11/06/2020 15:00 GMT+7

Tác giả Chương Đặng: 'Nêm' chút ân cần cho đời sống

ÁNH VĂN thực hiện
ÁNH VĂN thực hiện

TTO - Tập sách 'Bầu cua tôm cá chơi chơi - ăn và yêu' của Chương Đặng kể chuyện người nêm - người nếm thức ăn trong căn nhà nhỏ, ở băng ghế công viên, nơi bệnh viện... dù nơi nào vẫn ngập tràn tình cảm trìu mến, ngọt ngào.

Tác giả Chương Đặng: Nêm chút ân cần cho đời sống - Ảnh 1.

Hai cuốn sách mới của tác giả Chương Đặng - Ảnh: ÁNH VĂN

Có nhiều danh từ được đặt trước cái tên Chương Đặng, nào là nhà thiết kế thời trang, doanh nhân, chuyên gia ẩm thực. Và nay, sau khi ra mắt 2 cuốn sách Bầu cua tôm cá chơi chơi - ăn và yêu cùng Khi em chạm phải một nỗi buồn, người ta còn gọi anh là tác giả.

Thế nhưng, tự thân Chương Đặng cho rằng để gọi đúng về anh thì phải là "một kẻ rong chơi trong cuộc đời này".

Một bữa ăn có thể nấu lại, nhưng...

* Trang Facebook của anh có hơn 38.000 người theo dõi, mỗi ngày anh đều khiến họ ồ à với một chủ đề, cách tiếp cận thú vị. Vậy nên, chắc phần lớn họ cũng mong ngóng ngày anh ra sách. Vì sao anh trì hoãn việc xuất bản cho đến tận khi sống ở một đất nước khác?

- Tôi không cố tình trì hoãn việc ra sách đâu. Chỉ là trước đây tôi chưa bao giờ có quỹ thời gian đủ lặng để đặt mọi thứ lại với nhau và nhìn ngắm chúng như một kẻ thứ ba - tức là được nhìn mối tương quan của chính cá nhân tôi với mọi thứ xung quanh bằng cái nhìn trung lập, ít thiên kiến và dễ chịu một chút.

Tôi luôn muốn những bài viết của mình đủ nhẹ nhàng nhưng cũng có chút lắng đọng khi đến tay bạn đọc. Vậy nên, tôi đã tập trung viết, hiệu chỉnh xen kẽ với làm vườn, nấu ăn và chụp hình trong một quãng thời gian không dài.

Mỗi lúc một việc, tôi toàn tâm toàn ý làm tốt nhất trong khả năng của mình. Tôi vui khi độc giả cho biết họ đã không còn lo lắng nhỡ đâu Facebook sập thì bài viết của tôi cũng... đi mất.

* Điều gì khiến anh chọn cách dẫn người đọc băng qua một khu vườn (khi thì yên bình, lúc lại rộn rã, cũng có cả nỗi buồn bàng bạc) trước khi chạm đến các món ăn đa phần dễ tìm nguyên liệu, dễ nấu?

- Tôi không phải là đầu bếp chuyên nghiệp, nhưng thời gian kinh doanh nhà hàng đã cho tôi những trải nghiệm thú vị về nguồn nguyên liệu, về tâm lý thực khách, cũng như những thủ thuật để tạo ra những thực đơn chiều lòng số đông.

Sau cùng, tôi hiểu được rằng những cung bậc cảm xúc tuyệt vời nhất liên quan đến một không gian ẩm thực luôn đến từ trái tim, từ những rung cảm vi tế... Tôi bèn liều lĩnh nắm tay độc giả đi qua những triền cảm xúc của ký ức. Một bữa ăn có thể nấu lại, nhưng người ngồi xuống cùng nâng chén ngày hôm đó sẽ đến lúc ra đi vĩnh viễn.

* Nhắc đến Chương Đặng là nhớ các món Việt đã được biến tấu, vì lẽ gì mà từ nhiều năm trước anh đã mời thực khách những món không thuần Việt?

- Món ăn truyền thống Việt rất ngon, rất đặc sắc, rất thú vị... nhưng người trẻ chưa quan tâm nấu ăn lại mê hàng quán thì dễ tiếp cận với những biến tấu vui vui, mới mẻ và hấp dẫn. Mà người Việt nói chung ít mở lòng ra với món mới, dù không biết cái gốc của món đó như thế nào, nên dễ rơi vào bẫy "phải như này mới đúng" nhưng rốt cuộc không ai biết cái nào đúng.

Cách tân hay biến tấu thành công đều dựa trên sự tìm hiểu nghiêm túc và tình yêu rất nồng nhiệt với những giá trị truyền thống. Người trẻ luôn cần một cách thức giao tiếp hiện đại khi nói về truyền thống. Những nhấn nhá, cải tiến chỉ để chúng phù hợp hơn với hiện tại.

* Người Việt coi trọng việc ăn với ai, ăn ở đâu hơn là ăn cái gì. Vì thế cái lưỡi có phần dễ dãi, khó lòng nhận ra đâu là món ngon?

- Tôi lại nghĩ người Việt khó tính theo cách riêng của họ. Việc chúng ta ít nấu ăn, bên ngoài có rất nhiều hàng quán bình dân nấu ăn tương đối và giá thành vừa rẻ lại không tính phí phục vụ đã khiến rất nhiều người chọn ăn ở ngoài nhiều hơn tự nấu ăn.

Ẩm thực Việt Nam thật sự rất tuyệt vời. Tuy vậy, chúng ta lại không xây dựng những nền tảng tốt từ việc chú trọng nấu ăn trong gia đình, dạy cho các thế hệ trẻ yêu thích việc nấu ăn, và quan trọng hơn cả là phải học những nghi thức khi ngồi ăn cùng với những nét tinh túy trong văn hóa ẩm thực.

Tác giả Chương Đặng: Nêm chút ân cần cho đời sống - Ảnh 2.

Tác giả Chương Đặng và cuốn sách Bầu cua tôm cá chơi chơi - Ăn và yêu - Ảnh: NVCC

Sống thành thật với cảm xúc của mình

* Trong cả hai cuốn sách, anh nhắc rằng việc nấu một bữa đơn giản là cách chăm sóc bản thân dễ dàng, hạnh phúc tự thân ai cũng có thể làm. Nhưng phụ nữ châu Á đa phần phải vào bếp vì nghĩa vụ làm vợ làm mẹ, lâu dần họ quên mất niềm vui nấu nướng...

- Phụ nữ bị quá quen với việc vào bếp thành ra mất đi sự chủ động dẫn dắt họ vào thú vui này. Chúng ta dễ tô vẽ về tình yêu của mẹ thông qua một món ăn mà quên mất có đôi khi đấy là nỗ lực duy trì gánh nặng chăm sóc bữa cơm cho gia đình bất chấp ốm đau, cảm xúc của một người đàn bà.

Đàn ông nấu ăn ngon thì phải cần công thức, chứ đàn bà chỉ nêm vào một chút ân cần thì món gì cũng thành ngon. Nếu phụ nữ không thích nấu ăn, cũng chẳng sao cả. Tôi chỉ cảm thấy tiếc nếu họ từng rất say mê nấu ăn nhưng không may có chồng, con thiếu trân quý món ăn họ làm.

* Nếu cuốn Bầu cua tôm cá chơi chơi - ăn và yêu khó lòng phân định được độc giả tiềm năng anh hướng tới thì với Khi em chạm phải một nỗi buồn, dễ dàng nhận thấy anh viết cho người trẻ. Anh có bao giờ cảm thấy thất vọng với những người mãi không lớn chưa?

- Vâng, Khi em chạm phải một nỗi buồn đúng là có chút gửi gắm những thủ thỉ, tâm sự cùng người trẻ về cách sống trong đời, về cách đối nhân xử thế, thưởng thức nghệ thuật... để họ có thể tìm đến gần với cái đẹp nhất. Tôi thích gần gũi với người trẻ nhưng biết mỗi người có thời điểm và tốc độ làm việc của mình nên cho dù có thi thoảng trách cứ nghiêm nghị vẫn luôn rất kiên nhẫn và không bỏ mặc.

Tôi chỉ buồn vì việc không như ý muốn riêng của mình, chứ từ lâu tôi không còn cảm giác thất vọng về việc gì, kể cả về chính mình. Tôi cũng không quá nuối tiếc việc gì hay quá đau buồn khi đứng trước những mất mát. Việc quá mong mỏi người khác trở nên tốt đẹp theo ý mình cũng có đôi phần vị kỷ.

Tôi thấy những người thông thái thường biết mình có thể ngờ nghệch, hồn nhiên chứ không phải lúc nào cũng khăng khăng mình chẳng phạm sai lầm. Sống thành thật với cảm xúc của mình có vẻ ổn hơn cả.

Tác giả Chương Đặng: Nêm chút ân cần cho đời sống - Ảnh 3.

Tác giả Chương Đặng - Ảnh: Phan Quang

Tập sách Bầu cua tôm cá chơi chơi - ăn và yêu kể chuyện người nêm - người nếm thức ăn trong căn nhà nhỏ, ở băng ghế công viên, nơi bệnh viện... dù nơi nào vẫn ngập tràn tình cảm trìu mến, ngọt ngào; còn tập tản văn Khi em chạm phải một nỗi buồn dẫn người đọc vào thuyết “cộng thêm 30 giây vào mọi thứ” để biết yêu chú tâm, chậm rãi sống vui, trọn tình. Với những câu chữ nhẹ nhàng, tinh tế, Chương Đặng từ tốn rủ rê người đọc ngồi xuống nhìn ngắm vẻ đẹp của cuộc sống này.

Muôn kiếp nhân sinh: Cái nhìn mới về thế giới, luân hồi và nhân quả Muôn kiếp nhân sinh: Cái nhìn mới về thế giới, luân hồi và nhân quả

TTO - Muôn kiếp nhân sinh kể câu chuyện có thật, đầy huyền bí của một triệu phú đang sống tại New York, làm chủ một tập đoàn tài chính lớn, gọi là Thomas (tên đã được thay đổi để đảm bảo sự riêng tư).


ÁNH VĂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp