19/09/2017 11:23 GMT+7

Lúng túng đền bù tai biến y khoa

TTO - Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong tuần này, bệnh viện sẽ họp bàn mức hỗ trợ cho 8 gia đình có người thân tử vong trong khi chạy thận nhân tạo tại bệnh viện hồi cuối tháng 5.

Lúng túng đền bù tai biến y khoa - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến (thứ ba từ phải sang) thăm bệnh nhân bị tai biến chạy thận được chuyển về cấp cứu tại BV Bạch Mai - Ảnh: Quỳnh Liên

Các gia đình bệnh nhân đề nghị bệnh viện hỗ trợ mỗi người tử vong 250 triệu đồng (ngoài 20 triệu đồng đã hỗ trợ ngay sau ca tai biến).

"Cái khó là tổng số tiền hỗ trợ lần này rất lớn, bệnh viện không có quỹ để chi trả, bình thường thì lấy từ quỹ phúc lợi cộng với anh em đóng góp, nhưng 2 tỉ đồng thì quỹ không kham nổi"- một lãnh đạo của Sở Y tế Hòa Bình nói với Tuổi Trẻ.

Theo thống kê ở Mỹ, tỉ lệ bệnh nhân gặp tai biến y khoa là gần 4%, VN chắc chắn phải tương đương, thậm chí nhiều hơn con số này. Nhưng những lúng túng về quy định khiến bệnh nhân và bệnh viện đều không cảm thấy thỏa đáng khi phải đền/được đền vì tai biến y khoa.

Đền bù hay hỗ trợ?

Ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, cho hay khi tòa án chưa đưa vụ tai biến ở Hòa Bình ra xét xử, chưa đánh giá được ai đúng ai sai thì khoản tiền Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình chi trả cho bệnh nhân tử vong do tai biến chạy thận là khoản hỗ trợ, chưa phải đền bù. "Vì là hỗ trợ nên không có quy định pháp luật mà tùy vào khả năng tài chính của bệnh viện. Việc bệnh viện hỗ trợ trước khi tòa xét xử, tôi cho là bệnh viện có thiện chí, thông thường những bệnh viện như thế này là bệnh viện tự chủ tài chính và có quỹ dự phòng cho trường hợp rủi ro" - ông Quang nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế Hòa Bình than trời khi cho biết Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đang không biết lấy tiền đâu để chi trong trường hợp này. "Bình thường bệnh viện lấy từ quỹ phúc lợi, nhưng cùng lúc có 8 người cần hỗ trợ thì quỹ không đủ, mà các anh em đang giải quyết vụ việc này có phải người gây ra tai biến đâu. Người gây ra tai biến bị đình chỉ công tác, bị kỷ luật hết rồi, giờ giao những người khác phải đền bù cũng rất là tội họ" - vị lãnh đạo Sở Y tế Hòa Bình cho hay.

Trong khi đó, 8 người tử vong trong khi đang được chạy thận rất đáng thương, có người còn rất trẻ, có người đang xây lại nhà và đi xe máy vào bệnh viện chạy thận trước khi quay lại ngôi nhà đang xây, nhưng tai biến đã khiến họ ra đi mãi mãi. Người thân của họ cần được đền bù thỏa đáng. Đó là chưa kể 10 bệnh nhân cũng gặp tai biến trong ca chạy thận định mệnh đó, nhưng may mắn được cứu sống chưa được xem xét trong lần hỗ trợ này. Họ bị tai biến do lỗi của dịch vụ y tế khi đã mua dịch vụ dài hạn, nên có quyền yêu cầu được hỗ trợ.

Giải quyết thế nào?

Chưa có quy định về mức hỗ trợ khi xảy ra tai biến y khoa, nên mức hỗ trợ sẽ tùy mức độ "rắn" của người nhà bệnh nhân và khả năng tài chính, cùng mong muốn bảo vệ uy tín của bệnh viện. Cách đây vài năm, các cán bộ liên quan của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từng góp 500 triệu đồng để hỗ trợ cho một trường hợp bị tai biến sản khoa. Ngày 14-5-2017, Bệnh viện Đa khoa Na Hang (Tuyên Quang) cũng đã có biên bản thỏa thuận hỗ trợ 130 triệu đồng cho 2 con nhỏ của sản phụ tử vong trên bàn mổ, đổi lại gia đình rút đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến bệnh viện... Cách đây hơn một tháng, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang cũng đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho gia đình bé sơ sinh tử vong vì lý do chậm mổ đẻ. Nhưng có nhiều vụ tai biến y khoa xảy ra mà người nhà bệnh nhân không được/chậm được hỗ trợ. Hồi tháng 3 vừa qua, chị T.T.T.T., 29 tuổi ở Quảng Ninh, đã tử vong sau khi gặp tai biến y khoa tại phòng khám 168 Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội). Tuy nhiên, qua lễ 100 ngày chị T. qua đời, gia đình vẫn không nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào. Phòng khám đã đóng cửa, bác sĩ gây tai biến đã bỏ trốn, người thân chị T. chỉ biết kêu trời.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh viện này đang tiến hành mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho cán bộ bệnh viện lần đầu tiên, dù còn rất nhiều ý kiến trái chiều. "Nhiều ý kiến trái chiều bởi trong bệnh viện có những khu vực dễ xảy ra rủi ro, nhưng có những khu vực không có hoặc ít có rủi ro. Trong khi đã mua bảo hiểm thì mua hết vì chúng tôi quan niệm đây là chia sẻ rủi ro, nếu xảy ra tai biến, người liên quan chịu trách nhiệm, nhưng chia sẻ thì chung"- ông Tuấn nói.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp