06/06/2019 10:10 GMT+7

'Tài sản quý' của cảnh sát biển

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Còn trẻ nhưng chàng trung úy ấy đã được giao phụ trách ban khí tài điện tử của Bộ Tư lệnh vùng. Đảo xa còn nhiều thiếu thốn, người sĩ quan ấy đã vượt qua khó khăn và khẳng định năng lực với nhiều sáng kiến được áp dụng trong thực tế.

Tài sản quý của cảnh sát biển - Ảnh 1.

Trung úy Nguyễn Đình Hinh (phai) và đồng đội đang kiểm tra mô hình huấn luyện radar hàng hải thế hệ mới được dùng trên các tàu của Cảnh sát biển - Ảnh: MY LĂNG

Trung úy Nguyễn Đình Hinh hiện là trợ lý khí tài điện tử phòng kỹ thuật của Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4.

30 tuổi, 10 sáng kiến

Một năm trước, ở tuổi 29, chàng trai trẻ này đã được tin tưởng giao nhiệm vụ phụ trách ban khí tài điện tử gồm toàn trang thiết bị hiện đại nhập từ nước ngoài về. 

"Hinh là "tài sản quý" của đơn vị. Cậu ấy có rất nhiều sáng kiến có giá trị, xây dựng nhiều mô hình tốt và được nằm trong nhóm tác giả của phòng kỹ thuật" - trung tá Bùi Văn Thoáng (phó chủ nhiệm kỹ thuật - Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4) cho hay.

Như nhiều người làm kỹ thuật khác, Hinh ít nói, đeo mắt kính dày cộp, hỏi gì cũng cười hiền khô, nói rất ngắn gọn và khiêm nhường về mình.

Thế nên nếu trung tá Bùi Văn Thoáng không giới thiệu, sẽ không thể biết trung úy Hinh có một "profile" khá hoành tráng: anh là chủ nhân của hàng chục sáng kiến, trong đó phải nhắc đến sáng kiến về hệ thống thông tin chỉ huy cảnh sát biển CCS 4W-10. 

Mô hình này đoạt giải 3 nhóm cải tiến chế thử trong hội thi mô hình học cụ trang thiết bị toàn quân và đã được áp dụng trong huấn luyện.

"Trước kia, mỗi lần huấn luyện anh em phải xuống tàu để huấn luyện trên trang thiết bị. Hệ thống này gồm rất nhiều khối, phân bố rải rác trên tàu nên người học khó hình dung tổng quan về hệ thống. 

Thứ hai là chi phí về điện năng, nhiên liệu phục vụ cho công tác huấn luyện rất tốn kém. 

Thứ ba là việc chủ động trong công tác huấn luyện gặp khó khăn do tàu hay hoạt động xa bờ nên muốn tổ chức huấn luyện phải phụ thuộc vào thời gian của tàu lúc vào bờ. Tàu phải ở cảng mới xuống huấn luyện được" - trung tá Bùi Văn Thoáng nói về những khó khăn trước đó.

Mình may mắn vì được làm trong môi trường này. Thủ trưởng phòng rất quan tâm đến nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện về thời gian và cả vật chất. Có khi còn lấy tiền túi cho mình làm. Mình thấy lãnh đạo phòng toàn cán bộ trẻ, rất trách nhiệm, yêu nghề. Đó là tấm gương để mình học hỏi.

Trung úy Nguyễn Đình Hinh

Mô hình tâm đắc

Với mô hình hệ thống thông tin chỉ huy cảnh sát biển CCS 4W-10 của Hinh, những khó khăn đó đều được giải quyết. Mô hình đó không chỉ giúp người học có thể trực tiếp thao tác trên khối điều khiển mà còn có thể copy qua laptop mang về nghiên cứu, thao tác. Mất hơn nửa năm ròng, Hinh mới hoàn thành mô hình này. 

"Đây là mô hình mình tâm đắc nhất vì khó làm nhất. Mô hình này giúp người học chủ động trong thực hành vì sự gọn nhẹ, tiện lợi khi có thể mang đi bất cứ đâu. Thời gian thực hành cho cán bộ chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật nhiều hơn. Người học có thể thực hành xen kẽ với lý thuyết nên dễ hiểu hơn, làm chủ trang bị tốt hơn" - trung úy Nguyễn Đình Hinh nói.

Từ năm 2015 đến nay, Hinh là chủ nhân của 10 mô hình, sáng kiến (cá nhân và nhóm)! Anh chàng vừa làm xong mô hình cải tiến hệ thống chỉ báo góc lái của hệ thống máy lái thủy lực trên tàu cảnh sát biển. Sáng kiến này cũng đã nhanh chóng được áp dụng trong công tác đảm bảo kỹ thuật trên một số tàu của Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4. 

Hỏi sao làm mô hình này, trung úy Hinh giải thích: "Kết nối của bộ truyền tín hiệu nguyên bản sử dụng kết nối mềm là dây cua-roa. Khi sử dụng trong môi trường biển và do môi trường ở khoang máy sector nhiệt độ cao và ẩm thấp nên dây cua-roa nhanh hỏng, bị mòn, nhão, không chính xác nữa, trong khi yêu cầu với bộ truyền tín hiệu chỉ báo góc lái này phải truyền chính xác. Vấn đề này khiến mình suy nghĩ, phải làm gì đó để khắc phục". 

Và mô hình này đã thể hiện nhiều ưu điểm nổi bật: cho ra tín hiệu chính xác hơn, trang bị ít bị ảnh hưởng của môi trường hơn và kéo dài tuổi thọ của trang bị hơn.

Những sáng kiến, mô hình của Hinh đều được anh chàng tranh thủ làm... ngoài giờ. Trong giờ hành chính, Hinh vẫn dành thời gian để hoàn thành công tác chuyên môn. 

"Cậu ấy đam mê mỗi công việc thôi. Bạn gái thì ở quê nên suốt ngày chỉ thấy làm việc. Cuối tuần thi thoảng mới đi cà phê" - trung tá Bùi Văn Thoáng cười tủm tỉm nói. 

Có khi công việc nhiều, một ngày anh chàng chỉ dành 2 tiếng đồng hồ cho việc cá nhân. Như lúc đầu năm đơn vị ra quân huấn luyện hoặc thời điểm tàu thuyền hoạt động cường độ cao, nhiều hôm Hinh làm cả đêm dưới tàu để đảm bảo kỹ thuật cho tàu sẵn sàng xuất phát.

Trung tá Bùi Văn Thoáng tiết lộ về chàng cán bộ trẻ của phòng kỹ thuật: "Hinh ít nói lắm. Cậu ấy có nhiều sáng tạo trong sửa chữa, bảo dưỡng để trang thiết bị hoạt động tốt hơn. Các thủ trưởng trong ngành đánh giá Hinh là một trong những người chuyên môn tốt nhất toàn lực lượng. 

Ở đây, đặc thù là đảo xa, không có điều kiện mời các chuyên gia, các xí nghiệp, cơ sở đến giúp. Cơ bản thì anh em phải tự mày mò mà làm. Hinh có sự cần mẫn của người làm kỹ thuật, rất say mê, đam mê nghề. Cậu ấy có thể làm bất kể ngày nghỉ, giờ nghỉ, thậm chí làm đến đêm khuya. 

Có những trang bị chỉ có thể kiểm tra lúc đêm tối. Kiểm tra thấy chưa được thì Hinh và anh em quyết sửa chữa cho được, làm đến 11h-12h đêm. Hinh chịu khó học lắm. 

Được giao phụ trách ban khí tài điện tử, toàn trang bị hiện đại của các nước tư bản nên Hinh rất chịu tự học hỏi thêm để có thể đọc các bản vẽ bằng tiếng Anh".

Thích bộ đội vì tính kỷ luật cao

Tốt nghiệp khoa vô tuyến điện tử hệ dân sự của Học viện Kỹ thuật quân sự năm 2013; trước khi về Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 (năm 2015), Hinh đã có 2 năm làm việc cho một công ty dân sự.

"Mình quyết định nghỉ và xin vào lực lượng cảnh sát biển. Cảnh sát biển là lực lượng mới. Bố mẹ mình không có ai là bộ đội nhưng mình mê bộ đội lắm. Hồi nhỏ mình hay xem phim tài liệu về chiến tranh. Biết bộ đội tính kỷ luật cao nhưng mình vẫn thích, vẫn mê. Đến giờ vẫn nghĩ mình đã quyết định đúng" - trung úy Nguyễn Đình Hinh cười thật tươi chia sẻ.

Trung úy Hinh hiện là thành viên trong nhóm tác giả của phòng kỹ thuật (Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4). Hinh bảo: "Mình thích môi trường làm việc hiện giờ của phòng lắm. Anh em đều rất trẻ, nhiệt huyết.

Những công việc của tụi mình đều xuất phát từ thực tế dưới tàu để bảo đảm cho trang thiết bị và sửa chữa, khắc phục kỹ thuật cho vũ khí trên tàu. Khi một người nghĩ ra đề tài nào đó, mọi người cùng nhau bàn bạc, ai hỗ trợ được cái gì thì hết lòng luôn. Tinh thần đồng đội rất cao".

Cảnh sát biển Vùng 4 khám bệnh, trao quà cho ngư dân Thổ Châu

TTO - Đây là năm thứ 2 liên tiếp Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4 đóng tại đảo Phú Quốc, Kiên Giang tổ chức các hoạt động thiết thực đồng hành với ngư dân làm ăn, sinh sống trên vùng biển tây nam của Tổ quốc.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp