Cuộc chạy đua quân sự ở châu Á không chỉ là việc có bao nhiêu vũ khí và chủng loại theo cách hiểu thông thường, mà còn là cuộc chạy đua về lý thuyết an ninh quốc gia.
Chạy đua răn đe tích hợp
Kể từ Đối thoại Shangri-La (Thượng đỉnh an ninh châu Á) năm ngoái, khu vực tây Thái Bình Dương đã chứng kiến nhiều diễn biến sôi động xoay quanh Mỹ và các đồng minh.
Vào tháng 12-2022, Nhật Bản đã công bố bộ ba tài liệu: Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược phòng thủ quốc gia và Chương trình Xây dựng quốc phòng. Trong đó, Tokyo xác định lập trường đối ngoại, hoạt động quân sự và các hoạt động khác hiện nay của Trung Quốc đã trở thành vấn đề gây lo ngại nghiêm trọng đối với Nhật Bản và cộng đồng quốc tế.
Đến tháng 1-2023, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã nhắc lại quan điểm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc tham vấn an ninh 2+2. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Washington đã lên kế hoạch triển khai đơn vị duyên hải của thủy quân lục chiến - lực lượng tinh túy nhất của Thủy quân lục chiến Mỹ - tới Nhật Bản vào năm 2025.
Ngoài Washington, Tokyo cũng đã đồng ý với các hình thức hợp tác quốc phòng mới với Anh thông qua quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu, bao gồm Thỏa thuận tiếp cận đối ứng để tiến hành trao đổi quân sự. Nhật Bản còn thiết lập quan hệ đối tác với Ý để chế tạo máy bay chiến đấu mới.
Sau khi thăm Nhà Trắng, lãnh đạo Philippines và Hàn Quốc cũng tăng cường khả năng răn đe bằng việc mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ. Chẳng hạn, Washington sẽ định kỳ đưa các tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân đến Hàn Quốc và sẽ được phép tiếp cận bốn căn cứ mới ở Philippines.
Những nỗ lực này nhằm mở rộng khả năng ứng phó với các sự cố bất ngờ ở Biển Đông, eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc cũng gia nhập câu lạc bộ các nước có chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sau Mỹ và Hàn Quốc.
Đông Nam Á chọn tự cường
Vào tháng 2-2023, trong bài phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Ely Ratner đã tuyên bố rằng 2023 sẽ là "một năm đột phá đối với các liên minh và đối tác của Mỹ" về năng lực răn đe khu vực. Những gì đã nêu ở trên cho thấy mọi sự đang diễn ra đúng như vậy.
Trong nỗ lực cho thấy Mỹ vẫn quan tâm khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã kết hợp việc tham dự Đối thoại Shangri-La lần này với chuyến thăm thứ bảy đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Người đứng đầu Lầu Năm Góc tiếp tục chọn đồng minh Nhật Bản là điểm dừng chân đầu tiên, kế đến là Singapore và kết thúc tại Ấn Độ.
Ngoại trừ Philippines, các nước còn lại trong ASEAN vẫn tỏ ra thận trọng với bất kỳ lời mời gọi nào từ bên ngoài khu vực. Sáu nền kinh tế lớn nhất ASEAN đã chi hơn 60 tỉ USD từ năm 2013 - 2022 cho mua sắm, nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực quốc phòng, theo dữ liệu của IISS Military Balance+.
Một số nhà phân tích lập luận rằng việc hiện đại hóa quân sự ở Đông Nam Á nhằm cân bằng với Trung Quốc. Tuy nhiên, có một thực tế hay bị bỏ qua là việc mua sắm này còn nhằm thay thế những trang thiết bị đã cũ. Nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung vũ khí cũng trở nên cấp bách khi cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.
Ngoài ra, điểm khác biệt lớn nhất so với Đông Bắc Á và các đồng minh của Mỹ là không có quốc gia nào trong ASEAN bắn tín hiệu cho thấy khả năng thay đổi học thuyết quân sự để chuẩn bị cho một cuộc xung đột lớn. Các khí tài hàng hải, bao gồm cả tàu hộ vệ nhỏ và tàu tuần tra, vẫn đang được ưu tiên hơn các tàu chiến hạng nặng. Điều này xuất phát từ nhu cầu sát sườn hằng ngày là các cuộc tuần tra trên biển, chống cướp biển, đánh bắt cá trái phép và bảo vệ các hoạt động khai thác dầu khí.
Đông Nam Á được nhận định sẽ tiếp tục quá trình hiện đại hóa quân đội trong những năm tới. Bên cạnh nhập khẩu từ nước ngoài, các nước này cũng sẽ tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng nội địa thông qua một số dự án chuyển giao công nghệ.
Nhìn chung, sự hiện diện của các nước là bạn hàng vũ khí truyền thống của khu vực sẽ không thay đổi. Có chăng sẽ là sự thay đổi về thị phần, ít đi hoặc nhiều hơn bởi ngân sách quốc phòng của các nước ASEAN còn khiêm tốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận