Nhạc sĩ Phú Quang đệm đàn trong một đêm nhạc của ông tại TP.HCM - Ảnh: GIA TIẾN
Trong hình ảnh trước công chúng, cho đến tận khi qua đời, Phú Quang mãi là một người đàn ông không tuổi. Từ năm bốn mươi trở đi, ông luôn là một người đàn ông trung niên, một người tình Hà Nội của nhiều thế hệ nghe nhạc.
Lang thang hoài trên những ngõ thơ
Dù cùng ra đi ở tuổi 72 nhưng Phú Quang (1949 - 2021) khác với bậc đàn anh Văn Cao (1923 - 1995) là không bao giờ xuất hiện trước công chúng trong hình hài một người già. Ngược lại, tác giả của Thiên Thai và Tiến quân ca đã buộc phải và cả chủ động xếp hình ảnh tuổi trẻ của mình trong ngăn kéo ký ức.
Từ lúc những bài hát lãng mạn được vang lên trở lại, Văn Cao đã hằn trong tâm khảm đại chúng một dáng vẻ u sầu, tóc trắng, ánh mắt chiêm nghiệm. Hà Nội của Văn Cao là một Hà Nội cổ xưa, huyền hoặc, "sắc hương phai ngày xa".
Còn Hà Nội của Phú Quang là một Hà Nội của hẹn hò hồ Tây, xôn xao quán cà phê Lý Thường Kiệt, "con đường mùa đông, hàng cây lá đổ"… Ở đấy, Phú Quang luôn "ăn hình" trong bộ áo vest lịch lãm, mũ phớt dạ kiểu quý ông hay áo sơmi trẻ trung, mái tóc đen bận rộn, hàng ria mép rất "trai phố" và một giọng nói hấp dẫn.
Không thể nói hết ảnh hưởng của Phú Quang đến việc tạo dựng một ký ức tập thể về Hà Nội. Nhưng điều ngạc nhiên là dù tất cả các bài ca về Hà Nội của ông đều đậm đặc sự hoài niệm, chúng lại có tâm trạng của một đời sống đang tiếp diễn.
Có thể cắt nghĩa điều này là bởi Phú Quang thường lựa chọn những câu thơ biểu đạt trạng thái cảm xúc dị biệt, phần nhiều là thơ tự do, dù là của nhà thơ thế hệ tiền bối như Lê Đạt (Bóng chữ) hay hậu sinh như Vi Thùy Linh (Dòng sông không trở lại)… Nhưng Phú Quang đặc biệt thành công với thơ của các thi sĩ đồng trang lứa, làm nên những bài hát hay nhất của ông và cũng là của đề tài âm nhạc Hà Nội: Nỗi nhớ mùa đông (Thảo Phương), Im lặng đêm Hà Nội (Phạm Thị Ngọc Liên), Hà Nội và em khi thu chớm đông sang (Chu Hoạch), Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Chiều phủ Tây Hồ (Thái Thăng Long)…
Những bài thơ khi được hát lên không tụng ca một vẻ đẹp "phông màn" thường tình mà găm vào tâm trạng người nghe một nỗi niềm, một sự day dứt về cuộc kiếm tìm cái đẹp nhiều phần phù du như là thảng thốt tự hỏi - mà nhà thơ hỏi: "Dường như ai đi ngang cửa? Hay là ngọn gió mải chơi?", để rồi nhạc sĩ trả lời: "Gió mùa đông bắc se lòng, chút lá thu vàng đã rụng, chiều nay cũng bỏ ta đi"…
Phú Quang có sự đồng cảm với thi tứ của những nhà thơ truân chuyên, thậm chí bị số phận vùi dập; ông chắp cánh cho câu thơ bước ra ánh sáng, cho nhà thơ được hiện diện như một quyền lực sáng tạo thay vì trong bóng tối. Những lời thơ luôn ẩn chứa những câu hỏi và Phú Quang dường như say mê tìm cách trả lời chúng, và điều tuyệt vời là ông luôn trả lời rất hay bằng cách tạo ra một sự kết nối với bối cảnh Hà Nội.
Có thể nói gì về điều này? Thế hệ sinh ra và lớn lên vào cuối thập niên 1940 và đầu thập niên 1950 chứng kiến một sự biến đổi của Hà Nội. Họ là gạch nối của một Hà Nội kỷ nguyên hậu thuộc địa của "tháp cổ mặc trầm" với một Hà Nội thời chiến tranh "tiếng dương cầm trong căn nhà đổ" và tạo ra một Hà Nội hậu chiến tái sinh sự lãng mạn của "bây giờ mùa thu trời mây mong manh quá"… Sự trở về của những cảm xúc lãng mạn này giúp Hà Nội có được ánh hào quang riêng biệt, không còn vướng bận với mỹ cảm tiền chiến của âm nhạc Văn Cao, Đoàn Chuẩn hay thơ ca nối dài của các tác giả di cư sau 1954.
Nhạc sĩ Phú Quang - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Gã trai rồi cũng về lại phố xưa
Phú Quang thực sự sống với đô thị, là con người của những căn nhà thảnh thơi, những quán xá phong lưu, những hàng cây đổ lá, sương giăng mặt hồ và dĩ nhiên là những người đẹp thanh tú tạo nên sức quyến rũ của những bài ca. Phú Quang giúp cho Hà Nội được hiện diện qua các hành vi thường nhật, thay vì những biểu tượng sắt đá thời chiến và những nỗi niềm ly biệt.
Bắt đầu từ ca khúc để đời Em ơi Hà Nội phố phổ thơ Phan Vũ (1987), Phú Quang cho thấy một điều mặc nhiên: những trầm tích văn hóa ở mỗi nơi chốn phát lộ vẻ đẹp của chúng chẳng phải ở những gì cao siêu mà chính là thứ thật gần: mùi hương, màu lá, mái ngói in vết thời gian, tiếng dương cầm, mái tóc người con gái… Có những điều đã biến mất ở Hà Nội trên thực địa, nhưng điệp khúc "Ta còn em một màu xanh thời gian" bằng thơ và nhạc đã giữ lại.
Phú Quang tạo ra một hệ sinh thái âm nhạc của riêng ông và góp vào âm quyển Hà Nội một vùng nhạc đặc trưng. Có thể không tìm được ở đấy những đột phá mạnh bạo, thậm chí ngược lại là quá đỗi mượt mà, bình ổn, nhưng chắc chắn là tìm thấy một hình ảnh, một diễn ngôn về Hà Nội lãng mạn và yên lành. Ở phương diện tìm hiểu những giá trị văn hóa đô thị, Phú Quang là một ví dụ cho việc cần thiết tạo dựng những không gian đô thị hài hòa giữa vẻ đẹp của khối tích kiến trúc, của góc độ tạo hình với tiếng nói của những cộng đồng sáng tạo văn hóa.
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi, sau Phú Quang và thế hệ đã làm nên dư âm Hà Nội cuối thế kỷ trước như Trần Tiến, Nguyễn Cường, Dương Thụ, Phó Đức Phương… thì có phải đề tài Hà Nội rơi vào cảnh đúng như ca từ Phú Quang: "mênh mông quá khoảng trống này ai lấp" (Khúc mùa thu, thơ Hồng Thanh Quang)? Có lẽ đúng.
Hà Nội thế kỷ 21 khó đem lại một mỹ cảm kiểu Phú Quang đã vun đắp, nên sẽ là vô ích khi cố tái tạo. Nhưng các thế hệ mới sẽ tạo ra một mỹ cảm khác, đấy cũng là một cách tôn vinh vô cùng xứng đáng một "người tình của Hà Nội" - Phú Quang.
Khán giả luôn thường trực nỗi nhớ với âm nhạc Phú Quang
Ca sĩ Tùng Dương:
Đối với Tùng Dương, bất cứ ai là người Việt Nam đều yêu, biết âm nhạc của Phú Quang bởi trong đó gói ghém cái đời sống tình cảm rộng dài của người Việt. Đặc biệt, bằng âm nhạc, ông đã hoàn thiện bức tranh về một Hà Nội thâm trầm, linh thiêng mà bình dị mà ai cũng yêu thương khi nhớ về, chẳng cứ gì người Hà Nội.
Với biệt tài phổ nhạc cho thơ hay nhất của làng nhạc Việt Nam, những ca khúc của Phú Quang càng chạm sâu vào những ngóc ngách trái tim của người Việt - một dân tộc rất duy tình.
Là ca sĩ thường xuyên phải lưu diễn xa, mỗi lần xa Hà Nội thì Tùng Dương thấy hát nhạc của ông càng thấm. Đặc biệt những lần Tùng Dương hát cho kiều bào ở hải ngoại nghe, trên sân khấu ca sĩ thổn thức bao nhiêu thì dưới khán phòng người nghe cũng lặng đi bấy nhiêu vì xúc động. Đi diễn nước ngoài nhiều, Tùng Dương nhận thấy các đêm nhạc cho người xa xứ đều cần 1-2 bài của nhạc sĩ Phú Quang để níu kéo khán giả. Phú Quang là cái tên rất được cộng đồng người Việt ở nước ngoài yêu mến.
Gần đây, trong những show tương đối riêng tư, Tùng Dương đều được các đơn vị yêu cầu hát nhạc Phú Quang. Khán giả luôn thường trực nỗi nhớ với âm nhạc Phú Quang, thứ âm nhạc khiến người ta vừa cảm nhận được sự thân thương, bình yên vừa thấm thía nỗi day dứt, hoài niệm.
Dù rất ưa phá cách, trước âm nhạc của Phú Quang, Tùng Dương chỉ cố gắng hát đúng tinh thần của ông để hát cho ra được bức tranh thâm trầm, bình dị của Hà Nội.
Khán giả - nhà báo Phạm Tường Vân:
Vĩnh biệt nhạc sĩ Phú Quang, một người bạn đặc biệt của thi sĩ, người vô tình san phẳng thứ hạng thơ ca. Vì câu thơ nào rơi vào tay anh thì dù thô vụng, sến súa, lê thê đến mấy cũng thành óng ả, còn những câu thơ sang cả chợt trở nên gần gũi như chưa từng.
T.ĐIỂU ghi
Vĩnh biệt nhạc sĩ Phú Quang
Nhạc sĩ Phú Quang qua đời vào 8h45 ngày 8-12 tại Bệnh viện Việt Xô (Hà Nội), sau gần 2 năm trị bệnh.
Ông sinh ngày 13-10-1949, tại Phú Thọ, tên đầy đủ là Nguyễn Phú Quang. Nhạc sĩ nổi tiếng với hàng loạt ca khúc trữ tình, đặc biệt là về Hà Nội và mùa thu.
Ông được trao Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội năm 2020 khi đang nằm viện, nhưng không thể đến nhận giải vì lý do sức khỏe.
Nhạc sĩ Phú Quang mắc bệnh tiểu đường 30 năm nay. Những năm gần đây, sức khỏe của ông yếu hơn trước nhưng ông vẫn miệt mài làm việc, là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi thường xuyên tổ chức live show mà sô nào cũng cháy vé. Ông là người sắc sảo, có duyên, hài hước và rất thông minh nên mỗi lần ông làm live show đều có nhiều chuyện để chia sẻ với báo chí, khán giả.
THIÊN ĐIỂU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận