Phóng to |
Đó là ảnh chụp hai anh em Tạ Tôn - Tạ Thùy Chi tại sân bay Tân Sơn Nhất năm 1998.
Đấy là lúc nghệ sĩ violon Tạ Tôn cùng bố - GS. NSND Tạ Bôn - tiễn em gái mới 12 tuổi sang Quảng Đông học múa. Cô bé Thùy Chi trong ảnh ngày ấy nhỏ xíu, tay ôm theo con gấu bông trắng cười thật tươi.
Thùy Chi kể chụp hình thì cười tươi thế nhưng đến lúc bố nói “Thôi, đi rồi!” là cô òa khóc. Vào phòng cách ly lại khóc nhiều hơn, nước mắt tuôn trào không sao cầm được. Cái ngày ra đi ấy Chi vẫn cứ tủi thân và tự hỏi sao mẹ không ra sân bay tiễn mình. Cô chưa kịp hiểu mẹ sợ không thể cầm lòng, rơi lệ làm con gái mất “nhuệ khí”.
Những ngày đầu gian nan lắm! Không rành tiếng, không mua được thức ăn, không nói chuyện được với thầy cô, bạn bè. Mọi người hỏi, Chi trả lời bằng tiếng Anh, tiếng Việt và cả bằng “ngôn ngữ tay chân”. Ngoài học múa, Thùy Chi cũng phải học văn hóa như những người bạn Trung Quốc (TQ) khác. Tiếng TQ đã khó, lại còn phải học cả cổ văn.
Lắm lúc ngủ gục trong lớp bởi không hiểu thầy cô giảng gì. Vậy mà chỉ hơn một năm sau, Thùy Chi đã là học sinh ba tốt của trường: học tốt, đạo đức tốt, rèn luyện tốt. Sau hai năm kiên trì học tập, rèn luyện, Thùy Chi cùng Linh Nga luôn là hai trong ba học sinh giỏi nhất lớp.
Phóng to |
Kể về chiến thắng tại Cúp Đào Lý, Thùy Chi xúc động: “Đó là hè năm 2003. Cuộc thi là đích nhắm để Chi và Linh Nga nỗ lực hết mình suốt bao năm học tập xa nhà. Vui hơn khi biết bố mẹ sẽ sang TQ xem tụi Chi thi”. Vậy mà thời tiết giá lạnh, yếu sức do ngày đêm luyện tập, Thùy Chi bỗng nổi trái rạ khắp người khi ngày so tài chỉ còn 20 hôm.
Bác sĩ, thầy cô khuyên nên nghỉ một tháng và đừng thi nữa. Nhưng nghỉ được ba hôm, Thùy Chi lại cắn răng đến sàn tập. Tập luyện khiến trái rạ vỡ nước, đau nhức vô cùng. Mẹ Thùy Chi xót xa: “Đó là phần thưởng cháu dành tặng bố mẹ. Nhìn những dấu sẹo do trái rạ để lại trên cơ thể cháu bây giờ mà thương”.
Với tiết mục Độc tự, Thùy Chi đã đoạt huy chương đồng ở hạng mục múa cổ điển TQ tại giải Hoa sen 2005. Các chuyên gia vũ đạo TQ nhận xét: “Những động tác múa mỹ miều của diễn viên đã đưa người xem vào thế giới vũ đạo say mê. Diễn viên với sự phối hợp chặt chẽ tay, mắt, thân pháp, bước nhảy đã đặc tả được những đặc tính của nghệ thuật truyền thống múa cổ điển TQ, đã thể hiện được thế giới nội tâm phong phú mà tác phẩm muốn truyền đạt”. |
Từ những thành tích “lẫy lừng” ấy, Thùy Chi được Công ty Trung Hoa Cẩm Tú - một công ty tổ chức biểu diễn rất nổi tiếng tại Thâm Quyến - mời về cộng tác khi vừa tốt nghiệp loại xuất sắc.
Chi tâm sự: “Trung Hoa Cẩm Tú là Trung Hoa thu nhỏ, là nơi mà Chi có thể học tập, trau dồi tất cả các điệu múa của 56 dân tộc”. Mỗi ngày hai suất diễn, chưa kể những dịp đặc biệt trong năm, Thùy Chi hi vọng mình sẽ dành dụm đủ tiền để học tiếp năm năm đại học chuyên ngành biên đạo ở Bắc Kinh (chi phí mỗi năm học gần 10.000 USD).
Theo qui định, một diễn viên tốt nghiệp trung cấp múa, muốn học biên đạo hệ đại học phải có ít nhất 2-3 năm làm việc tại các đoàn chuyên nghiệp để có thêm kinh nghiệm sân khấu, vốn sống. Hai năm làm việc tại Trung Hoa Cẩm Tú sẽ giúp Thùy Chi hội đủ mọi điều kiện để lên đại học.
Nói về ước mơ và dự định trong tương lai, Thùy Chi nhỏ nhẹ nhưng đầy quyết tâm: “Chi đã hứa với Linh Nga sẽ tái ngộ ở Đại học Múa Bắc Kinh. Nga đang học ngành diễn viên ở đó. Tụi Chi sẽ lại như bóng với hình, sẽ học tập thật xuất sắc. Còn ước mơ xa hơn? Mong sao ngày càng có nhiều sinh viên VN có điều kiện tiếp xúc với giáo trình múa nước ngoài, đặc biệt là TQ, để cùng Chi và Nga xây dựng nghệ thuật múa tại VN”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận