Từ bấy đến nay, mỗi năm đánh giá thì chúng ta đều thấy chưa thể hài lòng, mặc dù đã có một số vụ được phát hiện và đưa ra xét xử nhưng chúng ta thấy quốc nạn dường như ngày càng thêm trầm trọng.
Còn nhớ hồi đó tôi có rút tít cho bài phát biểu của mình bằng câu điệp khúc thiêng liêng “Đấu tranh này là trận cuối cùng”. Vậy mà trận cuối cùng trường kỳ đã bảy năm vẫn chưa có thành quả.
Nhìn lại bảy năm qua ta thấy việc chống tham nhũng tựa như đánh trận giả, kế hoạch tác chiến rất hoành tráng, lực lượng huy động rất hùng hậu, mệnh lệnh ra quân rất dứt khoát và lại được nhân dân cổ vũ mạnh. Vậy mà khi lâm trận thì súng nổ rất to mà không sát thương được ai vì đạn không có đầu. Quan trọng hơn là quân xanh hay quân đỏ đều là quân ta cả. Chỉ có một số vị vụng về nên bị lộ hay bị dư luận báo chí phát hiện mới bị xử lý như là phạt. Không những thế, chúng ta từng phải chứng kiến người đã bị kết án vào tù lại trở ra như người giải oan, người hăng hái đánh phá tham nhũng lại bị phát hiện là kẻ tội đồ. Không nhắc lại những điều đau xót ấy thì e rằng lần sửa luật này cũng rất dễ lại nửa vời.
Để sửa luật lần này phải đánh giá cho đúng luật đã thông qua năm 2005 và nếu dũng cảm nhận rằng đã thất bại thì mới mong sửa thành công. Thất bại dường như đã được báo trước khi hồi đó làm luật chúng ta được nghe đi nghe lại thành ngữ “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Khi đưa ra cơ chế đứng đầu cơ quan chỉ đạo phòng chống tham nhũng lại chính là cơ quan hành pháp. Vậy mà chính Quốc hội khóa ấy vẫn bấm nút thông qua. Do vậy, tôi muốn nhắc lại điều tôi đã phát biểu kỳ họp trước chính là trách nhiệm của Quốc hội. Điểm mấu chốt trong lần sửa này chính là điểm chúng tôi vừa nêu nay không giao cho Chính phủ mà lại giao cho Đảng.
Xin nhắc lại một câu chuyện lịch sử, năm 1945 ngay sau khi ký sắc lệnh thành lập cơ quan hành pháp của quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập các cơ quan dân cử ở các địa phương để giám sát bộ máy hành chính và hành pháp. Nhưng ở cấp cao nhất, Chủ tịch đã ra sắc lệnh thành lập hai cơ chế là ban thanh tra đặc biệt và tòa án đặc biệt đều nhằm điều chỉnh đối tượng là những thành viên của bộ máy hành pháp. Tòa án đặc biệt do Chủ tịch nước làm chánh án và bộ trưởng Bộ Nội vụ làm thẩm phán chuyên xét xử các quan chức cao cấp vi phạm luật pháp với những bản án nghiêm khắc mà không tái thẩm. Còn ban thanh tra đặc biệt thì Chủ tịch nước đích danh chỉ định, tức là mời cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên thượng thư bộ hình của chế độ cũ, vì lý lẽ đó là người am hiểu pháp luật lại có uy với dân. Cho dù những cơ chế này chưa phát huy được bao nhiêu vì chiến tranh sau đó đã bùng nổ, nhưng ý tưởng tạo ra một cơ chế thích hợp bảo đảm tính khách quan và nghiêm minh, được lòng dân mà Cụ Hồ đã đưa ra là một nguyên lý, chúng ta phải học.
Theo tôi, điểm mấu chốt để cho lần sửa đổi này có thể mang lại hiệu quả thiết thực, dù không ảo tưởng rằng nó sẽ giúp chúng ta diệt tham nhũng đến tuyệt chủng ngay lập tức mà phải với tinh thần trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thì chúng ta phải có một đầu não trong sạch, kiên cường như hình tượng lý tưởng trong dân gian nhân vật Bao Công. Phải mở ra một mặt trận rộng rãi các tầng lớp nhân dân, trong đó có báo chí vào cuộc, cũng có nghĩa phải củng cố được lòng tin thì mới vào trận được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận