Đến tham dự lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo các bộ ngành, Thành ủy và UBND TP.HCM.
Phóng to |
Nét khang trang của đường Trường Sa qua địa phận P.2, Q.Phú Nhuận trong ngày khánh thành -Ảnh: T.T.D. |
Cải thiện đáng kể ngập úng, ô nhiễm
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhấn mạnh việc cải tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng và vệ sinh môi trường là vấn đề mà lãnh đạo TP hết sức quan tâm. Trong hoàn cảnh và điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngay từ đầu những năm 1990, Đảng bộ TP đã chủ trương xây dựng dự án vệ sinh môi trường TP là một trong những công trình quan trọng được triển khai từ đầu năm 1993.
Theo ông Lê Hoàng Quân, việc thực hiện thành công dự án trên đã cải thiện đáng kể tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, từng bước nâng cao điều kiện, môi trường sống cho 1,2 triệu dân TP. Chủ tịch UBND TP cũng bày tỏ sự cảm ơn đến hơn 7.000 hộ dân và 50.000 người dân đã di dời tái định cư phục vụ cho việc thực hiện dự án quan trọng này. Đồng thời cảm ơn Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhiệt tình hỗ trợ TP và mong sẽ tiếp tục nhận được các nguồn tài trợ của WB để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải trên phạm vi lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2, dự án nâng cấp đô thị TP và dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Tân Hóa - Lò Gốm (Q.6, 11, Tân Phú...).
Phóng to |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (giữa), Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (bìa trái), Giám đốc quốc gia WB tại VN Victoria Kwakwa (bìa phải) cùng các đại biểu đi bộ trên đường Trường Sa - Ảnh: T.T.D. |
Người dân phấn khởi
Dọc theo hai tuyến đường này, mặt đường được mở rộng thênh thang, vỉa hè lát gạch sạch sẽ và cây xanh đã bén rễ tốt tươi. Ngồi dưới gốc của một khóm tre vàng bên đường Hoàng Sa, bà Ngô Thị Cúc (80 tuổi, ngụ Q.1) giọng phấn khởi nói: “Tôi không nghĩ lại có ngày được ngồi bên dòng kênh này để hít thở khí trời”. Trong ký ức của bà Cúc, dòng kênh có mùi hôi khủng khiếp, nước đen ngòm, đến nỗi đứng cách dòng kênh hàng trăm mét vẫn bị mùi hôi xộc vào mũi. Con đường ven kênh lúc trước chỉ là một lối mòn, lâu ngày trở thành đường. Từ ngày con đường Hoàng Sa được nâng cấp, nước kênh được cải tạo sạch sẽ hơn, sáng sớm và tối bà Cúc cùng con cháu lại dẫn nhau ra ngồi dưới khóm tre vàng bên đường để hóng gió và ôn lại chuyện xưa.
Bà Trang Thị Nửa (75 tuổi, Q.Bình Thạnh), là người từng sống ven dòng kênh này từ những năm 1960, cho biết đã có lúc tưởng chừng như dòng kênh sẽ bị san lấp, lấn chiếm và mãi mãi biến mất. “Trước đây, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè rộng lắm, nhưng dòng chảy ngày càng bị thu hẹp bởi sự lấn chiếm của “nhà sàn”, nước đen sánh và bốc mùi hôi thối không thể chịu được. Còn bây giờ hoàn toàn khác hẳn, dòng kênh như được hồi sinh, đường ven kênh cũng được mở rộng khang trang hơn” - bà Nửa xúc động. Đang hồ hởi cười nói, bỗng một chiếc xe tải chở nước đá lùi lên vỉa hè đường Trường Sa, bà Nửa dừng cuộc nói chuyện với chúng tôi và nhẹ nhàng nhắc nhở tài xế: “Này cậu, công trình chưa nghiệm thu, cậu cho xe chạy lên vỉa hè như thế vỉa hè sẽ bị hư mất”. Lời nhắc nhở của bà Nửa khiến chúng tôi phải suy nghĩ đến ý thức bảo vệ những thành quả ngày hôm nay.
Hồi sinh một dòng kênh
Chạy xe máy dọc theo hai tuyến đường này, chúng tôi thấy nhiều nhóm công nhân vẫn đang miệt mài làm việc. Đoạn gần cầu Bông, khoảng 20 công nhân đang trồng cỏ trên dải đất rộng khoảng 3m chạy dọc dòng kênh. Những thảm cỏ xanh mướt dần hiện ra mang thêm sức sống cho dòng kênh. Sáng sớm, hàng trăm người dân tản bộ, tập thể dục buổi sáng trên vỉa hè của hai tuyến đường này. Bé Nguyễn Lê Kiều Anh (6 tuổi) cho biết hôm nay được nghỉ học nên theo mẹ ra đây tập thể dục. “Từ ngày vỉa hè của tuyến đường này được lát gạch, trồng cỏ sạch sẽ, con bé cứ đòi tôi dẫn ra đây chơi và đi bộ miết chứ không như trước đây, bé chỉ thích ở nhà chơi vi tính” - mẹ của bé Kiều Anh nói. Nhiều người dân cũng tỏ ra vui mừng vì từ nay, họ có một con đường khang trang sạch đẹp để vui chơi, hóng mát; có một không gian thoáng đãng để rèn luyện sức khỏe.
Công trình 9 năm - Dự án vệ sinh môi trường TP là công trình cải tạo xây dựng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè qua bảy quận gồm: 1, 3, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp. Công trình gồm 33 gói thầu, trong đó gói thầu đầu tiên được khởi công vào tháng 3-2003 lắp tuyến cống bao (có đường kính 2,5-3m) dài 8,9km nằm dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tiếp đó là 11 gói thầu đào đường lắp đặt 70km tuyến cống thoát nước các loại nhằm thu gom nước thải từ hộ dân đưa vào tuyến cống bao. Gói thầu xây dựng trạm bơm nước lớn nhất nước có công suất 64.000m3/giờ. Gói thầu số 10 có quy mô lớn nhất là nạo vét hơn 1,1 triệu tấn bùn, đóng hơn 16.000m cừ bêtông kè hai bên bờ kênh... Dự kiến vào giữa năm 2013 dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ hồi sinh thành dòng kênh xanh trong và từ mùa mưa năm nay công trình sẽ chống ngập nước cho một lưu vực rộng 33,2km2 thuộc bảy quận. Tổng vốn đầu tư dự án là 8.600 tỉ đồng gồm vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn ngân sách TP. - Dự án cải tạo đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư. Công trình đã thi công mở rộng mặt đường từ 7m lên 9m với tổng chiều dài 15km, giúp xe cộ đi lại thông thoáng trên đường Hoàng Sa và Trường Sa, có tổng vốn đầu tư 554 tỉ đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận