24/10/2017 09:14 GMT+7

Suốt đời đi tìm hài cốt đồng đội

ĐÔNG PHƯƠNG - TẤN LỰC
ĐÔNG PHƯƠNG - TẤN LỰC

TTO - "Tôi sẽ còn đi đến khi nào còn có thể. Tâm nguyện của tôi là tìm lại anh em đồng chí, đưa họ về với quê hương, gia đình..."

Suốt đời đi tìm hài cốt đồng đội - Ảnh 1.

Thương binh Trần Ngọc Doanh bên những hồ sơ liệt sĩ. Ảnh: ĐÔNG PHƯƠNG

Lời chia sẻ của cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh, khu dân cư số 14 Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu, Đà Nẵng) cũng chính là nguyên nhân thôi thúc ông thực hiện hàng trăm chuyến hành trình đi tìm đồng đội.

Từ chuyện người con gái tìm cha

"Cứ nghĩ tới hàng ngàn liệt sĩ vô danh vẫn còn nằm lại đâu đó trên những cánh rừng, khe suối là tôi ngày đêm trăn trở, thắt lòng khi nghĩ đến các anh".

Trần Ngọc Doanh

Trong ngôi nhà nhỏ bình dị, người chiến binh Đặc công 471 Quảng Đà như vẫn đang sống cùng những đồng đội đã mất. Trên chiếc bàn khách nhỏ và trong tủ kính, những bộ hồ sơ liệt sĩ, danh sách đồng đội hi sinh cùng những tấm bảng đồ trận đánh cũ kỹ ngã màu ố vàng chất chồng chiếm hết mọi không gian. 

Từng thực hiện hàng trăm chuyến tìm kiếm đồng đội nhưng cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh vẫn nhớ rành rọt mỗi liệt sĩ, quê quán, năm sinh. Cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh xúc động nhớ lại chuyến đi tìm liệt sỹ Mai Công Mùi.

Chuyện bắt đầu khi người con gái liệt sĩ là Mai Thị Duyên khăn gói lên đường tìm hài cốt cha với thông tin ít ỏi rằng liệt sĩ Mùi từng chiến đấu tại Đoàn Lam Sơn. 

Sau nhiều nỗ lực không mang lại kết quả, cô tìm tới nhà ông Doanh nhờ tìm kiếm giúp và cho biết cha hi sinh tại Quảng Nam và được đồng đội chôn dưới gốc cây xoài. Dù thông tin ban đầu vô cùng mờ nhạt, ông Doanh vẫn thu xếp lên đường với chút hi vọng mong manh.

Hai người cùng một cựu chiến binh tìm đến huyện Phú Ninh, Quảng Nam. Đây là nơi Đoàn 31, Quân khu 5, từng chiến đấu và hy sinh nhiều. 

Sau nhiều lần khai thác thông tin người dân, đoàn xác nhận được gốc xoài nơi chôn cất liệt sĩ Mùi và tiến hành khai quật. "Khi khai quật lên bên cạnh hài cốt còn một khẩu súng ngắn, 3 viên đạn cùng giấy tờ chứng minh tên tuổi liệt sĩ Mùi. Cô con gái xúc động quá khóc nức nở, cả đoàn cũng không ai cầm được nước mắt" - cựu chiến binh Doanh kể. 

Đến tận bây giờ, sau nhiều năm hài cốt liệt sĩ Mai Công Mùi được đưa về an táng tại quê nhà Hải Dương nhưng thân nhân liệt sĩ vẫn thường xuyên gọi điện thăm hỏi ông Doanh.

Với ông, mỗi chuyến đi là một câu chuyện khó quên, lần đi tìm hài cốt liệt sỹ Ngô Xuân Thu là một chuyến đi như vậy. 

"Nguồn tin ngắn ngủi chỉ cho biết liệt sĩ Ngô Xuân Thu (quê Kim Bảng, Hà Nam) hi sinh tại Thừa Thiên Huế khi ôm thuốc nổ đánh cảm tử đoàn tàu địch, thi thể được người dân chôn gần trận chiến."

Ông Doanh kể nhiều lần khăn gói lên đường nhưng không lần ra manh mối, tâm trạng rất chán nản. Không ngờ, đến lần thứ mười tôi gặp một người sống tại địa phương tên Tứ, người này từng đi lính và được giao quản lý đoạn đường sắt này trong thời chiến. 

"Tôi hỏi thêm mới biết rằng ông ấy là người đã vận động bà con nhặt xác liệt sĩ Ngô Xuân Thu đem đi an táng" - ông Doanh nói.

Từ đây, vị trí mộ liệt sĩ được xác định và khai quật, đưa về gia đình an táng. Từ câu chuyện về sự hi sinh của liệt sĩ Ngô Xuân Thu, TP Đà Nẵng đã lấy tên liệt sĩ đặt cho một con đường tại phường Hòa Hiệp Bắc.

Còn sống là còn đi

Ngoài những lần tìm kiếm theo yêu cầu thân nhân liệt sĩ, ông Doanh còn tham gia cùng Đội quy tập hài cốt liệt sĩ K53 (Quân khu 5), thường xuyên hành quân dài ngày tìm hài cốt đồng đội hy sinh ở biên giới và các nước bạn Lào, Campuchia. 

Chỉ cần nhận được thông tin về đồng đội là ông sắp xếp lên đường dù nhiều chuyến trở về trong vô vọng. "Hơn ai hết, những cựu chiến binh chúng tôi tự nhận thấy có trách nhiệm với đồng đội. Cùng sống, chiến đấu nên chúng tôi thấu hiểu được giá trị của sự hy sinh của họ vì Tổ quốc, vì đồng bào. 

Chúng tôi may mắn còn ở lại nên việc tham gia cùng đi tìm anh em đồng đội là trách nhiệm. Tôi sẽ đi cho đến khi nào không còn sức khỏe nữa mới thôi!, ông Doanh nói như hứa với lòng mình.  

Dù mỗi chuyến đi là tốn kém tiền bạc, công sức nhưng ông chưa bao giờ nề hà hay than thở một lời. Suốt ngày rong ruổi bằng xe máy, thức ăn là lương khô mang theo, kinh phí gom góm từ tiền trợ cấp thương binh hàng tháng và những khoản hỗ trợ phó bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố. 

"Hàng ngàn liệt sĩ vẫn còn nằm đâu đó trên khắp các chiến trường không biết đến bao giờ các anh mới được trở về với quê hương, đoàn tụ với gia đình, chút việc nhỏ này chúng tôi đâu dám kể lể gì" - ông Doanh bộc bạch.

Ông Nguyễn Bá Lưỡng, chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hòa Hiệp Bắc nói về đồng đội của mình: "Ngoài việc tích cực tham gia những chuyến hành trình đi tìm đồng đội, ông còn gánh vác nhiều việc tại địa phương. Hơn 10 năm làm tổ trưởng dân phố, 5 năm làm phó bí thư chi bộ phường. Năm 2015, đồng chí Trần Ngọc Doanh được Ban chấp hành Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong cung cấp thông tin, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ".

ĐÔNG PHƯƠNG - TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp