18/10/2015 19:04 GMT+7

Suy nghĩ từ Hội chợ sách Frankfurt 2015

Bài, ảnh: NGUYỄN TUẤN QUỲNH
Bài, ảnh: NGUYỄN TUẤN QUỲNH

TTO - Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ sách Frankfurt 2015 (Đức) trưng bày một số cuốn sách nhưng đa số đều bằng tiếng Việt, khá "lép vế" so với các nước khác.

Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ sách Frankfurt 2015

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, tổng giám đốc Công ty CP sách Alpha - Alpha Books, đang tham dự Hội chợ sách Frankfurt 2015 (diễn ra từ ngày 14 đến 18-10-2015), gửi về cho Tuổi Trẻ bài viết dưới đây khi tham dự Hội chợ sách Frankfurt lần đầu tiên:

Khác với suy nghĩ ban đầu của tôi, đối tượng chính của hội chợ sách là dành cho những công ty sách mua bán bản quyền chứ không phải dành cho bạn đọc đến mua sách. Cho nên ba ngày đầu tiên chỉ dành cho các công ty sách và không cho phép người dân vào tham quan.

Chỉ hai ngày cuối cùng mới mở cửa rộng rãi nhưng việc bán sách cũng sẽ không quá nhộn nhịp vì đa số các nhà xuất bản chỉ mang đến hội chợ một ít sách mẫu. Vì vậy, tôi gọi Hội chợ sách Frankfurt là chợ bản quyền sách.

Cho nên tại hội sách, bàn ghế để ngồi trao đổi và catalog, poster về sách nhiều hơn sách thật. Cũng như có những tầng lầu mênh mông tại hội sách chỉ có từng dãy bàn ghế nhưng không có cuốn sách nào. Người mua và người bán bản quyền miệt mài thương lượng, tìm hiểu và trả giá.

Tại hội chợ sách, có gian hàng của các quốc gia cùng với gian hàng của các nhà xuất bản độc lập. Năm nay khách mời danh dự của hội chợ là Indonesia nên sự xuất hiện của ngành xuất bản Indonesia rất rầm rộ và đậm nét.

Hội chợ sách Frankfurt kéo dài trong 5 ngày nhưng thu hút trên 7.100 đơn vị của 106 quốc gia tham gia với 3.000 sự kiện trong khuôn khổ hội sách. 

Năm 2014, Indonesia chi khoảng 1 triệu USD để dịch các tác phẩm xuất sắc từ tiếng Indonesia ra tiếng Anh để kịp góp mặt tại hội chợ.

Gian hàng các nước và vùng lãnh thổ khác của châu Á như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan... đều được thiết kế rất đẹp, nổi bật và quảng bá cho các nhà xuất bản của họ.

Ở gian hàng Thái Lan, tên và logo các công ty sách hay nhà xuất bản được thể hiện trang trọng trên một bức tường và có nhân viên giới thiệu tận tình về từng đơn vị khi khách quan tâm. 

Gian hàng của Singapore
Gian hàng Thái Lan

Tôi đánh giá cao nỗ lực của Cục Xuất bản trong việc tổ chức gian hàng lần này trong điều kiện tài chính eo hẹp. Gian hàng Việt Nam năm nay rộng hơn các năm trước nhưng thiết kế đơn giản và khá "lép vế" so với các nước khác.

Tại gian hàng có trưng bày một số cuốn sách nhưng đa số đều bằng tiếng Việt. Ngoài cái tên của nhà xuất bản hoặc công ty sách treo trên gian hàng thì cũng không có bất kỳ thông tin gì thêm về họ.

Để gian hàng Việt Nam năm sau tại Hội chợ sách Frankfurt chuyên nghiệp, hiệu quả hơn thì cần một định hướng rõ ràng từ cơ quan quản lý nhà nước và sự quan tâm, chuẩn bị của các nhà xuất bản, công ty sách lớn ngay từ bây giờ. 

Gian hàng của Việt Nam

Người tự thuê gian hàng để tiếp thị sách

Đi loanh quanh trong hội chợ, tôi ngạc nhiên khi thấy gian hàng được trang trí bằng hai cuốn sách của cùng tác giả và hình như tác giả đang ngồi tại quầy. Bà là một phụ nữ da đen. Tôi hiểu ra, bà tự thuê gian hàng ở hội chợ sách lớn nhất thế giới Frankfurt để tiếp thị sách của mình.

Bà tên là Mairy, 55 tuổi, người Cameroon nhưng đang sinh sống tại Mỹ. Tôi hỏi lý do tại sao bà lại viết chuyện tình thì bà trả lời: Các nhà văn châu Phi thường viết đề tài về thiên nhiên, động vật hoang dã hoặc phân biệt chủng tộc. Bà muốn khác đi. Bà viết về nơi mình sinh ra, về tình yêu để chứng tỏ với thế giới rằng: người dân châu Phi cũng có trái tim, cũng yêu thương và cũng là những con người có cảm xúc. Việc bà thuê gian hàng ở hội chợ sách này với giá khá đắt, cũng là nhằm giới thiệu văn học châu Phi đến thế giới.

Bà Mairy dành 3 năm để viết 2 cuốn tiểu thuyết: The never ending loveThe hidden hatred. Và 3 năm nay cũng là thời gian bà sống tại Mỹ và TP.HCM vì chồng bà là kỹ sư dầu khí người Mỹ và làm việc tại Việt Nam. Cho nên, cuốn sách The hidden hatred được tổ chức ra mắt tại khách sạn InterContinental TP.HCM vào ngày 3-3-2015.

Do chồng bà không tiếp tục làm việc ở Việt Nam nên Mairy rời TP.HCM từ tháng 8-2015. Bà cho biết  rất yêu thích đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt là các món ăn. Cho nên, khi biết tôi đến từ TP.HCM, bà ôm chầm lấy tôi. Với Mairy, Việt Nam lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp. Khi chia tay, bà tha thiết đề nghị tôi xem xét dịch 2 cuốn sách của bà ra tiếng Việt và bán tại Việt Nam.

Qua câu chuyện của Mairy, tôi có suy nghĩ: một nhà văn lớn tuổi của châu Phi còn dám thuê gian hàng tại Hội chợ sách Frankfurt để tiếp thị sản phẩm của mình thì tại sao những người viết Việt Nam không thể làm tương tự?  

Giới thiệu và bán được sách của tác giả Việt Nam cũng là cách tiếp thị, giới thiệu văn hóa Việt ra thế giới. Tôi tin sách của nhiều tác giả Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể bán được bản quyền sang các nước khác.

Sắp tới, Việt Nam sẽ rất cần những người đại diện bản quyền chuyên nghiệp (right agency) để thực hiện việc này! Và hi vọng tại Hội chợ sách Frankfurt 2016 sẽ có sự góp mặt nhiều hơn của tác phẩm, tác giả Việt Nam.

Bài, ảnh: NGUYỄN TUẤN QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp