Có 34 chức danh từ lãnh đạo đến nhân viên các đơn vị, công ty đường sắt được đề xuất các hình thức kỷ luật.
Trong đó, mức kỷ luật đối với chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, phó giám đốc các công ty liên quan đến vụ tàu tông nhau ở ga Núi Thành, tàu tông xe tải ở Thanh Hóa là khiển trách, cảnh cáo và kéo dài thời hạn nâng lương.
Hiện trường tàu SE19 tông xe tải ở Thanh Hóa - Ảnh: T.L.
Đối với vụ tai nạn tàu SE19 tông xe tải ở Thanh Hóa: có 8 chức danh từ chủ tịch hội đồng quản trị đến cung trưởng cung chắn thuộc Công ty cổ phần đường sắt Thanh Hóa bị đề xuất kỷ luật.
Trong đó, ông Lê Minh Tuấn - chủ tịch hội đồng quản trị được đề xuất kỷ luật khiển trách, ông Hoàng Gia Khánh – giám đốc hình thức kỷ luật cảnh cáo. Ông Nguyễn Văn Minh – phó giám đốc nhận hình thức khiển trách.
Cách chức đối với ông Lê Nhân Bảo - cung trưởng cung chắn Hoàng Mai và ông Đào Khánh Thiện – đội trưởng đội quản lý đường sắt só 5.
Kéo dài thời hạn nâng lương đối với: ông Lê Long Hưng – trưởng phòng và ông Nguyễn Trần Trung phó phòng kiểm tra an toàn. Phê bình nghiêm khắc ông Đinh Huy Vinh – trưởng phòng tổ chức hành chính.
Hiện trường hai tàu tông nhau ở ga Núi Thành - Ảnh: T.L.
Đối với vụ tàu tông nhau ở ga Núi Thành (Quảng Nam): 4 lãnh đạo thuộc 2 chi nhánh được đề xuất mức kỷ luật. Cụ thể, ông Cao Minh Hỷ - giám đốc, ông Nguyễn Thanh Sang - phó giám đốc (Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghĩa Bình), ông Trương Văn An – giám đốc, ông Lê Xuân Linh – phó giám đốc Chi nhánh xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng được đề xuất kéo dài thời hạn nâng lương.
7 chức danh thuộc Chi nhánh khai thác đường sắt Nghĩa Bình được đề xuất kỷ luật như sau: sa thải ông Nguyễn Văn Hải – trưởng dồn, cách chức ông Dương Văn Minh – trưởng ga Núi Thành.
Kéo dài thời hạn nâng lương đối với các ông: Phạm Minh Tâm – trực ban chạy tàu, ông Huỳnh Bá Hạt – giám sát an toàn, ông Hà Văn Lưu – trưởng phòng, ông Nguyễn Minh Tâm – phó phòng Kế hoạch kinh doanh kiểm tra an toàn, ông Bùi Ngọc Lâm – nhân viên gác ghi.
5 chức danh thuộc Chi nhánh Xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng đề xuất kỷ luật gồm: sa thải lái tàu dồn đối với ông Dương Chí Hiếu. Khiển trách đối với: ông Trần Nhật Chung – trưởng phòng An toàn, ông Nguyễn Xuân Quang – Quản đốc phân xưởng vận dụng, ông Phan Sỹ Tiến – đội trưởng đội lái tàu 3, ông Nguyễn Văn Công – phụ lái tàu.
Đối với vụ trật bánh toa xe tàu hàng 2386 tại ga Yên Xuân (Nghệ An) ngày 26-5: có 5 chức danh từ nhân viên đến lãnh đạo thuộc Chi nhánh Toa xe Vinh (thuộc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội) được đề xuất kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, nghiêm khắc phê bình – hạ chất lượng công tác, khiển trách.
Riêng hai ông Đỗ Văn Hoan – chủ tịch hội đồng quản trị, ông Nguyễn Viết Hiệp – tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội được đề xuất phê bình nghiêm khắc.
Liên quan đến các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, Tổng công ty cũng đề xuất xem xét kỷ luật các cá nhân, các phòng ban liên quan khác như: phê bình nghiêm khắc đối với tập thể Ban An ninh an toàn, khiển trách đối với ông Phạm Nguyễn Chiến – trưởng Ban an ninh an toàn giao thông đường sắt.
Ông Phạm Văn Trường – trưởng ban Đầu máy toa xe được đề xuất hình thức nghiêm khắc rút kinh nghiệm. Đề nghị chuyên viên Lê Ngọc Phúc – Ban Kế hoạch Kinh doanh và tập thể ban này rút kinh nghiệm vì tham mưu và tổ chức chậm dự án lắp camera trên đầu máy.
Các đề xuất kỷ luật sẽ được trình Hội đồng xử lý kỷ luật thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xem xét quyết định.
Sau khi quyết định, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải báo cáo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 10-6.
Đề xuất cao, hạ xuống thấp
Liên quan đến vụ tai nạn tàu tông nhau ở ga Núi Thành, trước đó ông Cao Minh Hỷ - giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghĩa Bình đã tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách.
Tuy nhiên, khi lên đến Tổng công ty, mức kỷ luật được đề xuất hạ xuống còn kéo dài thời hạn nâng lương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận