15/11/2019 09:41 GMT+7

Tài nguyên nhân lực đang lãng phí dù có 'dân số vàng'

MINH ĐỨC
MINH ĐỨC

TTO - Đảo ngọc Phú Quốc đang khát nhân lực du lịch. Đào tạo cũng chỉ là một trong những giải pháp trong câu chuyện tìm kiếm, phát huy tài nguyên nhân lực mà Phú Quốc là một ví dụ điển hình.

Tài nguyên nhân lực đang lãng phí dù có dân số vàng - Ảnh 1.

Hướng dẫn viên thuyết trình cho khách tham quan di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chuyện thiếu "người có nghề" cho các dịch vụ ở hòn đảo du lịch này đã được nhìn thấy từ nhiều năm trước. Hòn đảo 150.000 dân này không thể nào có đủ hàng chục ngàn người cho các dịch vụ du lịch, nên phải săn tìm người nơi khác đến là chuyện tất yếu.

Người đến, người đi...

Đào tạo người theo nghề du lịch tại tỉnh nhà Kiên Giang, một giải pháp có thể xem là tốt nhất, phải chi được xúc tiến mạnh mẽ bằng chủ trương (kể cả giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ) từ nhiều năm trước thì tình hình có thể đã tốt hơn.

Và đào tạo ai, đào tạo những gì, đào tạo ở đâu? Chuyện này cũng đâu quá khó khi cơ hội công việc rõ ràng cho người trẻ. Người Phú Quốc, người Kiên Giang có rất nhiều cơ hội học nghề du lịch ở các tỉnh thành khác từ hàng chục năm trước (từ khi Kiên Giang chưa mạnh về đào tạo ngành nghề này). Thế nhưng câu chuyện tìm kiếm, đào tạo con người cho du lịch Phú Quốc đã quá mờ nhạt và chậm trễ trước tốc độ phát triển nhà hàng, khách sạn và dịch vụ du lịch ở đây.

Tôi có những người bạn đã cầm bằng cử nhân, vác balô ra Phú Quốc sống và làm việc từ 5 năm trước. Họ tốt nghiệp nhiều ngành nghề khác nhau, ra đảo chủ yếu làm nhân viên dịch vụ du lịch (tiếp tân, phục vụ nhà hàng, khách sạn, vườn thú) hoặc khá hơn thì làm ở bộ phận kinh doanh, truyền thông của các công ty du lịch ở đây. Họ yêu Phú Quốc, cũng nhiệt tình với công việc trái chuyên môn được đào tạo, nhưng được vài năm thì quay về đất liền. Vì sao?

Cơ hội công việc ai cũng cần, nhưng sau vài năm lao động trẻ cần những điều kiện để phát triển nghề nghiệp, cần những điều kiện hỗ trợ để họ dễ dàng có nơi ăn chốn ở ổn định cùng gia đình nhằm có thể gắn bó lâu dài với một vùng đất. 

Điều này tiếc rằng Phú Quốc chưa đủ để giữ chân họ. Và cũng có nguyên nhân khác nữa: họ muốn làm đúng ngành nghề yêu thích, đúng chuyên môn để phát huy khả năng, chứ không chỉ để kiếm tiền bằng nghề chưa qua đào tạo.

Không chỉ là chuyện "kiếm cơm"

Nghĩ rộng hơn từ chuyện Phú Quốc, vấn đề không phải là công ty nào, đơn vị nào, địa phương nào thiếu bao nhiêu con người, mà là thiếu những định hướng tầm xa về việc thu hút nhân lực cho mỗi địa phương và nhân lực quốc gia.

Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nên không thể nói thiếu người. Nhưng chúng ta đã phát huy cơ hội vàng về nguồn tài nguyên nhân lực này theo cách nào? Mỗi năm khoảng 1 triệu lượt học sinh học xong THPT, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng chiếm đến gần 2/3 số này. 

Người trẻ học những gì họ chọn, có bao nhiêu người hiểu được địa phương mình cần nghề gì, học ngành nghề gì, bậc học nào có việc làm nhanh nhất? Và rồi bao nhiêu giáo sinh sư phạm không xin được chỗ dạy, bao nhiêu cử nhân đi làm công việc của người chỉ cần bằng THPT?

Tìm, giữ và phát huy giá trị nguồn tài nguyên nhân lực cần có cách làm khác, từ tầm nhìn xa hơn. Thiếu lúc nào đào tạo lúc đó là giải pháp tức thì và chỉ hiệu quả trước mắt, nếu không kèm theo những điều kiện và chính sách an cư lạc nghiệp khác. 

Tài nguyên nhân lực cũng sẽ rất lãng phí khi quá nhiều người trẻ học xong không có cơ hội được phát huy, buộc phải kiếm cơm bằng nghề "tay ngang" khác, trong khi nhiều công việc phải tranh nhau tìm người có nghề. Thực tế này tồn tại quá lâu, đến mức ai cũng thấy là chuyện "bình thường".

Thật ra đó là điều rất bất thường, rất bất ổn, lãng phí trong đào tạo đã đành, lãng phí cơ hội công việc tuổi trẻ. Khi doanh nghiệp phải chật vật tìm nhân lực bằng cách "giành" người từ đơn vị khác mà không chắc giữ được người dài lâu cũng là một kiểu thiệt hại và bất ổn. Khi số đông người không có thông tin định hướng trong việc học, việc làm, đó là tổn thất cho thế hệ, tổn thất tài nguyên con người của quốc gia.

Đây không chỉ là chuyện riêng của Phú Quốc hay của địa phương nào, mà là chuyện chính sách lớn với nguồn tài nguyên nhân lực để không lãng phí thời cơ dân số vàng của Việt Nam.

“Rừng vàng, biển bạc” hay tài nguyên du lịch là những điều chúng ta vẫn tự hào. Nhưng tài nguyên con người cùng kiến thức, kỹ năng của họ mới là cái quyết định phát triển dài lâu. Thiếu người nên tìm cách “săn” người từ nơi khác là giải pháp chụp giật, tạm thời, bởi tìm được rồi giữ chân người mới là chuyện khó hơn, nhất là với những người giỏi, có kỹ năng tay nghề cao hơn.

Giải "cơn khát" nhân lực Phú Quốc Giải 'cơn khát' nhân lực Phú Quốc

TTO - Tình trạng thiếu nhân sự, 'săn' người lẫn nhau giữa các doanh nghiệp du lịch ở Phú Quốc do khan hiếm nhân lực đang đẩy chi phí lao động của doanh nghiệp lên rất cao, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh điểm đến.

MINH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp