Phóng to |
Từ trái qua: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc - Liên đoàn Ả Rập Lakhbar Brahimi và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bước vào cuộc họp ở Geneva hôm qua - Ảnh: Reuters |
Hôm qua, hai ông Kerry và Lavrov đã hội đàm sang ngày thứ hai về tình hình Syria ở Geneva (Thụy Sĩ). Theo AFP, phát biểu trong cuộc họp báo chung với ông Lavrov sau hội đàm, ông Kerry cho biết hai ông sẽ gặp nhau lần nữa vào ngày 28-9 này tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ) để thảo luận khả năng đưa ra một ngày cụ thể về hội nghị hòa bình cho Syria.
Reuters cho biết đôi bên bày tỏ hi vọng tiến triển ở Gevena trong những ngày tới về một thỏa thuận giải trừ vũ khí hóa học sẽ giúp làm sống lại kế hoạch mở ra hội nghị hòa hình cho Syria. Ông Kerry cũng nói các cuộc đàm phán tiếp diễn về vũ khí hóa học là “có tính xây dựng”.
Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc kiêm đại diện của Liên đoàn Ả Rập, ông Lakhbar Brahimi, có mặt tại Geneva cũng phát biểu rằng việc dỡ bỏ kho vũ khí hóa học ở Syria sẽ tạo nên một yếu tố quan trọng trong nỗ lực tổ chức một hội nghị hòa bình mới sau lần thất bại hồi năm ngoái.
Gia nhập hiệp ước cấm vũ khí hóa học
AFP cho hay Damascus hôm 12-9 đã nộp đơn lên Liên Hiệp Quốc xin gia nhập hiệp ước cấm vũ khí hóa học toàn cầu. Ông Ban Ki Moon ngay lập tức đã bày tỏ rằng diễn biến mới nhất này sẽ khích lệ một “thỏa thuận nhanh chóng” trong cuộc hội đàm ở Gevena giữa ngoại trưởng Mỹ và ngoại trưởng Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thì nói cộng đồng thế giới nên hoan nghênh quyết định mới này của Syria. Trung Quốc và Iran cũng lập tức bày tỏ quan điểm ủng hộ quyết định của chính quyền Assad về việc muốn tham gia hiệp ước.
Tuy nhiên, phía Liên Hiệp Quốc cho biết chưa thể xác nhận ngay lập tức liệu đơn của Syria đã được chấp nhận hay chưa. Người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Farhan Haq giải thích: “Đơn của Syria hiện đang được xem xét và cho đến khi việc này hoàn thành, chúng tôi chưa thể nói gì về tình trạng của nó”. Ông Haq khẳng định việc xem xét có thể mất vài ngày.
Một số nhà ngoại giao giấu tên thì nói đơn của Syria có thể sẽ có một số điểm thiếu sót và sẽ bị trả về cho Damascus. Tuy nhiên phía Syria cho rằng giờ đây họ đã tự coi mình là một thành viên đầy đủ của hiệp ước trên.
Theo AFP, Syria là một trong bảy nước thành viên Liên Hiệp Quốc từ chối tham gia hiệp ước năm 1993 về cấm sản xuất và tàng trữ vũ khí hóa học. Và nếu Syria trở thành thành viên của hiệp ước nói trên thì sau 30 ngày, nước này sẽ phải công khai toàn bộ số vũ khí hóa học.
Tẩu tán?
Tổng thống Syria Bashar al-Assad hôm 12-9 lần đầu tiên đã xác nhận nước này sẽ từ bỏ vũ khí hóa học nhưng yêu cầu Mỹ phải chấm dứt việc đe dọa tấn công quân sự trước đã. Nói trên một kênh truyền hình Nga, ông Assad khẳng định: “Một khi chúng tôi nhận thấy nước Mỹ thật sự mong muốn ổn định trong khu vực, ngưng dọa nạt và tìm cách xâm lược cũng như chấm dứt cung cấp vũ khí cho những kẻ khủng bố, khi đó chúng tôi tin rằng có thể sẽ tiến hành các quá trình cần thiết”.
Tuy nhiên, Washington cảnh báo rằng lời nói không thì chưa đủ. Ngoại trưởng Kerry yêu cầu bất cứ thỏa thuận nào về việc đưa các kho vũ khí hóa học của Syria đặt dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế đều phải đáng tin cậy và được thực hiện đúng lúc.
Hôm 12-9, ông Assad cũng tuyên bố quyết định đưa kho vũ khí của Syria đặt dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế là vì Nga chứ không phải vì những lời đe dọa tấn công của Mỹ.
Tuy nhiên, vài giờ trước khi diễn ra cuộc gặp giữa ông Kerry và ông Lavrov, tờ Wall Street Journal của Mỹ đưa tin một đơn vị bí mật của quân đội Syria đang tẩu tán kho vũ khí hóa học của mình ra khoảng 50 địa điểm trên khắp đất nước. Việc tẩu tán này được cho rằng đã có từ vài tháng nay và lần gần đây nhất là tuần trước.
Các quan chức Mỹ và Trung Đông được báo Wall Street Journal dẫn lời bình luận rằng hành động trên là nhằm làm Mỹ khó khăn hơn trong việc theo dõi các kho vũ khí này và làm phức tạp hóa khả năng Mỹ tấn công Syria.
Các nhà quan sát nhận định thông tin này sẽ làm dấy lên câu hỏi liệu kế hoạch của Nga có sống sót được không và liệu Syria có thành khẩn trong việc chuyển quyền kiểm soát vũ khí hóa học?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận