Bạn đọc gửi "đơn đặt hàng" như vậy tại buổi giao lưu trực tuyến “” diễn ra tại báo Tuổi Trẻ sáng 24-6.
Phóng to |
Các khách mời trao đổi về việc lạm dụng hay mạo nhận logo của hàng Việt Nam chất lượng cao trên những sản phẩm trôi nổi - Ảnh: T.T.D. |
Buổi giao lưu do báo Tuổi Trẻ, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh - hỗ trợ doanh nghiệp và Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk) tổ chức. Các doanh nghiệp đã có dịp trải lòng, chia sẻ câu chuyện phát triển sản phẩm mới của riêng mình.
Giá thành phù hợp
Bất ngờ nhất của buổi giao lưu chính là bạn đọc Nguyễn Thị Nhơn (51 tuổi) ngụ tại Q.10 (TP.HCM) đã đến tận buổi giao lưu trực tuyến vì muốn hỏi trực tiếp điều mình muốn gửi gắm đến các doanh nghiệp đang có mặt. Câu hỏi của bà Nhơn rất thẳng thắn, “chạm” tới ngay điều mà hầu hết người tiêu dùng hiện nay đợi chờ ở công ty sữa trong nước: “Với tình hình bão giá hiện nay, nhà sản xuất có biện pháp nào để sản phẩm có giá thành rẻ phục vụ người dân lao động?”. Tuy nhiên, với người tiêu dùng, dù chọn sản phẩm giá thấp vẫn đòi hỏi chất lượng (tương xứng) và minh bạch trong thành phần của sản phẩm.
Chia sẻ điều bạn đọc quan tâm, ông Nguyễn Quốc Khánh, giám đốc điều hành Vinamilk, cho biết công ty đang nỗ lực tối đa cắt giảm các chi phí không cần thiết nhằm hạ giá thành sản xuất. “Đối với chi phí sản xuất, chúng tôi có các giải pháp như đầu tư các máy móc hiện đại, công suất lớn để giảm chi phí vận hành. Hiện chúng tôi đang thực hiện các chương trình quản lý và tiết kiệm năng lượng nhằm giảm chi phí sản xuất cũng như thể hiện trách nhiệm với xã hội và môi trường...” - ông Khánh nói.
Cần có cách quảng bá phù hợp Bà Vũ Kim Hạnh - chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - cho rằng việc truyền thông sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm mới cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp làm chưa thật tốt. Theo nhận xét của bà Hạnh, vấn đề gốc ở đây là doanh nghiệp có thấy việc thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng là nhu cầu thiết thực hay không, bởi có rất nhiều doanh nghiệp dù quy mô nhỏ vẫn phổ biến được sản phẩm mới đến người tiêu dùng với chi phí rất khiêm tốn. “Xác định đối tượng cần nhận thông tin và phương thức truyền thông phù hợp là có thể đạt được kết quả nhất định thay vì suy nghĩ hữu xạ tự nhiên hương”, hay cho rằng không có tiền giội “bom tấn” cho quảng bá - là những cách nghĩ không còn phù hợp với tình hình cạnh tranh trên thị trường hiện nay” - bà Hạnh nhấn mạnh. |
Đồng ý với nhận xét trên, đạo diễn Đoàn Khoa cho rằng buôn bán là một nghệ thuật, nhân viên tiếp thị gần như là một “diễn viên sống động” và doanh nghiệp sẽ thành công khi làm người tiêu dùng hào hứng và tin tưởng sản phẩm mà họ trình bày, cũng giống như khán giả sẽ không mua vé cho những vở diễn dở và ngược lại.
Đó là lý do vì sao sản phẩm mới của các doanh nghiệp tuy nhiều nhưng người tiêu dùng lại rất khó tiếp cận, thông tin nhiều khi rời rạc, có khi cũng không thấy sản phẩm có gì hấp dẫn.
Ngược lại, doanh nghiệp nước ngoài mỗi khi có sản phẩm mới thì không chỉ giới thiệu mà còn kích thích người tiêu dùng tìm kiếm và sử dụng sản phẩm mới.
Tìm chỗ đứng cho sản phẩm mới
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản phẩm mới từ câu chuyện của chính mình, bà Lê Thị Thanh Lâm - phó tổng giám đốc Công ty Saigon Food - cho biết phát triển sản phẩm mới rất cần sự linh hoạt để phù hợp với sự thay đổi của thị trường. Kế hoạch phát triển sản phẩm mới cho năm 2011 được Saigon Food xây dựng từ tháng 11-2010 là dòng sản phẩm phục vụ cho bữa tiệc. Tuy nhiên tình hình kinh tế những tháng đầu năm nay rất khó khăn, Saigon Food thay đổi kế hoạch phát triển sản phẩm mới của mình.
“Để có thể chia sẻ với người tiêu dùng trong thời kỳ bão giá, chúng tôi nghĩ rằng bữa ăn gia đình thiết thực hơn, và chúng tôi đã đầu tư tìm nguồn nguyên liệu hải sản, rau củ với giá đầu vào hợp lý để cho ra sản phẩm với giá cả phải chăng. Đó là các sản phẩm: cá trứng kho tiêu, cá kèo kho tộ, lẩu hải sản chua cay... xem như một cách hỗ trợ người tiêu dùng trong tình hình vật giá leo thang như hiện nay” - bà Lâm chia sẻ.
Đặt vấn đề doanh nghiệp VN khi đưa sản phẩm mới ra thị trường phục vụ người tiêu dùng là tín hiệu đáng mừng, nhưng bạn đọc Trịnh Hoài An cho rằng doanh nghiệp làm gì để duy trì và tồn tại trên thị trường khi thị trường bán lẻ ưu thế đang nghiêng về doanh nghiệp nước ngoài. Ông Nguyễn Quốc Khánh nói ý tưởng sản phẩm mới có thể hình thành từ nghiên cứu nhu cầu của người tiêu dùng, vì sản phẩm được sản xuất là để đáp ứng nhu cầu của chính người tiêu dùng, nếu sản phẩm không đáp ứng được thì sẽ không thể tồn tại lâu.
Ông Lê Quốc Trung, giám đốc điều hành Vinamit, cho biết một sản phẩm sẽ “sống” được trên thị trường khi đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và đảm bảo chất lượng. Những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam sẽ không chỉ đủ sức duy trì thế mạnh trên sân nhà, mà còn có nhiều cơ hội chinh phục thị trường nước ngoài nếu được tiếp thị và phân phối hiệu quả. Đối với ngành thực phẩm, cách tiếp cận đến người tiêu dùng tốt nhất vẫn là cho khách hàng dùng thử. Nhà sản xuất tổ chức dùng thử qua các hội chợ, điểm bán, hệ thống siêu thị... hoặc giới thiệu thông qua các khách hàng thân thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận