05/03/2018 11:31 GMT+7

Tài sản bất minh sẽ bị đánh thuế cao?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đó là một trong những giải pháp được Chính phủ kiến nghị tại dự thảo mới nhất Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), được Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình Ủy ban Tư pháp sáng 5-3.

Tài sản bất minh sẽ bị đánh thuế cao? - Ảnh 1.

Lần đầu tiên Chính phủ đề xuất đánh thuế nặng tài sản bất minh. Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày trước Ủy ban Tư pháp sáng 5-3 - Ảnh: Lê Kiên

Đây là dự án luật được các đại biểu Quốc hội thảo luận rất sôi nổi tại kỳ họp cuối năm 2017. Quốc hội cũng quyết định thời gian dự kiến để thảo luận, thông qua dự luật này là 3 kỳ họp.

"Không loại trừ trách nhiệm hình sự"

Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho biết tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã bổ sung điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý.

Theo đó, qua xác minh, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%.

"Việc truy thu thuế này không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội" - ông Khái nói.

Theo dự thảo luật, người bị truy thu thuế có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện ra tòa án.

Cơ sở nào để thu thuế?

Tài sản bất minh sẽ bị đánh thuế cao? - Ảnh 2.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường - Ảnh: Cổng thông tin Quốc hội

Phân tích nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng hiện Luật thuế thu nhập cá nhân không quy định về thu thuế như vậy. Đề nghị cơ quan trình dự án luật phân tích rõ cơ sở để thu thuế và tính pháp lý của quy định này.

Chủ trì nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, phó chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ: hiện nay pháp luật về hình sự, xử lý vi phạm hành chính đã quy định việc xử lý đối với tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp (do vi phạm pháp luật, do phạm tội mà có), theo đó, những tài sản này có thể bị tịch thu, tiêu hủy... theo quy định của pháp luật.

Riêng đối với tài sản mà người sở hữu có được một cách bất thường, không giải trình được hoặc giải trình không hợp lý về nguồn gốc hợp pháp thì đến nay vẫn chưa có quy định xử lý, trong khi đây là những tài sản tiềm ẩn nguy cơ có nguồn gốc từ tham nhũng, vi phạm pháp luật.  

"Do đó, nhóm nghiên cứu cho rằng việc dự thảo luật bổ sung quy định xử lý đối với các loại tài sản này là rất cần thiết, phù hợp với các ý kiến đề nghị của đa số đại biểu Quốc hội" - ông Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng việc dự thảo luật quy định chung một hình thức xử lý cho tất cả các trường hợp kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý là chưa phù hợp.

Trên thực tế, tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý có thể phân thành các loại khác nhau như: Tài sản, thu nhập kê khai không trung thực nhưng chứng minh được nguồn gốc hợp pháp; tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và không giải trình được, giải trình không hợp lý về nguồn gốc; tài sản, thu nhập có kê khai nhưng không giải trình được, giải trình không hợp lý về nguồn gốc.

Các trường hợp nêu trên có tính chất, mức độ vi phạm khác nhau nên cần có cách xử lý khác nhau. Do đó, đối với các trường hợp thứ nhất thì cần cân nhắc việc có nên truy thu tài sản không hay chỉ nên xử lý vi phạm về con người; nếu có xử lý về tài sản thì mức độ xử lý cũng phải thấp hơn so với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp lý.

Nhiều ý kiến tán thành với việc xử lý thông qua thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý ở mức 45% với lập luận như báo cáo giải trình, tiếp thu của Chính phủ. Đồng thời tán thành quy định việc thu thuế không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự hoặc tịch thu tài sản nếu sau đó lại chứng minh được tài sản là bất hợp pháp do phạm tội mà có.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường

Một số ý kiến cho rằng mối quan hệ giữa nhà nước với cán bộ, công chức, viên chức trong kiểm soát tài sản, thu nhập là mối quan hệ hành chính, theo đó nhà nước yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. 

Do đó, đối với tài sản không giải trình được, giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì có thể áp dụng chế tài của nhà nước theo hướng tài sản bị tịch thu một phần.

Theo ý kiến này, việc truy thu thuế thu nhập cá nhân là không đúng với bản chất của sắc thuế này; đồng thời sẽ không rõ là trong trường hợp này có tiếp tục xử lý về hành vi trốn thuế hay không. 

Đối với mức xử phạt, có thể áp dụng mức 45% (lý lẽ để xác định mức xử phạt này là mức tương đương với mức truy thu thuế thu nhập cá nhân và xử phạt vi phạm về thuế như lập luận của Chính phủ). Việc xử phạt sẽ do cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện, trình tự theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, cả hai loại ý kiến nêu trên đều kiến nghị phương án nếu các bên không đồng ý với việc xử lý thì có quyền khiếu nại đến cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện ra tòa án.

Nhóm nghiên cứu tán thành với đề xuất này vì cho rằng đây là vấn đề liên quan đến quyền sở hữu tài sản, là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định nên việc xử lý phải tiến hành thận trọng.  

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp