Thành phố đang cần thêm những mảng xanh, việc bức hại cây xanh gây nguy cơ đến lá phổi đô thị khiến nhiều người bất bình.
Xót xa khi cây xanh bị "hành hạ"
Rảo quanh các tuyến đường tại TP.HCM như Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận), Huyền Trân Công Chúa (quận 1)... không khó để bắt gặp cảnh cây xanh được trồng dọc hai bên đường đang trong tình trạng bị bê tông trám kín gốc, vết dao chém, đóng đinh sâu vào thân cây.
Các dấu vết "bức tử" chi chít, mới có, cũ có, cây phải "gồng mình" sống.
Dọc tuyến đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), những cây xanh có đường kính gốc lớn từ 40 - 50cm không được tạo bồn, bê tông trám sát gốc đến mức gốc cây biến dạng. Có vài cây bị quấn xích, dùng đinh gỉ đóng bảng quảng cáo, khiến thân cây chảy nhựa, bong tróc vỏ.
"Cây xanh cũng như con người, cần có không gian để thở, để sống và phát triển" chị Diễm My (ngụ quận Gò Vấp) bức xúc về việc trám bê tông bít kín gốc cây.
Anh Chí Biên (28 tuổi, người đi đường) kể anh từng bắt gặp người bán hàng dọc tuyến đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) dùng búa đóng đinh vào thân cây để treo bảng quảng cáo bán hàng. "Đóng đinh như vậy có thể khiến cây bị tổn thương, một thời gian sau các cây này cũng sẽ chết dần", anh Biên nói.
Đơn vị quản lý, chuyên gia nói gì?
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM là một trong các nhà thầu thực hiện việc duy tu, chăm sóc cây xanh trên địa bàn TP.HCM. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM, tình trạng làm vỉa hè, đường, trám xi măng... bịt các gốc cây trên đường phố sẽ "bức tử", tác động xấu đến sự phát triển của cây xanh.
Khoảnh đất bề mặt xung quanh gốc cây có tác dụng thấm, thoát nước và thoáng khí giúp cây sinh trưởng, phát triển. Trám xi măng quanh gốc cây, đất không thấm nước, cây thiếu chất dinh dưỡng dẫn đến suy yếu, có thể chết dần theo thời gian.
Cùng với đó là các kiểu tự ý cắt trụi cành nhánh, đóng đinh, buộc kẽm, giăng mắc dây điện, đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh cũng đang hằng ngày bức hại cây xanh đô thị.
"Trong quá trình duy tu chăm sóc cây xanh, phát hiện các hành vi này, đơn vị cũng phối hợp chính quyền địa phương ghi nhận sự việc xâm hại và báo cáo chủ đầu tư.
Đồng thời, cho xử lý tháo gỡ đối với các trường hợp cây xanh bị đóng đinh, buộc kẽm, treo quảng cáo...", vị này nói thêm.
* Ông Ngô Tùng Dương (chủ tịch hội đồng khoa - khoa kỹ thuật hạ tầng đô thị):
Xâm hại lá phổi đô thị
Cây xanh như lá phổi của đô thị. Cây xanh sống và phát triển bằng cách sử dụng rễ, thân, lá để hấp thụ chất dinh dưỡng.
Khi một bộ phận trên cây bị xâm hại sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển của cây. Khi gốc cây bị bê tông hóa, nước mưa cùng các dưỡng chất không thể thẩm thấu vào đất để cho cây xanh hấp thụ, khác gì cắt nguồn sống của cây...
Cần có các chế tài đặt ra để xử lý nghiêm các hành vi xâm hại cây xanh. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ "bóng mát" của chính mình, cùng bảo vệ mảng xanh của TP vì cuộc sống xanh cho hiện tại và tương lai đời sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận