Giáo sư Erik Franckx cho rằng Trung Quốc đang hành xử theo kiểu nước lớn bắt nạt nước nhỏ trong khu vực - Ảnh: Thanh Tùng |
Hội thảo quốc tế “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực” do ĐH Luật TP.HCM và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức tại TP.HCM hôm nay (25-7).
Trong cuộc họp báo hôm qua, giáo sư - tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM, thông báo từ năm 2014 Trung Quốc đã ồ ạt bồi đắp, xây dựng bất hợp pháp trên bảy bãi đá Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Tư Nghĩa, Xu Bi, Gaven và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Giáo sư Mai Hồng Quỳ khẳng định hành vi của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), vi phạm các cam kết chính trị giữa Việt Nam và ASEAN với Trung Quốc, bao gồm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Đây là hành vi đe dọa hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải và hàng không, môi trường biển...
Do đó, hội thảo sẽ tạo ra diễn đàn để các chuyên gia quốc tế thảo luận về vấn đề pháp lý của những công trình nhân tạo trên Biển Đông, cũng như tác động tiêu cực của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép.
Giáo sư Mai Hồng Quỳ cho biết tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ tập trung thảo luận để làm rõ một cách cụ thể những ảnh hưởng nghiêm trọng của các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng đối với môi trường Biển Đông, đối với các hoạt động kinh tế - thương mại trong khu vực, đặc biệt là nghề cá, và đối với tự do hàng hải, hàng không tại Đông Nam Á.
“Đây là những vấn đề có ý nghĩa chính trị, pháp lý và thời sự rất nóng, đặc biệt quan trọng đối với khu vực và thế giới” - giáo sư Mai Hồng Quỳ nhấn mạnh.
Trên thực tế, trước đó chính quyền Philippines từng nhiều lần tố cáo các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép đã đe dọa tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Thời gian qua, khi máy bay Mỹ và Philippines bay tuần thám phía trên các đảo nhân tạo, hải quân Trung Quốc phát tín hiệu xua đuổi, tuyên bố đây là “vùng báo động quân sự” của nước này.
Trung Quốc cũng đang thể hiện rõ ý đồ quân sự hóa các đảo nhân tạo này khi xây dựng các cơ sở quân sự tại đây, thậm chí từng triển khai pháo tự hành tới một đảo nhân tạo.
Giáo sư - tiến sĩ Lê Minh Tâm, tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, cho biết hội thảo thu hút hơn 20 chuyên gia, học giả về luật quốc tế, luật biển đến từ Nga, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Philippines, Việt Nam, Bỉ... Chưa kể còn có giáo sư - tiến sĩ Erik Franckx, trọng tài viên Tòa án trọng tài thường trực The Hague (Hà Lan), trưởng khoa luật quốc tế và luật châu Âu ĐH Vrije Universiteit Brussels (Bỉ); phó đô đốc Anup Singh, nguyên tổng tư lệnh lực lượng hải quân miền đông Ấn Độ; giáo sư Yamagata Hideo, ĐH Nagoya (Nhật)...
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, giáo sư Erik Franckx nhận định hội thảo Biển Đông là hoạt động hết sức cần thiết, bởi phần lớn các nước khu vực đều thừa nhận cần phải xác định một khung pháp lý phù hợp để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Các nước cần làm rõ những vấn đề pháp lý để giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ. Giáo sư Erik Franckx cũng cho rằng các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông là biểu hiện rõ ràng của hiện tượng một quốc gia lớn trong khu vực bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn.
Vấn đề là Trung Quốc đã tham gia UNCLOS và lẽ ra phải tôn trọng các quy định của Luật biển quốc tế.
Trung Quốc chỉ trích Mỹ “gây ảnh hưởng” tới vụ kiện của Philippines Theo Reuters, tại hội thảo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington mới đây, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho rằng cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên UNCLOS, do đó phải tuân thủ phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đòi chủ quyền vô lý trên Biển Đông. Phản ứng lại, hôm qua Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Washington “đang tìm cách gây ảnh hưởng” với vụ kiện. “Mỹ hành động giống như một trọng tài bên ngoài tòa án, chỉ đạo phương hướng của tòa án theo yêu cầu của Philippines” - Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng. |
Tranh chấp Biển Đông từ góc độ nghiên cứu khoa học Đó là tên gọi của tọa đàm khoa học do Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) thuộc ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG TP.HCM tổ chức sáng nay 25-7. Buổi tọa đàm có diễn giả chính là PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng - viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, phó giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam. Theo ban tổ chức, tranh chấp Biển Đông giữa các bên trong khu vực đang ngày càng trở nên căng thẳng. Các giải pháp cho tranh chấp hiện chưa khả thi. Xét từ góc độ nghiên cứu, Biển Đông là một tình huống điển hình về tính đa ngành của lĩnh vực quan hệ quốc tế đương đại, bao gồm cả chính trị quốc tế và chính trị trong nước, quan hệ nước lớn và quan hệ nước lớn - nước nhỏ, song phương và đa phương... Tính đa ngành này còn được phản ánh trong các khía cạnh chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao và nhất là pháp luật liên quan đến xử lý tình huống Biển Đông trong chính sách của các bên liên quan. rong bối cảnh đó, một chương trình nghiên cứu Biển Đông chỉ có giá trị nếu có tính tổng thể, lồng ghép các lĩnh vực học thuật, kèm theo đó là các phương pháp đặc thù của từng lĩnh vực, đồng thời cân nhắc các khía cạnh khác nhau trong những phản ứng chính sách của các nước liên quan. Những vấn đề trên sẽ được đề cập trong buổi tọa đàm tổ chức từ 8g30 sáng 25-7 tại phòng D202 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (10-12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận