Bà Nguyễn Phi Vân hiện là chuyên gia nhượng quyền quốc tế và là cố vấn cao cấp của một số tập đoàn, tổ chức, Chính phủ tại khu vực châu Á - Ảnh: V.P.
Bà Nguyễn Phi Vân là tác giả của những cuốn sách ‘truyền lửa’ cho giới trẻ như Quảy gánh băng đồng ra thế giới; Tôi, tương lai và thế giới; Nhượng quyền khởi nghiệp – con đường ngắn để bước ra thế giới...
Là người đã tự học từ rất nhiều năm nay, tôi đơn giản chỉ bám theo ba từ khoá sau đây:
Từ khoá 1: Why – Học để làm gì?
Tôi chưa bao giờ học gì mà không hiểu tại sao mình phải học. Tôi chưa bao giờ học vì thấy người khác học. Tôi cũng chưa bao giờ học vì ai đó bảo rằng tôi phải học. Tất cả những tác động từ bên ngoài, dù từ ai và vì lý do gì, đều sẽ trở thành gánh nặng cho cá nhân, khiến ta gục ngã, bỏ cuộc sau một thời gian ngắn. Tự học là cách tiếp cận rất khó, đòi hỏi ý chí quá lớn, và nếu động lực không bắt đầu từ bên trong, tin tôi đi bạn sẽ bỏ cuộc, sớm hay muộn.
Vì vậy, tôi chỉ chọn học những kiến thức, kỹ năng mà tôi cần ngay tức khắc, phục vụ cho công việc, dự án, cuộc sống của tôi ngay trước mắt. Khi bạn có mục đích rất rõ ràng, bị ép vì sự giới hạn của thời gian, bị tác động bởi kết quả, bởi sự thành bại và sống còn ngay phía trước, thì tự học là chiêu qua cầu rút ván. Ta không còn đường thoái lui. Khi ép mình vào thế này, con người thường có mức độ tập trung cực cao, học nhanh, ứng dụng tức thì, và vì vậy mà dễ cá nhân hoá lý thuyết vừa học vào thực tế của bản thân. Ứng dụng mới chính là học. Còn lại, chỉ là đọc cho vui, nhớ nhất thời, học cho có, học để quên, mất thời gian vô ích.
Nếu bạn không tự tạo hoàn cảnh để tự ép bản thân mình, bạn sẽ không bao giờ tự học được.
NGUYỄN PHI VÂN
Từ khoá 2: How – Học kiểu gì?
Tác giả Nguyễn Phi Vân trong một buổi chia sẻ với giới trẻ về khởi nghiệp, nhượng quyền - Ảnh: V.P.
Tôi là người lười học, ham vui, rất ghét các kiểu học quá nghiêm túc, bị ép buộc theo khuôn khổ. Có một thực tế hết sức giản đơn là, không vui, không thoải mái thì đố mà học được. Khi tự học, điều này càng trở nên quan trọng, vì người duy nhất quản trị chuyện học là bản thân ta.
Khi phải đấu tranh giữa việc học và giải trí thì, lựa chọn của một người bình thường luôn nghiêng về bên sung sướng, vui chơi, thoải mái. Ai cũng vậy thôi. Đừng lừa dối bản thân và cố gắng che giấu ham muốn này của bản thân bằng những lời đạo đức và hoa mỹ. Cuộc đấu tranh tự học là cuộc chiến gay go nhất giữa ta với chính bản thân mình. Vì vậy, chiến thuật của tôi là, chọn cách học đánh lừa bản thân là mình đang chơi chứ không phải là đang học.
Thế giới có một phương pháp rất hay gọi là play-based learning – học bằng cách chơi, và phương pháp này đã được ứng dụng rất hiệu quả tại các quốc gia Bắc Âu. Bạn nghĩ đi, nếu đã là chơi, thì ai mà không thích và không thích chơi hoài chứ? Vui mà! Mỗi người có sở thích và cách tiếp cận khác nhau, nên bạn cũng không cần phải theo ai. Điều quan trọng nhất là tìm hiểu xem bản thân mình thích nhất là học kiểu gì.
Ví dụ đối với tôi, cách hiệu quả nhất để tự học ngôn ngữ là xem phim, xem game show giải trí, chat với bạn bè bằng ngôn ngữ gốc. Vậy gọi là chơi chứ không phải học, và vì vậy tôi học rất nhanh. Cách học kiến thức mới của tôi là đi du lịch kết hợp với tham dự khoá học ngắn hạn có sự tham dự của nhiều bạn học từ các quốc gia khác nhau. Khi tạo hoàn cảnh học như thế, tôi tự tạo động lực cho bản thân vì được đi chơi, được gặp gỡ và lắng nghe nhiều câu chuyện đời rất hay, rất mới, làm tư liệu cho cuộc sống và thú vui viết lách của mình. Vậy, nghĩa là tôi đang lồng việc học vào sở thích của mình. Cuối cùng vẫn là chơi, nên vô cùng thích học.
Là người thích nghệ thuật, tôi chọn những khoá học online quay đẹp, nghệ thuật, do người có trải nghiệm nghề nghiệp dạy bằng chính câu chuyện đời và bài học cá nhân. Ví dụ trên Khan Academy chẳng hạn, tôi học khoá viết lách từ chính một nhà báo Mỹ viết từ trải nghiệm sống trong tâm chiến.
Với tôi, đó là câu chuyện đời quá hay ho, quá sống động, đầy sắc màu của một cá nhân đặc biệt, không phải học. Ngữ cảnh quan trọng đến như thế, vì nó cho ta cảm giác được sống, được yêu thích, được vui chơi, được trải nghiệm chứ không bị học.
Mỗi cá nhân sẽ có sở thích và cách chơi khác nhau. Bạn nên hiểu cách nào giúp bản thân học dễ nhất, rồi chọn cách đó làm đường dẫn vào hành trình học. Người xưa nói, nếu bạn yêu thích công việc, bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào trong đời. Cũng vậy thôi, nếu bạn yêu thích cái cần học, bạn sẽ không phải học một ngày nào trong đời.
NGUYỄN PHI VÂN
Từ khoá 3: What – Học gì?
Tác giả Nguyễn Phi Vân - Ảnh: V.P.
Chỉ có bạn mới biết mình cần phải học gì. Mỗi chúng ta đều có cuộc đời và hoàn cảnh rất khác nhau. Tại thời điểm này, ngay khi đang đọc bài này, mội chúng ta đều đang có một mục tiêu, một hành trình, một mong muốn, một công việc, một dự án hoàn toàn khác nhau. Vì thế, chúng ta không thể học giống nhau. Đừng nghe theo lời người khác và cắm đầu vào học những thứ người khác yêu cầu. Làm thế, mà không hiểu tại sao, sớm muộn gì cũng bỏ cuộc.
Học là cách để ta phát triển bản thân, và vì vậy, học là chuyện hết sức cá nhân, theo nhu cầu ngay lúc này, phục vụ tức thì cho công việc, dự án, và cuộc sống. Ví dụ, nếu bạn đang cần trở nên tự nhiên hơn khi tham gia yến tiệc với đối tác quốc tế, thứ cần học là kỹ năng bàn tiệc, là kiến thức về rượu vang chẳng hạn, chứ không phải là khoá CFO – giám đốc tài chính.
Ở từng thời điểm sự nghiệp, công việc, thứ bạn cần học sẽ rất khác nhau. Quan trọng là ta cần phải hiểu mình cần gì ngay lúc này, và chọn ưu tiên học những thứ giúp ta giải quyết đựợc vấn đề. Phương pháp học này, gọi là problem-based learning – học qua giải quyết vấn đề. Nếu học mà chẳng để ứng dụng vào giải quyết một vấn đề cụ thể thì học để làm gì? Học xong cũng quên hết mà thôi, phí thời gian, công sức và tiền bạc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận