năm nay các em bé còn nhỏ nên mẹ không về được. Thường thì em nói ông ngoại ký, nhưng đã lâu rồi em không ở nhà ông ngoại nữa” rồi em ngừng lại đầy vẻ ưu tư.
Tôi gạn hỏi em: “Sao lại như thế?”. Em tiếp lời: “Khi em học lớp 10, thành tích học tập của em không tốt và nhiều người cứ nói ra nói vào chuyện của mẹ, thành ra ông giận lây và cho em ra ở cùng với mấy anh công nhân quen biết ở xóm trọ. Hằng tháng ông chu cấp học phí và tiền ăn thôi”.
Tôi hỏi: “Thế em ăn cơm chung với mấy anh à?”. “Dạ, khi nào không tăng ca mấy anh nấu cơm, em đóng tiền ăn cùng, còn lúc mấy anh tăng ca, một mình thì em ăn mì gói cho nhanh, họ cũng thương em lắm”, nước mắt tôi rơi lã chã không kìm được...
Em là bài học đầu tiên khi làm công tác chủ nhiệm của tôi: hãy tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, tâm tư của học sinh trước khi phán quyết hay la mắng một vấn đề nào đó. Nhưng tìm hiểu bằng cách nào? Hỏi trực tiếp các em? Hỏi bạn bè của các em? Thăm dò ý kiến từ chủ nhiệm lớp trước? Xem hồ sơ lý lịch hay thỉnh thoảng đến nhà học sinh?... đó cũng là giải pháp nhưng đôi lúc chưa hẳn đã triệt để vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố, thậm chí đôi lúc không chính xác.
Tôi sợ lại mắng oan một học sinh nào khác nữa nên sau câu chuyện của em khoảng một tháng, đủ thời gian để cô trò quen nhau kể từ lúc bắt đầu nhập học, vào tiết sinh hoạt lớp, tôi đã phát một phiếu thăm dò với những thông tin sau:
- Họ và tên học sinh:
- Họ tên cha/ Nghề nghiệp:
- Họ tên mẹ/ Nghề nghiệp:
- Gia đình em có bao nhiêu người? Em là con thứ mấy?
- Cuộc sống gia đình em có hạnh phúc không?
- Ngoài đi học ở trường, em có phải làm thêm việc gì không?
- Ước mơ của em là được làm nghề gì?.....................
(Các em hãy chia sẻ thật lòng với cô nhé, cô rất mong muốn được hiểu các em nhiều hơn. Cô hứa sẽ giữ bí mật).
Không ngờ, các em tâm sự hết nỗi lòng của mình, một số em có cuộc sống gia đình hạnh phúc nhưng cũng không ít em có hoàn cảnh rất tội nghiệp và trái ngang, nếu như không cho các em viết thì chủ nhiệm cũng khó hiểu hết được những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của tất cả các em trong một lớp với số lượng học sinh đông.
Tôi đọc kỹ từng lá phiếu thăm dò, ghi lại từng hoàn cảnh vào sổ chủ nhiệm, những học sinh nào có hoàn cảnh đặc biệt tôi đều gặp riêng và đồng cảm với các em nhiều hơn để các em có thêm niềm tin trong cuộc sống cũng như trong học tập.
Qua mỗi năm chủ nhiệm với cách làm này, tôi đã có cách xử lý phù hợp với mỗi tình huống, mỗi đối tượng học sinh để các em không bị oan ức, mặc cảm, không sợ hãi khi đến trường. Và mỗi khóa chủ nhiệm dù là lớp chọn hay lớp bình thường, các em học sinh đều để lại cho tôi những kỷ niệm đáng nhớ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận