PGS.TS Trần Chủng - Ảnh: Việt Dũng |
Một câu nói vẫn đeo đẳng anh em nghề xây dựng chúng tôi đó là “chất lượng được sinh ra từ phòng giám đốc và cũng chết ngay từ phòng giám đốc” |
PGS.TS Trần Chủng |
PGS.TS Trần Chủng - trưởng ban chất lượng Tổng hội Xây dựng VN (nguyên cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng) - đã nhấn mạnh nhiều lần đến yếu tố người đứng đầu khi đề cập tình trạng tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra liên tiếp thời gian vừa qua.
Ông Chủng nói:
- Những năm gần đây chúng ta có nhiều công trình xây dựng tầm cỡ, hiện đại, đạt chất lượng cao, được quốc tế ghi nhận về quy mô cũng như trình độ công nghệ xây dựng, vật liệu thi công...
Tuy nhiên bên cạnh đó có những công trình chỉ sau một thời gian sử dụng thì chất lượng xuống cấp thậm tệ, hàng loạt công trình đang thi công mà chủ yếu là các công trình quy mô, quan trọng liên tiếp xảy ra sự cố nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và của.
Ở những dự án này chúng ta có đội ngũ kỹ sư, nhân sự thiết kế, tư vấn, giám sát, quản lý dự án, thi công chất lượng cao, các quy trình tuân thủ kỹ thuật theo báo cáo là đầy đủ, nghiêm ngặt... nhưng tại sao vẫn xảy ra những tai nạn đau lòng?
Quan trọng nhất là cái tâm
* Thưa ông, phải chăng là quy định, chế tài về quản lý nhà nước chưa đủ mạnh?
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta hiện nay về quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng công trình được ban hành đầy đủ.
Đây là những điều buộc các chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải tuân thủ, do đó nếu nói đơn thuần do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan nhà nước về lĩnh vực xây dựng thì chưa hoàn toàn thuyết phục.
Các định chế pháp lý, chế tài về thanh tra, kiểm tra, xử lý, xử phạt, hay nặng hơn là truy tố... đều có sẵn, nên nói thiếu cơ sở pháp lý hay chưa đủ sức răn đe lại hoàn toàn không đúng.
* Vậy mấu chốt vấn đề bắt nguồn từ đâu?
- Điều mấu chốt và chủ quan nhất vẫn là con người. Tôi theo nghề đã hàng chục năm, nay nghỉ hưu rồi vẫn còn chưa ngơi nghỉ nên tôi thấm lắm. Quan trọng nhất là cái tâm, lương tâm có day dứt, có trăn trở thì mới chỉ đạo được khối óc, bàn tay để làm thực chất từ vật liệu đến sản phẩm, công trình.
Cũng trong nội hàm con người, tôi muốn nhấn mạnh về trách nhiệm của người đứng đầu.
Người đứng đầu ở đây không phải là vị bộ trưởng ngành hay chủ tịch một tỉnh, thành phố mà người đứng đầu ở đây là người liên quan trực tiếp tới công trình đang xây dựng, đó là đứng đầu một tập đoàn, công ty, xí nghiệp, hoặc đơn giản là chủ thầu, chỉ huy công trình hay đội trưởng thi công.
Người đứng đầu có nghiêm, đàng hoàng mới duy trì được kỷ luật trong toàn hệ thống. Người đứng đầu có tâm thì mới lan tỏa được ý thức, tính trách nhiệm trong mỗi người lao động và ngược lại.
* Sau mỗi vụ tai nạn công trình thương tâm, theo ông, cần tìm nguyên nhân từ khâu nào?
- Chúng ta không thể sau một vụ tai nạn chết người lại đè người công nhân ra để xử tội, mà ở đây là lương tâm, trách nhiệm người đứng đầu, tức là người lãnh đạo, là người chỉ huy công trường đó.
Phải nhìn nhận rất thực tế hầu hết công nhân bậc thường cũng chỉ là một nông dân chính hiệu khoác áo công trường. Còn một chỉ huy công trường, một đội trưởng thi công họ được đào tạo chuyên môn và được giao trách nhiệm, phải chịu trách nhiệm.
Người chỉ huy phải giải thích cho người lao động để họ hiểu nguy cơ, hiểm họa, phải tuyên truyền và kiểm soát được kỷ luật lao động. Không làm được điều đó, anh phải chịu trách nhiệm.
Giàn giáo quyết định quá trình thi công
* Ông nghĩ gì về hàng loạt vụ tai nạn công trình liên quan tới giàn giáo thời gian gần đây?
- Đúng là dễ dàng điểm lại hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra từ khâu giàn giáo gần đây như hai vụ ở dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), vụ ở Formosa.
Về kỹ thuật, giàn giáo là hệ thống quyết định và xuyên suốt trong quá trình thi công, nếu không an toàn, tính mạng công nhân lẫn sự thành bại của công trình sẽ bị đe dọa.
Vụ tai nạn ở Vũng Áng, theo tôi được biết thì hệ thống giàn giáo rất quy mô, hiện đại. Nhưng từ thiết kế đến gia công, chế tạo rồi lắp đặt, di chuyển qua các khối thi công là cả một câu chuyện dài.
Rồi nữa, trước khi đổ bêtông đã được kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá lại an toàn hay chưa? Hệ thống đà giáo, cốppha đã đảm bảo chưa?...
Chỉ một yếu tố nhỏ trong chuỗi quy trình đó không đảm bảo là xuất hiện nguy cơ tai nạn. Đặc thù của giàn giáo là cơ chế hoạt động như quân bài domino, chỉ cần một chi tiết như con ốc, nút đệm... bị xô lệch là đổ, kéo theo cả hệ thống.
Cần nhắc lại một câu chuyện hơn 10 năm trước khi chúng tôi chứng kiến một sự cố thi công nằm trong khuôn viên Đài truyền hình Huế. Hệ thống giàn giáo đã được nghiệm thu hoàn chỉnh, hoàn hảo nhưng khi chuẩn bị đổ bêtông thì trời mưa nên đành phải hoãn lại hôm sau.
Thế nhưng hôm sau khi tiến hành đổ bêtông thì giàn giáo đổ ụp xuống. Đã nghiệm thu sao vẫn sập? Một chi tiết không ngờ tới là trận mưa đã khiến nền đất ướt, mềm, thay đổi kết cấu phân bố lực của giàn giáo. Và bộ phận thi công đã vô ý bỏ qua chi tiết chết người này.
Nói vậy để nhấn mạnh an toàn đối với giàn giáo nói riêng và công trình nói chung đòi hỏi một quá trình tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về kỹ thuật, được tính toán, kiểm đếm và đo lường các tình huống rủi ro xảy ra. Đội ngũ tham gia thi công cũng được tập dượt, huấn luyện chuyên nghiệp, nghiêm túc.
Rồi nữa, việc tuân thủ các yếu tố kỹ thuật và con người vốn đã được nghiệm thu trước đó có được nghiệm thu lại hay không, có ai giám sát quy trình nghiệm thu đó xem có trung thực hay không? Thực tế có không ít vụ tai nạn công trình nghiêm trọng nhưng khi rà soát lại quy trình thì mọi thứ... hoàn hảo tới mức khó tin.
* Trong vụ tai nạn lao động đau lòng vừa xảy ra tại Formosa (Hà Tĩnh), có thông tin từ công nhân cho rằng người chỉ huy Hàn Quốc đã yêu cầu công nhân quay lại khi họ rời đi vì nhận thấy dấu hiệu giàn giáo chuẩn bị sập. Và khi quay lại, giàn giáo đã sập đè chết 13 người, ông bình luận thế nào?
- Tôi không bình luận đúng sai trong chuyện này vì chưa được xác thực về thông tin. Bất cứ sự cố nào xảy ra đều xuất hiện dấu hiệu trước đó. Người chỉ huy trực tiếp công trường nếu không phát hiện được thì phải thận trọng tiếp nhận và xem xét khi có phản ảnh, dù là nhỏ.
Nếu chi tiết người chỉ huy Hàn Quốc ép công nhân quay lại dù đã nghe công nhân cảnh báo là đúng, tôi cho rằng đây là việc làm thiếu lương tâm.
Đã là quản lý một tập thể thì phải lắng nghe, trân trọng từng ý kiến nhỏ, có kỹ năng phân tích, đánh giá. Người quản lý phải biết lắng nghe, biết trân trọng, biết đánh giá, thẩm định từng thông tin một. Không thể cậy làm chủ mà coi thường người làm, ngạo mạn kiểu cai trị, tôi tớ.
Tôi sẽ viết dòng chữ thức tỉnh lương tri... * Nếu muốn phát đi một thông điệp sâu sắc về an toàn thi công công trình cho những người có trách nhiệm, ông sẽ nói gì? - Hãy làm việc với sự thôi thúc của trái tim, với sự kiểm soát của lương tri, tâm khảm. Nếu được treo một tấm băngrôn ở các công trường, tôi sẽ viết: “Hãy nhớ gia đình đang chờ đón họ trở về sau mỗi ngày làm việc” - dòng chữ thức tỉnh lương tri của những người có trách nhiệm ở mỗi công trường. Nếu người đứng đầu nào cũng đọc kỹ, nhớ và thực hiện được khẩu hiệu đó, sẽ có ít, thật ít hơn những tiếng khóc nức nở của những người mẹ, người vợ, những đứa con của người công nhân đang ngày đêm nai lưng kiếm đồng tiền, miếng cơm giữa công trường. |
* Ông Đặng Văn C. (chủ thầu xây dựng): Cắt giảm tối đa chi phí Tôi có kinh nghiệm 15 năm làm xây dựng, khi mới tốt nghiệp ra trường thì tôi chỉ là người làm công, nhưng dần dần nhận thấy việc nhận thầu có thể lấy ngắn nuôi dài nhờ vào nguồn lao động dồi dào ở quê nên tôi quyết định làm thầu. 15 năm trong nghề cho tôi nhiều kinh nghiệm và gần như có một “nguyên tắc”: muốn trúng thầu thì phải chi tiền. Thậm chí các công trình cho năm sau phải được sắp xếp xong trước tháng 10 của năm trước. Tùy từng công trình mà tiền “lại quả” cho chủ đầu tư nhiều hay ít. Tôi là kỹ sư xây dựng, dư sức biết vấn đề an toàn lao động được quy định như thế nào trong luật, nhưng phần lớn nhà thầu đều cắt giảm phần này đi để không phát sinh chi phí. Mỗi khi cơ quan chức năng, giám sát A (chủ đầu tư) đến kiểm tra công trình thì đưa tiền trực tiếp cho họ, họ sẽ nhắc nhở cái này cái kia rồi đi. Việc tập huấn cho công nhân lao động trong các công trình xây dựng về an toàn lao động thường được các công nhân tự dạy lại cho nhau. Thậm chí những trang bị tối thiểu như quần áo, giày ủng, mũ, găng... là những thứ mà công nhân buộc phải có thì cũng không đảm bảo là mọi công trình đều thực hiện được, nhất là những công trình xây dựng dân dụng cho cá nhân, gia đình. * Nguyễn Phương Đ. (kỹ sư thi công): Giấu nhẹm thông tin tai nạn Vi phạm ở các công trình xây dựng là rất nhiều nhưng ít khi nhà thầu bị xử lý, khi xảy ra sự cố thường ít thấy các cơ quan chức năng truy ráo riết. Việc “bao bọc” thông tin càng tốt thì khả năng ém nhẹm những sai sót càng cao. Tại các công trình xây dựng, người ta lấy cớ bảo đảm an toàn lao động mà phong tỏa rất chặt, không ai được phép nhìn thấy hoặc tiếp xúc với quá trình xây dựng. Khi có sự cố, họ đưa người ra phong tỏa và âm thầm xử lý vụ việc. Tôi từng chứng kiến có vụ cơ quan chức năng cũng tiếp tay cho những việc làm sai này. Tôi còn nhớ trong một vụ tai nạn tại công trường mà tôi thi công, một công nhân bị rơi từ tầng 5 một tòa nhà xuống đất. Tôi bế người bị nạn lên xe cấp cứu dù biết nạn nhân đã chết. Chỉ mấy phút sau khi tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng có mặt. Nhưng họ nhận tiền rồi lập biên bản cho rằng lỗi của công nhân lên công trình vào giờ nghỉ trưa. Việc còn lại đối với gia đình công nhân là đơn vị thi công thỏa thuận bồi thường để người ta viết đơn bãi nại. Càng ít người biết tới vụ tai nạn thì càng dễ sắp xếp. Việc giấu nhẹm thông tin, không muốn báo chí và người dân biết về các sự cố tai nạn đang diễn ra ở không ít công trình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận