Buổi giới thiệu tai nghe có khả năng dịch của Google vừa diễn ra ngày 4-10 - Ảnh chụp màn hình
Đó là tai nghe Google Pixel Buds. Theo Google, chiếc tai nghe này là một "thông dịch viên công nghệ" đắc lực, giúp những người dùng có thể trò chuyện với nhau, dù họ chẳng hiểu gì về ngôn ngữ của nhau.
Dịch xong tức thì
Pixel Buds gồm hai núm tai nghe nhỏ kết nối với nhau qua một sợi dây. Hệ thống điều khiển được tích hợp vào tai nghe bên phải. Chúng kết nối với mọi smartphone qua kết nối không dây Bluetooth, nhưng sẽ phát huy công năng tối đa nếu kết hợp với smartphone Pixel mới của Google.
Hoạt động phiên dịch của Buds được mô tả như sau: giả sử có hai người nói chuyện với nhau, một người nói tiếng Thụy Điển, người kia nói tiếng Anh. Người nói tiếng Thụy Điển sử dụng tai nghe Buds kết nối với điện thoại Google Pixel.
Khi người kia nói bằng tiếng Anh, đôi tai nghe ngay lập tức dịch sang tiếng Thụy Điển và đọc cho người đeo tai nghe hiểu. Khi người nói tiếng Thụy Điển trao đổi lại, đồng thời bấm vào tai nghe phía bên phải, sẽ được điện thoại dịch sang tiếng Anh và phát qua loa ngoài để người nói tiếng Anh nghe được.
Tai nghe chuyển ngữ của Google - Clip: YouTube
Theo Google, việc chuyển ngữ được thực hiện hoàn toàn theo thời gian thực. Tức bạn vừa nói xong thì tai nghe và điện thoại cũng xử lý xong thông tin và phát ra ngôn ngữ bạn muốn.
Hiện tai nghe này hỗ trợ dịch được 40 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Đây là một tin rất vui cho người dùng VN, có thể nhờ Buds phiên dịch qua lại giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ khác như: Anh, Pháp, Nhật, Thái, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Indonesia, Ý...
Tất cả những điều tuyệt vời nói trên là nhờ công nghệ Google Translate (phiên dịch) tích hợp trong tai nghe Buds và chương trình trợ lý ảo Google Assistant trên điện thoại.
Ngoài việc dịch, trợ lý Assistant có thể báo hiệu người dùng mỗi khi có thông báo trên điện thoại, giúp người dùng gửi tin nhắn, đọc chỉ dẫn đường đi. Người dùng có thể kích hoạt tính năng phiên dịch của ứng dụng bằng cách nói một câu như "hãy giúp tôi nói tiếng Pháp" hoặc một ngôn ngữ khác...
Một tiến bộ vượt bậc trong trí tuệ nhân tạo
PGS.TS Vũ Hải Quân, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM, cho rằng: "Đây là bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo mà cụ thể là xử lý ngôn ngữ nói.
Dịch tiếng nói bao gồm ba bài toán rất thách thức trong trí tuệ nhân tạo là: nhận dạng tiếng nói - chuyển từ âm thanh sang văn bản; dịch máy - chuyển văn bản từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích; tổng hợp tiếng nói - chuyển văn bản ở ngôn ngữ đích sang tiếng nói".
Cũng theo TS Quân, sự thành công này ngoài giá trị thương mại còn là kết quả của cuộc đua hết sức gay cấn giữa các hãng công nghệ lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để khẳng định tính tiên phong của mình.
Từ một góc nhìn khác, chuyên gia marketing Huỳnh Thanh Phi cho rằng Pixel Buds chỉ hữu ích khi sử dụng với các hoạt động dịch thuật thuần túy, như khi đi dự các hội nghị, nghe các diễn giả thuyết trình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
"Pixel Buds không nên và sẽ không thể nào thay thế hoàn toàn được việc bạn sẽ phải học ngôn ngữ khác. Học ngoại ngữ là quá trình học về văn hóa, con người của một đất nước khác. Chỉ khi học đầy đủ, bạn mới có thể hiểu được thông điệp người đối diện muốn gửi cho bạn", ông Phi khuyến cáo.
Giáo viên Trần Kim Duyên (tổ phó tổ Anh văn, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM):
Đáp ứng nhu cầu nghe cấp tốc
Tôi cho rằng tai nghe có tính năng dịch ngoại ngữ chỉ đáp ứng được nhu cầu cấp tốc muốn nghe, muốn hiểu ngoại ngữ, trong một hoàn cảnh nhất định nào đó. Còn việc học ngoại ngữ là quá trình học tập, rèn luyện lâu dài.
Vì vậy, dù cho có dụng cụ hỗ trợ tối tân đến đâu cũng khó có thể thay thế cho việc học ngoại ngữ - tức là biến những điều đã học thành kiến thức, kỹ năng cho bản thân người học. (H.HG. ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận