Trong 40 năm qua số lượng tê giác trên thế giới đã giảm tới 95% |
Tại hội thảo “Sừng tê giác trong y học cổ truyền và các giải pháp thay thế” do Tổ chức cứu trợ hoang dã (WildAid), Trung tâm Change, Quỹ động vật hoang dã châu Phi phối hợp với Viện Y dược học dân tộc TP.HCM tổ chức ngày 27-9, các nhà nghiên cứu phân tích: sừng tê giác còn gọi là tê ngưu giác, hương tê giác, có màu trắng, vị chua, tính hàn, thuộc nhóm thanh nhiệt. Do nó không có tính nóng, không tác dụng lên thận nên không thuộc nhóm thuốc bổ dương, tăng cường sinh lực nam giới như lời đồn thổi lâu nay.
Mặt khác, sừng tê giác là một vị thuốc không sử dụng độc vị, mà ngành y dược học dân tộc phải trộn lẫn với nhiều thứ thuốc khác mới có tác dụng chữa bệnh. Thực tế trong sừng tê giác có chứa “một chút chất hạ sốt, một chút xíu chất tiêu viêm” và tất cả chất đó đều tìm thấy trong sừng trâu với hàm lượng tương đương trên trọng lượng tương đương.
Vì thế, các vị thuốc y dược học dân tộc từng sử dụng sừng tê giác có thể thay thế bằng sừng trâu. Người dùng không nên nghe lời đồn thổi để mua, sử dụng sừng tê giác nhằm điều trị bệnh, tránh tiền mất tật mang.
Theo thống kê, trong 40 năm qua số lượng tê giác trên thế giới đã giảm tới 95%, chỉ còn 25.000 con trong tự nhiên. Các chuyên gia cho biết con tê giác cuối cùng tại Việt Nam có thể đã bị giết để lấy sừng năm 2010.
Nếu nạn thảm sát tê giác không được ngăn chặn kịp thời, sáu năm nữa các loài tê giác trên thế giới sẽ bị tuyệt chủng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận