Nhà nghiên cứu, thầy giáo Trần Viết Ngạc
Ông vừa dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện xung quanh đề tài lịch sử nhân dịp này.
Từ lời trăng trối của Phan Bội Châu
* Mặc dù khiêm xưng là "góp nhặt", nhưng quyển sách đề cập đến rất nhiều vấn đề của lịch sử. Nếu phải nói có một nguồn cảm hứng đóng vai trò nắm giữ mối quan tâm của ông với đề tài lịch sử thì đó là gì, thưa ông?
- Nếu phải nói có nguồn cảm hứng nào dẫn tôi vào lịch sử Việt Nam để rồi dạy sử, nghiên cứu sử suốt hơn nửa thế kỷ, thì khởi đầu chính là Sào Nam Phan Bội Châu.
Từ lúc còn là cậu học trò Trường Quốc học Huế, tôi đã có may mắn đọc hai cuốn tự truyện của Sào Nam: Ngục trung thư (bản dịch của Đào Trinh Nhất, nxb Tân Việt, Sài Gòn, 1950) và Tự phán (NXB Anh Minh, Huế, 1956). Cuốn thứ nhất, Phan Bội Châu viết tại nhà tù Quảng Châu (Trung Quốc) khi bị Long Tế Quang bắt giam (1914).
Ngục trung thư là tiếng kêu thống thiết của người tù mang án tử hình (1913), là lời trăng trối của Sào Nam nhưng đồng thời là một cuốn sử cách mạng Việt Nam từ lúc Nam Kỳ mất (1867) đến những năm đầu thế kỷ 20.
"Con chim sắp chết, tiếng kêu đau thương, con người sắp chết, lời nói ngay thẳng... Còn một giây phút trước khi ta phải chôn mình dưới đất, ta cũng muốn cạn lời ta nói.
Chiếc bóng bơ vơ trời biển, ngọn đèn leo lét gió mưa, ta thấm giọt lệ còn lưu lại mấy chục năm nay, gom góp lịch sử một đời ta, hòa với máu mà viết ra tập sách này. Hỡi ba ngàn muôn đồng bào, chí ái chí thân... Khi đọc tập sách này, sẽ thấy giọt máu hầu khô, vẫn còn đầm đìa trên mặt tờ giấy vậy".
Tôi đọc đi đọc lại Ngục trung thư, thuộc lòng nhiều đoạn và khi dạy sinh viên về Phan Bội Châu, Đông Du... tôi đọc cho sinh viên nghe. Một nỗi xúc động nối kết thầy và trò. Tập sách đã có tuổi 70 năm (1950 - 2020), giấy đã vàng và giòn... và đó là tác phẩm đã dẫn dắt tôi vào môn sử Việt.
Cuốn thứ hai: Tự phán viết năm 1929 tại Bến Ngự, Huế. Giọng văn tự sự trầm tĩnh hơn, và lịch sử những năm cuối thế kỷ 19 trầm uất với thất bại của phong trào Cần Vương thì qua đầu thế kỷ 20, niềm hi vọng đã sáng lên với Duy Tân hội, phong trào Đông Du, Việt Nam Quang Phục hội...
Những chân dung được Ông Già Bến Ngự (danh xưng về cụ Phan Bội Châu khi ở Bến Ngự, Huế những năm cuối đời) khắc họa làm lịch sử phong phú, hấp dẫn. Chân dung Tăng Bạt Hổ không thể mô tả đẹp hơn, sinh động hơn:
"Ông tuổi ngoài bốn mươi mà râu mày cốt cách, trời hạ sương thu, trông qua một lần mà chắc là người duyệt lịch đã dày lắm... kể tình hình ngoài biển rất kỹ mà nói đến nhân vật nước Tàu... rạch ròi như đếm tiền trong túi".
Sau này, được xem ký họa của Tăng do một ký giả Nhật ghi lại mới thấy mô tả của Sào Nam là tài tình và tuyệt thú.
Đọc sử, sẽ tin hơn vào tiền đồ dân tộc
* Nếu tự đặt mình vào vị trí một học sinh cấp III, ông sẽ có cảm nghĩ gì khi đọc các bài trong quyển Góp nhặt...?
- Xin thưa, trước hết là các em sẽ thấy sử Việt không khô khan, nhàm chán như các em nghĩ và cảm nhận. Không thầy cô, sách giáo khoa nào nói với các em ý nghĩa lớn lao của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và ba năm độc lập đầu tiên của hành trình ngàn năm đấu tranh cho nền độc lập dân tộc.
Các em sẽ hiểu vì sao các tổng thống Mỹ khi đến thăm nước ta đều nhắc đến Hai Bà Trưng. Các em sẽ tin tưởng hơn ở tiền đồ của dân tộc dù hiện nay ta đang bị o ép ở Biển Đông.
Các em sẽ hiểu thêm lịch sử dân tộc không dừng lại ở chiến tranh, ở sự tiếp nối của triều đại mà còn là cuộc sống của người dân, đời sống văn hóa của dân tộc...
Và quan trọng là... những trang sách sử có nhiều sai lạc cần được đính chính, tìm hiểu rạch ròi hơn (Nguyễn Hoàng, 400 năm nhìn lại; Không có chiếu Cần Vương nào cả...).
Học sử phải luôn đặt câu hỏi: Tại sao? Như thế nào? Và nếu cần đặt vấn đề ngược lại như phương pháp "phản chứng" trong toán học: Tại sao phải hư cấu "trăm trứng" trong truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ? Nếu Hai Bà Trưng thất bại trong cuộc khởi nghĩa năm 40 thì số phận dân tộc ta sẽ ra sao?
Ảnh: L.ĐIỀN
Chia sẻ thêm câu chuyện dạy sử và nghiên cứu sử Việt, thầy giáo - nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc nói:
- Sử Việt rất hay, rất hấp dẫn.
- Dạy sử Việt, nghiên cứu sử Việt không bao giờ nhàm chán, miễn là người dạy, người nghiên cứu phải gia công tìm tòi, tìm hiểu, không bao giờ thỏa mãn với điều mình có. Sự hiểu biết là vô cùng, phải làm sao cho những trang sử "hầu khô" vẫn còn "đầm đìa" xúc cảm.
- Dạy sử, nghiên cứu sử phải tìm đến những nơi từng xảy ra sự kiện nếu có dịp. Tái hiện nhân vật thì không gì hơn tìm đọc những gì họ viết... Nhận định về Huỳnh Thúc Kháng mà không đọc những gì ông viết thì làm sao hiểu được ông? Viết về Phan Châu Trinh mà không đọc Danh ngọc lương sơn... thì chỉ lầm lạc.
- Nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử Việt Nam, làm cho tâm hồn mình, sự hiểu biết của mình... trở nên "giàu có"... rồi truyền lại cho học trò, cho bạn đọc làm cuộc sống thêm ý nghĩa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận