Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) - nơi dự kiến được nạo vét vũng quay tàu, cảng trước bến rồi đem khối lượng nạo vét nhận chìm lại xuống biển - Ảnh: ĐỨC TRONG |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận có nhiều ý kiến lo ngại ảnh hưởng tới môi trường sinh thái khu vực Hòn Cau sau khi bộ cấp giấy phép nhận chìm.
“Chúng ta đều phải hiểu khu bảo tồn Hòn Cau có một tài sản rất quý, đây là đối tượng ta phải bảo vệ. Tất cả công việc chúng tôi đang làm và làm thêm các bước hiện nay cũng vì mục tiêu cuối cùng là bảo vệ tính đa dạng sinh thái” - ông Hà nói.
Đây là dự án đầu tiên
* Nhiều ý kiến cho rằng giấy phép của bộ cấp về nhận chìm nêu rõ có hiệu lực tức thì, nhưng bộ trưởng có nói vẫn chưa giao biển, điều này có đúng theo luật định?
- Giấy phép là điều kiện ban đầu để chủ đầu tư đi khảo sát môi trường thực hiện và kết hợp một vài công việc chuẩn bị.
Những công việc chuẩn bị đó là những nội dung phải kiểm soát thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý, để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, sẵn sàng về công nghệ thi công nếu được giao biển. Đó cũng là những điều kiện, thủ tục để có thể thực hiện bước tiếp theo về giao khu vực biển.
Ở đây luôn có hai điều kiện, thứ nhất là giấy phép nhận chìm, thứ hai là phải được giao khu vực biển thì mới được nhận chìm.
Tuy nhiên, với bước thứ hai về giao biển nhận chìm, hiện nay Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN - cơ quan được giao đánh giá toàn diện tác động môi trường của dự án nhận chìm một cách độc lập - đã vào để đánh giá lại toàn diện, vì vậy việc giao biển phải đợi sau khi có kết quả của Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN.
* Cũng có những ý kiến nêu bộ thực hiện theo quy trình ngược, tức là sau khi cấp giấy phép nhận chìm mới giao Viện Hải dương học Nha Trang khảo sát môi trường nền?
- Để thực hiện những đánh giá trong báo cáo, chủ đầu tư đã thuê nhiều đơn vị tư vấn cùng làm như Viện Tài nguyên - môi trường Hải Phòng, viện nghiên cứu của Úc.
Các đơn vị tư vấn này cũng có đầy đủ các đánh giá và khảo sát dưới biển báo cáo chủ đầu tư và từ đơn vị tư vấn đến chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những đánh giá, khảo sát đó.
Còn trước khi cấp phép, đã có một hội đồng thẩm định những nội dung, số liệu, các tính toán từ báo cáo rồi mới cấp giấy phép.
Tuy nhiên, đến bước trước khi giao khu vực biển cho thực hiện nhận chìm, bộ đã thận trọng hơn nên mới giao Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện khảo sát, kiểm chứng lại các nội dung, số liệu đã được báo cáo.
Việc giao Viện Hải dương học Nha Trang khảo sát lại, kiểm chứng lại cũng là cá biệt, nhưng vẫn đúng theo quy định của pháp luật.
Còn quy định hiện nay đã rõ, tất cả các tổ chức tham gia đều gắn trách nhiệm với pháp luật.
Từ cơ quan tư vấn, chủ đầu tư, hội đồng thẩm định đến cơ quan quản lý đều có gắn trách nhiệm rất cụ thể trước pháp luật về những quyết định của mình.
Tuy nhiên, từ thực tế đây là dự án đầu tiên và cũng từ những bài học đã nhìn thấy khiếm khuyết trong đánh giá tác động môi trường, vì vậy bộ mới giao Viện Hải dương học Nha Trang kiểm chứng lại để đảm bảo cơ sở chắc chắn ngay từ quá trình xem xét giao biển.
Không có nội dung, số liệu ngụy tạo
* Bộ trưởng chắc cũng biết việc một số nhà khoa học lên tiếng vì bị mạo danh trong thực hiện lập hồ sơ dự án nhận chìm. Chuyện này cũng dấy lên lo lắng về việc bộ thẩm định hồ sơ có dấu hiệu ngụy tạo nội dung, số liệu?
- Về pháp lý là đơn vị chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ Tài nguyên - môi trường về hồ sơ trình lên.
Còn cơ quan tư vấn chịu hoàn toàn trách nhiệm trước chủ đầu tư. Vừa qua, đúng là có chuyện nêu ra về việc đơn vị tư vấn mạo danh một số nhà khoa học, dẫn tới có ý kiến băn khoăn về nội dung đã thẩm định.
Cho đến nay, chúng tôi đã kiểm chứng lại các nội dung, số liệu báo cáo trong hồ sơ của chủ đầu tư trình lên và số liệu của Viện Hải dương học Nha Trang, qua đó có thể khẳng định số liệu đó trong hồ sơ trình đúng thực tế, không có nội dung, số liệu ngụy tạo như mọi ý kiến lo lắng.
Những số liệu nội dung trong hồ sơ cũng do đơn vị tư vấn khác làm, không phải đơn vị đã đưa tên các nhà khoa học vào danh sách ban đầu, vì chủ đầu tư có nhiều người tư vấn làm việc này và chủ đầu tư sẽ duyệt những số liệu đó.
* Vậy việc giao biển chỉ được xem xét sau khi có kết quả đánh giá độc lập, thưa ông?
- Đương nhiên là phải sau, và phải chờ vì dư luận hiện nay còn nhiều ý kiến. Vì vậy, cũng bằng cơ sở khoa học sẽ đánh giá xác minh lại toàn bộ dù trong giai đoạn cấp phép cả hội đồng và các nhà khoa học đã đánh giá dựa trên các hồ sơ.
Bây giờ dự án triển khai thì đã xác định được nhận chìm ở đâu, công nghệ nhận chìm là gì, vì vậy khi giai đoạn dự án triển khai thì nhiều vấn đề rõ hơn, nên đã có cả những yêu cầu làm lại với một số nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN sẽ có đánh giá toàn diện, trong đó phải có đánh giá cả về mô hình thực hiện.
Nếu mô hình đánh giá qua mô phỏng cho thấy khi nhận chìm có ảnh hưởng tác động đến san hô ở khu vực nào đó thì sẽ dừng. Quyết định dừng khi đó là hợp lý vì chủ đầu tư đã đưa ra một mô hình không đáp ứng yêu cầu, dự báo sai, lúc này dừng là đúng luật.
Chúng tôi hết sức trân trọng trước các kiến nghị và ghi nhận nhiều kiến nghị đã được tiếp thu... Nhưng tiếp thu và xử lý như thế nào thì cơ quan quản lý phải chọn lọc và vẫn phải đáp ứng yêu cầu về quản lý đó là làm đúng luật, đảm bảo cơ sở khoa học, chưa đủ cơ sở khoa học thì chưa đưa ra quyết định. |
* Việc nhận chìm ở Vĩnh Tân chỉ là một dự án, và cũng đã có dự án khác xin nhận chìm. Xin hỏi bộ trưởng, khi Thủ tướng đã khẳng định không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, bộ sẽ thể hiện quan điểm, cách làm ra sao khi xem xét các dự án xin nhận chìm tiếp? - Từ những vụ như Formosa, vừa qua chúng tôi cũng đã tổng kết từ thực tế các dự án, cách thức quản lý, những tồn tại từ góc độ về quy định pháp luật, quy định về chế độ trách nhiệm của các bên trước pháp luật thì đúng là còn nhiều chỗ chưa rõ ràng. Vì vậy đã có những kiến nghị thời gian tới sẽ phải sửa các luật liên quan và cũng đã đưa vào chương trình sửa đổi luật năm 2018. Trong giai đoạn chưa sửa luật, chúng tôi vẫn phải áp dụng cơ chế quản lý giám sát đặc biệt với một số trường hợp. Còn theo quy định của pháp luật VN và các công ước quốc tế hiện nay, trong đó có cả công ước về nhận chìm, chúng ta phải coi tất cả vật chất mà chúng ta nạo vét từ biển không phải là chất thải. Và ở nơi đâu có điều kiện để tái sử dụng như để phòng chống sạt lở bờ biển, lấn biển là điều kiện tốt nhất. Còn trên thế giới vẫn có nhận chìm và khi chúng ta xem xét cho nhận chìm thì cần phải làm bài bản, có điều tra đánh giá. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận