Phút giây đoàn viên của gia đình tôi ở TP.HCM.
Tôi thường đi làm xa nhà, đa phần để trốn Tết vì phần nhiều cảm giác nhớ ba da diết. Năm nay cũng như mọi năm, tôi đi làm ở Đà Lạt. Đối với nhiều người "về quê ăn Tết" là từ Sài Gòn tỏa đi các miền Bắc - Trung – Nam, nhưng với tôi về quê ăn tết nghĩa là lần tìm về Sài Gòn…
Đà Lạt, 5 giờ chiều, 28 tháng chạp
Tôi vẫn còn vài công việc dang dở. Cái không khí se lạnh với những hoa cỏ, đồi thông, cành đào rừng và những cuộc vui tụ tập cùng bạn bè đã không còn giữ hồn tôi nữa. Tôi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ tết Sài Gòn da diết.
Năm nay công việc tôi gặp khó khăn. Tết cũng nghèo hơn. Cứ nghĩ về cái tết không hoa, không quà, không lì xì, mà tự tủi thân. "Ừ thì trong túi vẫn còn chút đỉnh phòng thân", tôi tặc lưỡi. Đánh liều, tôi mua cây sống đời tặng mẹ, mua đôi vớ hồng cho cháu gái, mua cành ly Đà Lạt chính hiệu mà tôi vào mãi tận trong vườn để có được hoa đẹp giá rẻ cho cô, và lấy hết số tiền còn lại mua hộp dâu chín loại "đặc biệt" dành cho dì ..
Ừ, thì tết mà. Tết là gia đình.
Đà Lạt, 10 giờ đêm, 28 tháng chạp
11 giờ đêm xe chạy nhưng vì cuối năm, nhà xe hẹn sẽ đón trước 1 tiếng đồng hồ. Đứa con gái gần 40 tuổi với nhiều năm tháng bôn ba cũng không tránh khỏi chạnh lòng ngày Tết, tôi loay hoay từ hơn 9 giờ, nôn nao, lẩm nhẩm "bao giờ xe đón?".
"Cứ tưởng bà con về quê hết rồi, nhưng quên tính những người có quê ở Sài Gòn... cũng đang về", dòng trạng thái của đứa bạn thân nhất trên mạng xã hội đã làm tôi suýt khóc khi đã nằm yên vị trên chuyến xe khách từ Đà Lạt về.
Ừ, thì Tết mà. Tết là sum vầy.
Sài Gòn, 4 giờ sáng, 29 tháng chạp.
Sài Gòn vẫn còn ngái ngủ khi xe cập bến, còn tôi thì vừa có một giấc ngủ với nhiều giấc mơ đan xen. Tôi mơ về tiếng thì thầm của mẹ, giọng cười trong trẻo của cháu và cả nỗi nhớ ba da diết. Kể từ sau cái Tết đoàn viên 10 năm trước. Một cái tết sum vầy, đầm ấm và hạnh phúc. Vậy mà sau cái Tết đó, ba ra đi mãi mãi. Tai nạn giao thông thật oan nghiệt, đã cướp ba khỏi chúng tôi.
Từ bến xe, tôi bắt một chiếc xe ôm về nhà. 29 tết mà thấy tôi lỉnh kỉnh, chú xe ôm ngạc nhiên hỏi "sao không về quê ăn Tết?". Tôi cười giòn bảo "con là người Sài Gòn nè, con đang về quê nè chú. Sài Gòn cũng là quê mà". Chú cũng bật cười hóm hỉnh: "Ừ, về quê Sài Gòn ăn Tết vui nha con".
Về nhà, tôi chui ngay vào mùng nằm cạnh mẹ thỏ thẻ: "Con về rồi nè". Bà mẹ ngoài 60 tuổi nằm ôm đứa con gái gần 40 tuổi rớm nước mắt. Chắc tại Tết, sự đoàn viên nào cũng chạnh lòng hơn.
Mời bạn đọc kể chuyện về quê ăn tết
Năm hết tết đến, người dân Việt xa quê ai cũng mong muốn được về bên gia đình, hưởng một cái tết đầm ấm.
Đến hẹn lại lên, hành trình về quê trong những ngày cuối năm luôn là một trải nghiệm đầy cảm xúc, với những câu chuyện đẹp về tình người và cũng không thiếu những bức xúc bởi những trắc trở trên đường. Đường về quê tết này có thuận lợi, suôn sẻ không? Dọc đường có gì vui, đẹp, độc, lạ?...
Kính mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ những trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Kỷ Hợi 2019, chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi".
Đừng ngần ngại gửi về cho chúng tôi những câu chuyện của chính mình, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip theo địa chỉ email: [email protected] từ nay đến 11-2-2019 (mùng 7 tháng giêng).
Mỗi câu chuyện được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì 2 triệu đồng. Ngoài ra, Tuổi Trẻ Online sẽ chọn 10 tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất để trao tặng "Lộc xuân 2019", mức 5 triệu đồng/tác phẩm.
Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines là đơn vị đồng hành.
Tuổi Trẻ mong nhận được tin bài của bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận