Nhạc sĩ Trang trong đêm concert tại Sài Gòn tối 24-4- Ảnh: SLP
Trang (hay được nhiều người trẻ trong giới nghe nhạc indie biết đến với cụm từ ) từ khi nó chỉ là một tài khoản Soundcloud, Trang tự thu âm những ca khúc mới mình viết để chia sẻ với bạn bè.
Thoáng chốc đã hai năm, kể từ khi những ca khúc ấy mới chỉ có vài người nghe, rồi người ta truyền tai nhau, Trang đã có một lượng fan đông đảo hơn (đa phần đều là thế hệ 9X giống cô).
Những người trẻ ấy nghe và lập tức thấu hiểu những ngôn ngữ âm nhạc dường như của riêng họ, để tìm đến nhau, xây dựng một cộng đồng nghe nhạc có màu sắc riêng, phóng khoáng và nhiều cảm xúc cá nhân hơn.
Trang và Uyên Linh hát Biết đâu - một sáng tác của Trang cho album Portrait của Uyên Linh
Đêm concert Bài hát cho nhau của Trang không có người dẫn chương trình. Một vài người bạn thân thiết, cùng chơi, cùng làm nhạc, ca hát với cô trong quá trình làm việc ở Sài Gòn được Trang mời đến như những "nhân chứng" của một tuổi trẻ nồng nhiệt, đầy năng lượng.
Đó là ban nhạc Cá Hồi Hoang - ban nhạc đã cùng Trang hát tại Yoko Cafe lúc chỉ có vài khán giả ngồi nghe phía dưới.
Là Phùng Khánh Linh - cô bạn đã hát ca khúc Hãy bảo nắng về đi mà Trang viết, được chọn là nhạc trong bộ phim Cô gái đến từ hôm qua.
Là Tiên Tiên, một người bạn rất đặc biệt của Trang, khi hai cá tính âm nhạc này đã cùng bắt tay nhau tạo nên những bản hit như Chắc anh đang… cho thị trường nhạc trẻ.
Và cuối cùng là Uyên Linh, người - nói không ngoa - đã đưa Trang ra ánh sáng khi Bài hát của em và Biết đâu, Trang viết cho album Portrait của cô trở thành những bản hit.
Sân khấu của chương trình như không gian phòng khách, nơi Trang cắm hoa loa kèn và mời mọi người đến nghe nhạc cô viết.
Trang vẫn xinh xắn và mảnh mai như nửa năm về trước, khi cô chỉ mới bắt đầu quen quen với nhịp sống của Sài Gòn, và không quên thổ lộ: "Em nhớ Hà Nội lắm!".
Sân khấu của đêm Bài hát cho nhau, vì thế cũng phảng phất đâu đó dư âm của một "người Hà Nội": là một phòng khách be bé, có đèn vàng ấm áp, có hoa loa kèn tháng tư nở rộ, và có Trang - giọng pop ballad không hẳn là quá hay, nhưng đủ tình cảm để giữ chân, và giữ trái tim người nghe thổn thức.
Khoảng 700 khán giả trẻ đã đến và đứng suốt ba tiếng đồng hồ để nghe Trang hát
Nhạc Trang viết chảy ào từ những cảm xúc rất đỗi bình thường. Một cuốc xe ôm của người đồng hương, chạy mải miết chở cô vượt cái nắng bỏng rát của Sài Gòn để tìm mua nhạc cụ. Trang viết ca khúc Bác xe ôm.
Nỗi nhớ con ngõ nhỏ mùa hè rợp nắng, có tiếng bước chân mẹ về mỗi chiều Hà Nội. Trang viết Mẹ về đầy yêu thương. Tâm sự của một người bạn nhà thơ với tình yêu dang dở của mình, cũng khiến Thư cho anh - một ca khúc rất hay của Trang ra đời…
Trang đã hát cùng ban nhạc khoảng gần 20 ca khúc trong suốt chương trình
Cứ như thế trong suốt ba phần của đêm nhạc mà Trang tự chia là: Bài hát cho người, Bài hát cho nhau, Bài hát cho mình, cô thong dong cùng những người bạn, hát và nói về hơn 20 ca khúc mà Trang đã lọc ra cho đêm nhạc này với nhiều kỉ niệm đẹp, những cảm xúc khó quên.
Những bạn trẻ hầu như không ngồi trong suốt thời gian đêm nhạc diễn ra. Họ cũng không hò hét một cách khản cổ như ở một rockshow. Họ hát theo Trang mỗi ca khúc. Họ đung đưa ánh đèn điện thoại để cô nhạc sĩ 9X biết họ vẫn ở đây, vẫn theo dõi, ủng hộ và lắng nghe cô.
Thành Luke của Cá Hồi Hoang
Phùng Khánh Linh
Sự kết hợp bùng nổ của Trang và Tiên Tiên
Hay giọng ca da diết của Uyên Linh với bản hit Bài hát của em đều làm cho đêm nhạc trẻ này thực sự đáng nhớ
Dẫu có vài trục trặc về âm thanh, nhưng như tâm sự của Trang trong concert lần này là "Trang làm show này rất sướng! Chỉ cần đến hát thôi. Việc còn lại đã có Soul Live Project lo rồi".
Sân khấu âm nhạc thử nghiệm này của Thanh Bùi, đã mang lại một luồng sinh khí rất mới mẻ cho âm nhạc trẻ. Trước Trang, người trẻ ở Sài Gòn đã từng được thưởng thức những đêm nhạc rất chất lượng của Lê Cát Trọng Lý, của Ngọt (một ban nhạc rất được yêu mến tại Hà Nội), hay Cá Hồi Hoang….
Đây cũng là dự án thuộc chuỗi dự án nghệ thuật kết nối cộng đồng của Soul Live Project, thêm sắc màu và làm phong phú nhạc mục vốn rất ít lựa chọn của người trẻ tại Sài Gòn.
Nghệ sĩ indie cũng không tách biệt khỏi đời sống âm nhạc bình thường. Âm nhạc đến với mọi người là đích đến cuối cùng của bất cứ nghệ sĩ nào
Cũng như nhiều người trẻ hát nhạc indie khác, những người như Trang, như Cá Hồi Hoang…thực ra không từ chối showbiz, không từ chối bước vào guồng máy kiếm tiền một cách chuyên nghiệp hơn.
Chỉ là nghệ sĩ tính trong họ quá lớn, họ tìm những chất liệu lạ tai cho những ca khúc của mình, họ khao khát thể nghiệm cái mới.
Và như thế, họ chấp nhận là những người đứng ngoài showbiz mà vui. Phải chăng khởi nguồn của âm nhạc chính là từ đó? Từ việc mang đến niềm vui, sự chia sẻ, đồng điệu cùng người nghe?
Nhạc sĩ Trang đầy cảm xúc trong đêm nhạc của mình tại Sài Gòn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận