19/12/2021 14:24 GMT+7

Tái hiện 9 năm kháng chiến chống Pháp kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - 9 năm kháng chiến chống Pháp tại thủ đô gió ngàn Việt Bắc cũng như những tháng ngày Hà Nội ‘quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh’ đang được tái hiện sống động với nhiều hiện vật gốc tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở Hà Nội.

Tái hiện 9 năm kháng chiến chống Pháp kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến - Ảnh 1.

Hình ảnh bút tích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được trưng bày - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Trưng bày chuyên đề Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 - 19-12-2021).

Ngoài triển lãm trực tiếp tại bảo tàng tới tháng 5-2022, trưng bày còn được đưa lên website tại địa chỉ baotanglichsu.vn và fanpage: facebook.com/BTLSQG.VNMH.

Gần 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu được trưng bày theo biên niên kết hợp trưng bày sưu tập hiện vật, nhằm khắc họa quá trình trường kỳ kháng chiến 9 năm của dân tộc, từ những ngày quân, dân Hà Nội "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, qua 9 năm ở Việt Bắc - thủ đô gió ngàn tới ngày tiếp quản thủ đô 10-10-1954, thêm cả những hình ảnh, tư liệu về Việt Bắc hôm nay.

Tái hiện 9 năm kháng chiến chống Pháp kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến - Ảnh 2.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 11-6-1948 - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Nhiều tư liệu gốc quý thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong đó có những hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia được trưng bày như: bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Chỉ thị: Công việc khẩn cấp bây giờ, ngày 5-11-1946; bút tích Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (bản thảo gốc - hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia).

Trong bút tích "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", ngoài nét chữ mực nâu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn có bút tích sửa bằng mực xanh của Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương Trường Chinh.

Đặc biệt, trưng bày giới thiệu hiện vật gốc bom ba càng mà quyết tử quân Hà Nội dùng chống xe tăng Pháp trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, tháng 12-1946.

Tái hiện 9 năm kháng chiến chống Pháp kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến - Ảnh 3.

Hình ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến khu Việt Bắc - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Những hình ảnh quý hiếm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ủy viên Trung ương Đảng Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh và chiến sĩ, nhân dân ở chiến khu Việt Bắc cũng được giới thiệu.

Trưng bày cũng tái hiện cảnh chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của quân và dân Việt Nam ngày 7-5-1954 với các hiện vật như xe đạp thồ ông Bùi Tín - dân công tỉnh Thanh Hóa dùng vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954; mảnh nắp hầm của tướng Pháp Christian de Castries tại Điện Biên Phủ, năm 1954.

Tái hiện 9 năm kháng chiến chống Pháp kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến - Ảnh 4.

Hình ảnh nhân dân thủ đô tập trung nghe lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua loa phóng thanh, tháng 12-1946 - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Trưng bày còn cho thấy một đời sống văn hóa nghệ thuật cách mạng sôi nổi lúc bấy giờ qua các tác phẩm, bút tích, tài liệu của các họa sĩ.

Đó là tượng chân dung Bác Hồ, tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim, sáng tác năm 1946, thể hiện tư thế Bác đang ngồi làm việc, nét mặt đăm chiêu suy nghĩ khi tình thế nước nhà thù trong giặc ngoài, ngàn cân treo sợi tóc năm 1946.

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, trong đó có câu nói nổi tiếng: "Văn hóa cũng là một mặt trận. Anh em là chiến sĩ trên mặt trận ấy" cũng được trưng bày.

Tái hiện 9 năm kháng chiến chống Pháp kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến - Ảnh 5.

Bom ba càng mà quyết tử quân Hà Nội dùng để đánh xe tăng quân Pháp trong những ngày đầu kháng chiến, tháng 12-1946 - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam

Cùng với đó là thư của họa sĩ Tô Ngọc Vân - giám đốc Trường đại học Mỹ thuật Việt Bắc - gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 17-1-1952; tập nhật ký và bút ký của họa sĩ Diệp Minh Châu ký họa hình ảnh các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, trên mỗi bức ký họa có chữ ký của từng đại biểu; vở học văn hóa của Anh hùng quân đội Đinh Núp và một số hiện vật về văn hóa xã hội trong kháng chiến.

Giao lưu nghệ thuật kỉ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến Giao lưu nghệ thuật kỉ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến

TTO - Chương trình giao lưu nghệ thuật "Vì nhân dân quên mình" được tổ chức tại Trường Quân sự Quân khu 7, TP.HCM tối 19-12.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp