28/05/2024 07:08 GMT+7

Sưng đau 'cậu nhỏ', cẩn thận lao mào tinh hoàn phá hệ sinh sản

Sự xuất hiện của vi khuẩn đa kháng thuốc, tỉ lệ mắc bệnh lao sinh dục, lao mào tinh hoàn ngày càng gia tăng ở mọi lứa tuổi, chủ yếu ở nam giới từ 30-50 tuổi. Bệnh khó chẩn đoán, dễ gây vô sinh và phá hệ sinh sản.

Phẫu thuật cho bệnh nhân lao mào tinh hoàn - Ảnh: BVCC

Phẫu thuật cho bệnh nhân lao mào tinh hoàn - Ảnh: BVCC

3 tháng đi khắp nơi mãi mới phát hiện lao mào tinh hoàn

Bệnh nhân Đ.V.T. (Hải Phòng) ba tháng gần đây xuất hiện các triệu chứng sưng, đau bìu trái. Bệnh nhân đã đi khám và điều trị tại nhiều nơi với chẩn đoán viêm mào tinh hoàn trái, được dùng nhiều loại kháng sinh, chống viêm nhưng chỉ đỡ từng đợt, không khỏi bệnh. 

Hai tuần trước khi nhập viện tổn thương vùng bẹn - bìu tăng kích thước, vỡ mủ vùng bẹn.

Qua thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng, khoa nam học - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chẩn đoán bệnh nhân bị áp xe bẹn bìu trái do lao mào tinh hoàn, tinh hoàn trái, có chỉ định phẫu thuật.

Sau phẫu thuật cắt bỏ tổ chức viêm hoại tử, bệnh nhân tiếp tục được điều trị theo phác đồ chống lao. Hết đợt điều trị người bệnh tái khám tình trạng ổn định.

ThS Nghiêm Trung Hưng - khoa nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết trước đây bệnh hệ sinh sản nói chung và lao mào tinh hoàn là một dạng bệnh lao ngoài phổi ít gặp.

Bệnh nhân mắc bệnh này có thể không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Bệnh thường phát triển chậm và khó chẩn đoán sớm; chẩn đoán muộn và chẩn đoán sai là phổ biến.

Gần đây, do sự xuất hiện của vi khuẩn đa kháng thuốc, kháng thuốc chống lao và việc sử dụng rộng rãi glucocorticoid, tỉ lệ mắc bệnh lao sinh dục nam, bao gồm cả bệnh lao mào tinh hoàn, ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Bệnh lao mào tinh hoàn vẫn là một vấn đề sức khỏe quan trọng ở nhiều nước đang phát triển.

Bệnh lao hệ sinh sản có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu ở nam giới từ 30-50 tuổi. Cơ quan thường gặp nhất là mào tinh hoàn, tiếp theo là túi tinh, tuyến tiền liệt, tinh hoàn và ống dẫn tinh. 

Lao mào tinh hoàn có thể do sự tái hoạt của các ổ lao tiềm ẩn trước đó tại mào tinh hoàn, hoặc bị lây truyền qua đường máu, đường bạch huyết, hoặc ngược dòng từ ngoài ống dẫn tinh trở vào.

Việc lây truyền lao ngược dòng thường do nhiễm lao qua quan hệ tình dục với đối tác đang mắc lao, hoặc do lao đường tiết niệu đang hoạt động. 

Tổn thương lao mào tinh hoàn xuất hiện đầu tiên ở phần đuôi của mào tinh do nguồn cung cấp máu dồi dào và nhiễm trùng ngược dòng từ ống dẫn tinh, sau đó xâm lấn đến thân và đầu mào tinh, cuối cùng là ảnh hưởng đến toàn bộ mào tinh hoàn.

Các triệu chứng lao mào tinh hoàn có thể gặp là: sưng bìu (80% bệnh nhân bị viêm tinh hoàn mào tinh hoàn do lao có sưng bìu), đau bìu (trong 40-44% các trường hợp), dày da bìu, tràn dịch màng tinh hoàn (gặp trong 5-10% các trường hợp), lỗ rò mủ vùng bìu xuất hiện muộn (có thể gặp trong 4-50% các trường hợp).

Áp xe mào tinh hoàn do vi khuẩn lao - Ảnh: BSCC

Áp xe mào tinh hoàn do vi khuẩn lao - Ảnh: BSCC

Chẩn đoán muộn và sai dẫn tới nhiều biến chứng

ThS Nghiêm Trung Hưng nhấn mạnh, chẩn đoán sớm, chính xác và điều trị theo phác đồ chống lao là chìa khóa để chữa bệnh lao ở hệ sinh sản nam giới. 

Tuy nhiên, do bệnh khởi phát muộn, các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu cũng như thiếu các phương pháp chẩn đoán nhanh, nhạy và đặc hiệu nên bệnh thường bị chẩn đoán sai hoặc chẩn đoán bị trì hoãn.

Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh lao là phân lập và nuôi cấy vi khuẩn lao. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh lao sinh dục nam, chúng ta thường tìm bằng chứng có vi khuẩn lao trong nước tiểu, dịch mủ hoặc mô. 

Chụp CT và MRI ít có giá trị trong chẩn đoán bệnh lao mào tinh hoàn; chúng chủ yếu được sử dụng để chẩn đoán bệnh lao ở phổi và tiết niệu và hỗ trợ chẩn đoán bệnh lao mào tinh hoàn. Sinh thiết kim nhỏ mào tinh hoàn là một phương pháp tốt để chẩn đoán bệnh lao mào tinh hoàn.

Chẩn đoán phân biệt bệnh lao mào tinh hoàn bao gồm viêm mào tinh hoàn do vi khuẩn, khối u mào tinh hoàn và các bệnh khác ở mào tinh.

Bệnh lao mào tinh hoàn, giống như các bệnh lao khác, cần điều trị sớm, thường xuyên, đầy đủ. Phương pháp điều trị bằng thuốc thường sử dụng 3 - 4 loại thuốc kháng sinh chống lao trong 6 - 9 tháng. Điều trị bằng phẫu thuật là cần thiết nếu không đáp ứng với điều trị bằng thuốc hoặc trong trường hợp hình thành áp xe.

"Đặc điểm bệnh lý của bệnh lao mào tinh hoàn là sự phá hủy mô và xơ hóa trên diện rộng, cuối cùng dẫn đến phá hủy mào tinh hoàn cũng như các mô và cơ quan sinh dục xung quanh cùng các biến chứng như vô sinh và những ảnh hưởng nghiêm trọng khác đến chức năng hệ sinh sản nam giới" - ThS Nghiêm Trung Hưng cảnh báo.

Lao mào tinh hoàn là một bệnh lý gây nên khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Chính vì vậy đối với các trường hợp viêm tinh hoàn - mào tinh hoàn được điều trị nhiều lần bằng các nhóm kháng sinh phù hợp nhưng không khỏi, cần nghĩ đến do lao.

Người bệnh nếu xuất hiện các triệu chứng như trên nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa nam học với trang thiết bị hiện đại, có kinh nghiệm để được chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh kịp thời, tránh các biến chứng do điều trị muộn không đáng có.

Lao màng bụng, bệnh diễn biến nhanh, dễ tử vongLao màng bụng, bệnh diễn biến nhanh, dễ tử vong

Nhiều người bất ngờ vì chỉ đau bụng, chán ăn và được chẩn đoán viêm phúc mạc do lao. Ổ bụng là một trong những khu vực thường gặp nhất của lao ngoài phổi. Vì vậy, khi bị đau bụng lâu khỏi cần chú ý.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp