18/03/2018 11:33 GMT+7

Tác chiến không gian mạng: Binh chủng thứ tư của quân đội Pháp

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Ngày 8-1, Bộ Quốc phòng Việt Nam thông báo thành lập bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng. Ở các nước, đơn vị này hoạt động như thế nào?

Tác chiến không gian mạng: Binh chủng thứ tư của quân đội Pháp - Ảnh 1.

Huy hiệu của ComCyber Pháp - Ảnh: AFP

Hai tuần cuối tháng 3-2017, lần đầu tiên bộ tư lệnh tác chiến phòng vệ không gian mạng mới thành lập của Pháp chỉ huy cuộc diễn tập DEFNET 2017. 

Diễn tập diễn ra tại hàng chục căn cứ không quân, hải quân và 12 trường đại học. 155 chuyên viên tin học quân sự thuộc ba binh chủng hải, lục, không quân, 240 sinh viên và các đối tác công nghiệp cùng tham gia xử lý 40 tình huống tấn công hệ thống thông tin quân sự trên quy mô lớn dưới nhiều hình thức. 

Đây là lần thứ tư quân đội Pháp tổ chức diễn tập tấn công mạng trong bốn năm qua.

“Trong một lĩnh vực thường xuyên phát triển như kỹ thuật số, tính năng động là ưu tiên hàng đầu bởi lẽ chúng ta cần phải nhanh hơn các đối thủ và kẻ thù của chúng ta

Tướng OLIVIER BONNET de Pailleret - tư lệnh ComCyber Pháp

Công dân dự bị phòng vệ không gian mạng

Bộ Quốc phòng Pháp đã xác định tác chiến không gian mạng là chiến trường mới, vì thế ngày 12-12-2016, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian (giữ chức ngoại trưởng từ giữa tháng 5-2017) đã thông báo thành lập đội quân phòng vệ không gian mạng. 

Đây là đội quân thứ tư hoạt động phối hợp với ba binh chủng hải, lục, không quân.

Đội quân phòng vệ không gian mạng sẽ bắt đầu hoạt động toàn diện từ năm 2019 với quân số gồm 2.600 binh sĩ, 600 chuyên viên từ Tổng cục Trang bị và 4.440 công dân dự bị.

Lực lượng công dân dự bị phòng vệ không gian mạng (RCD) ra đời vào tháng 5-2016 gồm các thanh niên trẻ có chuyên môn tình nguyện hỗ trợ nhà nước và quân đội trong trường hợp xảy ra khủng hoảng mạng nghiêm trọng. 

RCD thuộc biên chế của Trung tâm Dự bị và chuẩn bị tác chiến phòng vệ không gian mạng. Đến năm 2019, RCD sẽ gồm 40 vị trí làm việc thường xuyên, 400 vị trí phụ trách tác chiến và 4.000 cộng tác viên trên cả nước.

Song song với việc thành lập đội quân phòng vệ mạng, lần đầu tiên Bộ trưởng Jean-Yves Le Drian đã công bố học thuyết mới về phòng vệ mạng. Học thuyết mới gồm ba trụ cột: tình báo, bảo vệ/phòng thủ và trả đũa.

Căn cứ học thuyết mới, đội quân phòng vệ mạng của Pháp có ba nhiệm vụ chính. 

Nhiệm vụ đầu tiên là tình báo và điều tra nhằm nhận diện các điểm yếu trong hệ thống mạng của Pháp và hành động thù địch trên không gian mạng, sau đó xác định động cơ và chuẩn bị phương án phản công. 

Nhiệm vụ thứ hai là bảo vệ và phòng thủ, nghĩa là sử dụng mọi biện pháp nhằm giảm thiểu các mối đe dọa. 

Nhiệm vụ thứ ba là trả đũa và vô hiệu hóa kẻ thù bằng cách xâm nhập vào các hệ thống kẻ thù để gây thiệt hại, ngăn chặn hoặc vô hiệu hóa hành động thù địch.

Tác chiến không gian mạng: Binh chủng thứ tư của quân đội Pháp - Ảnh 3.

Triển khai cuộc diễn tập DEFNET 2017 tháng 3-2017 - Ảnh: Twitter

Vì sao thành lập ComCyber?

Chỉ huy đội quân phòng vệ mạng là bộ tư lệnh tác chiến phòng vệ không gian mạng (ComCyber). Trước đây, Tổng cục An ninh đối ngoại Pháp (DGSE) xử lý các vụ tấn công mạng, còn nay ComCyber sẽ đảm trách nhiệm vụ này. 

ComCyber chính thức ra đời vào tháng 5-2017, nhận chỉ đạo trực tiếp từ tổng tham mưu trưởng, có bộ tham mưu riêng, chỉ tập trung xử lý các hoạt động can thiệp mạng nhằm bảo đảm hoạt động quân sự.

ComCyber sẽ giữ vai trò chỉ huy và điều phối các đơn vị tác chiến mạng ở các binh chủng như trung tâm thông tin điện tử của Tổng cục Trang bị, bộ chỉ huy các hệ thống thông tin liên lạc của bộ binh (COMSIC), Học viện Truyền tin, Trung tâm Phân tích đấu tranh tin học phòng vệ, đại đội 785 chiến tranh điện tử, đại đội 807 truyền tin, các học viện quân sự liên quan.

Ngoài ra, ComCyber còn phối hợp với 13 nhà công nghiệp quốc phòng, điện tử, an ninh, viễn thông như Airbus DS, Thales, Safran, Orange, Alcatel-Nokia. 

Như vậy ComCyber cùng hoạt động song song với các cơ quan chuyên ngành khác như Cơ quan An ninh hệ thống thông tin quốc gia (ANSSI) thuộc chỉ đạo của thủ tướng hay Tổng cục Trang bị của Bộ Quốc phòng.

Để giải thích lý do thành lập ComCyber, Bộ trưởng Jean-Yves Le Drian nhắc đến siêu mã độc Stuxnet tấn công các lò phản ứng hạt nhân Iran từ năm 2010 (Mỹ và Israel bị nghi là thủ phạm) và giải thích: "Các mối đe dọa trong không gian mạng xuất phát từ nhiều tác nhân chưa từng có (bọn tội phạm trên mạng, tin tặc, nhà nước, các nhóm khủng bố…)". 

Ông lưu ý các mối đe dọa này sử dụng phương tiện tối thiểu cũng có thể đạt được hiệu quả đáng kể như tấn công hệ thống bầu cử điện tử sẽ tác động đến đời sống dân chủ của một quốc gia, đặc biệt là các nhóm khủng bố sử dụng Internet để tấn công, tuyên truyền và tuyển quân.

Tác chiến không gian mạng: Binh chủng thứ tư của quân đội Pháp - Ảnh 4.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen thăm lực lượng tác chiến mạng - Ảnh: DPA

Đức lập binh chủng riêng

Nhiều nước châu Âu cũng đã thành lập bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng. Tại Đức, ngày 5-3-2017, Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen đã thông báo thành lập bộ tư lệnh không gian mạng và thông tin (KdoCIR). 

Dự kiến KdoCIR sẽ hoạt động toàn diện từ năm 2021 với quân số gần tương đương hải quân gồm 13.500 chuyên viên tin học quân sự, dân sự.

Binh chủng mạng của Đức phụ trách bảo vệ cơ sở hạ tầng và hệ thống vũ trang quân đội. Nếu muốn triển khai tấn công cơ sở hạ tầng kẻ thù ở nước ngoài, kế hoạch phải được Hạ viện phê chuẩn như hoạt động quân sự thông thường.

Sớm hơn Đức, quân đội Anh đã thành lập bộ tư lệnh liên quân từ tháng 4-2012 làm nhiệm vụ phát triển khả năng phòng thủ mạng. 

Đến tháng 10-2013, Bộ trưởng Quốc phòng Philip Hammond thông báo thành lập lực lượng dự bị không gian mạng như ở Pháp và Đức. Lực lượng này gồm các công dân tình nguyện cam kết phục vụ tối thiểu 19 ngày một năm.

Tại Bỉ, đến cuối năm 2017 Bộ Quốc phòng mới xây dựng lực lượng gồm 200 chuyên viên tin học làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu quân sự. Lực lượng này làm việc tại Trung tâm Tác chiến an ninh mạng (CSOC) với quân số không được tiết lộ.

Tăng gấp ba ngân sách đầu tư

Luật về ngân sách quốc phòng Pháp đã quy định tăng gấp ba ngân sách đầu tư cho tác chiến không gian mạng lên gần 1 tỉ euro trong giai đoạn 2014-2019, trong đó có 440 triệu euro dùng để phát triển và tăng cường năng lực phòng vệ mạng.

Năm 2017, 30 triệu euro đã được chi để bảo vệ hệ thống mạng đối với trực thăng tấn công Tiger và xe bọc thép thuộc dự án Scorpion của bộ binh.

_____________

Kỳ tới: Chiến lược không gian mạng của Mỹ

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp