Ông Đặng Đình Long, Viện trưởng Viện nghiên cứu tư vấn phát triển băn khoăn vì nhiều tác giả tài năng nhưng phải sống nghèo khó vì vấn đề bản quyền chưa được quan tâm - Ảnh: V.V.TUÂN |
Ngày 26-7, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật VN tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.
PGS. TS Trần Văn Hải (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) cho rằng, dự thảo Nghị định này đã không phản ánh được toàn bộ các nhóm ngành khoa học và công nghệ.
Những sáng tạo ở lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật... nếu không được cấp bằng sáng chế thì được coi là tác phẩm khoa học và thuộc đối tượng bảo hộ quyền tác giả, nhưng trong dự thảo Nghị định lại không nói đến.
Hoàng Trọng Quang, chủ tịch Hiệp hội quyền sao chép đặt câu hỏi, vì sao những sản phẩm trí tuệ là sản phẩm đặc biệt nhưng hiện nay rất nhiều nhà khoa học, nhiều tác giả cuối đời lại hai bàn tay trắng vì tác phẩm của họ bị sử dụng nhưng rất khó thu phí bản quyền.
Ông lấy ví dụ trường hợp nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có nhiều đóng góp vô giá cho kho tàng âm nhạc dân tộc nhưng lại sống trong nghèo đói?
Nếu những tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được thế chấp sẽ có khoản tiền bồi thường nhất định cho cuộc sống.
PGS. TS Đoàn Năng, nguyên vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Khoa học - Công nghệ cho rằng, không nên để tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan, mà cần có sự tham gia của Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch cùng Bộ Tài chính để xây dựng khung biểu mức.
Ông Đặng Đình Long, Viện trưởng Viện nghiên cứu tư vấn phát triển băn khoăn, dự thảo Nghị định nên cân nhắc hoặc gộp để bao quát tất cả các lĩnh vực hoặc chỉ tập trung vào lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Nếu tập trung vào lĩnh vực văn học, nghệ thuật thì cần có những quy định chi tiết hơn.
“Tôi được biết, giá trị công nghiệp văn hoá chiếm khoảng 10% GDP ở Mỹ, còn Hàn Quốc là 20%... Nhưng ở VN thì sao?
Chúng ta có những tác giả tài năng nhưng lại phải sống trong tình cảnh nghèo khổ là do chúng ta chưa quan tâm đến vấn đề bản quyền tác giả”, ông Long trăn trở.
Nguyễn Mạnh Hùng (Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng) cho rằng, các quy định nên có chế tài kèm theo bởi:
“Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm thì người sáng tác và người thừa kế mới được hưởng quyền tài sản của mình một cách chính đáng, phù hợp với đóng góp của người ta cho xã hội.
Không thể có chuyện những người sáng tác, làm ra sản phẩm trí tuệ lại phải sống trong nghèo khổ...
Chính sách về bản quyền phải đáp ứng được các tiêu chí là quản lý được, đáp ứng được sáng tạo với xã hội và trân trọng để người sáng tạo phải được hưởng thụ”.
NSND Thanh Hoa chia sẻ quan điểm tại hội thảo - Ảnh: V.V.TUÂN |
Chung nhận định, nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa đánh giá, những sáng tạo trí tuệ ở VN từ khoa học đến văn học nghệ thuật đều đang bị coi thường nhiều quá.
“Nếu muốn pháp luật được thực thi nghiêm túc thì phải có các quy định rõ ràng.
Chúng ta ngồi đây sửa câu chữ nhưng nếu quy định không rõ ràng và không đi vào những quy định bắt buộc để người dân hiểu và trả tiền bản quyền thì chúng ta không thể đi đòi tiền bản quyền như đi đòi mớ rau ngoài chợ.
Nếu bây giờ tôi phải đi từng quán karaoke, từng đơn vị để đòi tiền bản quyền thì tôi thực sự rất xấu hổ. Tôi không làm được điều đó”.
Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch) khẳng định, sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để chỉnh sửa dự thảo Nghị định sao cho đảm bảo tốt hơn quyền lợi của các tác giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận