Thông tin trên được xác nhận tại hội thảo khoa học “Tài liệu phông phủ thống đốc Nam kỳ - tiềm năng di sản tư liệu” do Cục Văn thư lưu trữ nhà nước Bộ Nội vụ phối hợp với Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức sáng 11-8.
Tài liệu thuộc phông phủ thống đốc Nam kỳ có giới hạn thời gian từ năm 1858-1945, kéo dài 87 năm, số lượng lên đến 2.435,5m kệ, gồm 12.711 hộp hồ sơ, là phông tài liệu lưu trữ có số lượng lớn nhất, quan trọng nhất trong 26 phông tài liệu thời kỳ Pháp thuộc, cũng là phông tài liệu lớn nhất trong số 170 phông đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II tại TP.HCM.
Theo đánh giá, tài liệu của phông phủ thống đốc Nam kỳ có nội dung phong phú, chứa đựng nhiều thông tin có độ tin cậy cao, phản ánh đầy đủ toàn diện các lĩnh vực. Tài liệu (giấy, bản đồ, ảnh) viết chủ yếu bằng chữ Pháp, một lượng nhỏ viết bằng chữ Việt, Hán, Khmer, Lào, Nhật, Anh, Ý, Hà Lan..., Phần lớn bị ố giòn, mục, rách, chữ mờ.
Hội thảo tập trung bàn bạc, đánh giá về: Tính xác thực, toàn vẹn, hiếm có và không thể thay thế của tài liệu, các giá trị của tài liệu đối với vùng đất Nam bộ và VN, đồng thời tầm ảnh hưởng của tài liệu trong khu vực và trên thế giới. Giá trị lịch sử, thực tiễn và khoa học của tài liệu phông phủ thống đốc Nam kỳ cũng được nhiều tham luận ghi nhận qua các công trình nghiên cứu, các đề tài, khóa luận đại học và sau đại học...
Đến nay VN đã có bốn di sản tư liệu được UNESCO công nhận là: mộc bản triều Nguyễn, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, 82 văn bia tiến sĩ Văn miếu - Quốc tử giám ở Hà Nội và châu bản triều Nguyễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận