Phóng to |
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tại TP.HCM so với tháng trước |
Ghi nhận trên thị trường cho thấy giá nhiều loại hàng hóa đã giảm mạnh nhưng vẫn ế ẩm, doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm, hàng tồn kho tăng.
Bà nội trợ giảm chi, tiểu thương “méo mặt”
CPI tại Hà Nội giảm 0,22% Theo số liệu từ Cục Thống kê TP.Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5-2013 của Hà Nội giảm 0,22% so với tháng trước. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng cao nhất ở mức 0,64%, nhóm đồ dùng gia đình và nhóm văn hóa thể thao giải trí tăng 0,06% so với tháng trước. Ngược lại, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất trong rổ hàng hóa là 0,49%, trong đó lương thực giảm 0,04%, thực phẩm giảm 0,81% và ăn uống ngoài gia đình chỉ tăng 0,01% so với tháng trước. |
Chị Nguyễn Thanh Phụng, nhân viên kinh doanh một doanh nghiệp trụ sở ở Q.Tân Bình, cho biết đang phải thắt chặt chi tiêu vì công ty đang gặp khó khăn, thu nhập bắt đầu giảm.
Trước đây, với mức thu nhập trung bình 15-16 triệu đồng/tháng tùy theo thưởng doanh số, lại sống độc thân nên chị Phụng thường dành hơn 50% thu nhập cho việc mua sắm, la cà ăn uống nhà hàng và đi cà phê...
Tuy nhiên, sau đợt thu nhập bị cắt giảm xuống còn 12-13 triệu đồng/tháng vào đầu năm nay, chị Phụng bắt đầu chi tiêu tiết kiệm hơn, mỗi sáng đều mang cơm đi ăn trưa tại công ty và buổi tối về nhà ăn.
Bạn bè chỉ gặp gỡ cuối tuần, cũng nấu ăn tại nhà, hạn chế quán xá. “Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí đóng cửa. Chẳng biết mình có bị rơi vào cảnh phải ra đường kiếm việc hay không nên tốt nhất là phải tiết kiệm cho... chắc ăn” - chị Phụng nói.
Kể từ khi lợi nhuận từ cửa hàng kinh doanh quần áo giảm một nửa so với cuối năm rồi, chỉ còn 5-6 triệu đồng/tháng, chị Bùi Thu Phương (Q.Gò Vấp) cho biết không còn thường xuyên mua thịt bò, heo, gà... để ăn cho đủ chất như trước mà luôn cân nhắc rất lâu mỗi phiên chợ buổi sáng. “Không những cắt giảm chi tiêu, ngay bữa cơm cũng chủ yếu là rau, đậu, trứng. Mỗi bữa chỉ gói trong 30.000-40.000 đồng” - chị Phương nói.
Khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các tiểu thương lại phải chịu cảnh chợ vắng đìu hiu, buôn bán ế ẩm. Hơn 9g sáng 21-5, chị Biên buôn bán thịt heo tại chợ Lạc Quang (Q.12) đã dọn hết hàng chuẩn bị tan chợ sớm.
“Ngồi lâu chỉ mệt người em ơi, ngày nào cũng vậy, tầm này là không còn ai mua bán gì rồi. Trước tết, mỗi ngày nhập hơn 100 ký bán đều đều, khỏe re. Bây giờ mỗi ngày nhập chưa đến 60 ký thịt, ngồi trơ mặt mãi vẫn không bán hết” - chị Biên rầu rĩ.
Tương tự, mới hơn 3g chiều nhưng các sạp thịt gà, heo tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) trống trơn không một bóng người. Bà Thùy, tiểu thương bán thịt gà, cho biết giờ này làm gì còn ai mua nữa, họ dọn hàng từ trưa rồi về nghỉ sớm cả rồi. Bà Thu, chủ một sạp trái cây tại chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết phải đến 10g sáng mới xổ hết 8 tấn xoài keo, trong khi mọi năm nhập về 15-16 tấn nhưng bán hết ngay trong đêm. “Chợ ế ẩm lắm!” - bà Thu than.
Cần thực hiện ngay kích thích tổng cầu
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, hiện tượng chỉ số CPI giảm là dấu hiệu cho thấy lạm phát đang được kiềm chế. Tuy nhiên, CPI âm trong ba tháng liên tiếp lại là một biểu hiện đáng lo ngại của nền kinh tế. Nó cho thấy sức mua của bộ phận lớn người tiêu dùng đang cạn kiệt. Khi sức mua yếu, chắc chắn việc giải phóng hàng tồn kho của doanh nghiệp sẽ càng khó khăn hơn. Thậm chí nó đẩy hàng tồn kho tiếp tục tăng lên.
Thực tế, tính đến thời điểm ngày 1-4, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng 13,1% so với cùng thời điểm năm 2012. Các sản phẩm gắn với tiêu dùng như ngành sữa, may mặc, chất tẩy rửa, mỹ phẩm, bia... đều tăng cao. Như vậy, câu chuyện này lại rơi vào vòng luẩn quẩn giá giảm, sức mua yếu, hàng hóa tồn kho, doanh nghiệp khó khăn, thu nhập của người lao động giảm...
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội trình bày tại Quốc hội cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bốn tháng đầu năm nay rất kém. Với tình hình này, đặc biệt khi chỉ số CPI tiếp tục âm ở các thành phố lớn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2012 sẽ khó khăn. Do đó, quan trọng là tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, giải quyết khó khăn của doanh nghiệp.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng các giải pháp đối với chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tổng cầu cần được thực hiện ngay. Theo một số chuyên gia, nới lỏng chính sách tiền tệ không hẳn sẽ giải quyết được các khó khăn hiện nay mà cần gói giải pháp đồng bộ, trong đó có cả kích cầu tiêu dùng.
Tạm dừng sản xuất để giảm hàng tồn
Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội trong bốn tháng đầu năm 2013 được trình bày tại Quốc hội cho thấy một bộ phận doanh nghiệp đã phục hồi. Chỉ số tăng trưởng ở nhóm ngành xây dựng đã đạt mức 4,79%, sau khi âm vào năm 2011 và tăng không đáng kể vào năm 2012. Tuy vậy, thực tế các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng vẫn đang phải vật lộn với hàng loạt khó khăn, thậm chí cắt giảm sản xuất trong bối cảnh sức mua quá ảm đạm.
Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA) Phạm Chí Cường xác nhận hiện phần lớn các doanh nghiệp thành viên VSA chỉ còn hoạt động 50% công suất thiết kế. “Có doanh nghiệp đã phải tạm dừng sản xuất để giảm thiểu lượng hàng tồn” - ông Cường nói. Chỉ tính riêng 300.000 tấn thép thành phẩm, khoảng 460.000 tấn phôi thép còn tồn kho ở các doanh nghiệp, trị giá lên đến hơn 9.000 tỉ đồng. Đến hết tháng 4-2013, tổng lượng thép tiêu thụ của các thành viên VSA chỉ khoảng 1,5 triệu tấn, giảm ít nhất 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giám đốc một doanh nghiệp thép có thị phần lớn ở khu vực phía Nam cho biết đã gần hết tháng thứ hai của quý 2 nhưng thị trường “vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy sức mua sẽ gượng dậy, chứ đừng nói là hồi phục”. Vị này cho biết công suất hoạt động của doanh nghiệp chỉ còn khoảng 55% công suất thiết kế.
Theo ông Trần Văn Huynh - chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng VN, lượng gạch ốp lát tồn kho của ngành này ước không dưới 2.000-3.000 tỉ đồng, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh kính xây dựng các loại phải tạm ngưng sản xuất, hoặc chỉ sản xuất cầm chừng nhằm tránh tồn kho tăng cao. Trong khi đó tính đến cuối tháng 4-2013, lượng tồn kho của Tổng công ty Công nghiệp ximăng ở mức 1,38 triệu tấn, trong đó clinker chiếm 1,06 triệu tấn.
Không thể “tăng trưởng cao, lạm phát thấp”
Tại hội thảo “Lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở VN” do Học viện Chính sách phát triển, Bộ Kế hoạch - đầu tư tổ chức ngày 21-5, hàng loạt đánh giá đã được đưa ra, như thuế VN cao nhất khu vực, sẽ rất khó điều hành theo mục tiêu kiểu vừa tăng trưởng cao, lạm phát thấp...
Theo tham luận của nhóm tác giả đứng đầu là PGS.TS Đào Văn Hùng - giám đốc Học viện Chính sách và phát triển, trong suốt năm 2011 việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm ngăn ngừa lạm phát mà không quan tâm số phận của doanh nghiệp đã dẫn đến hậu quả hàng loạt doanh nghiệp “chết” và đang “chờ chết” ngày càng tăng.
Tham luận cũng nêu các khó khăn mà doanh nghiệp phải gánh chịu như chịu nhiều loại phí khi lưu thông hàng hóa khiến tăng giá sản phẩm, đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên nhưng doanh nghiệp không được lợi; thủ tục hành chính khiến mất cơ hội xuất khẩu... Đặc biệt, tỉ lệ thuế trên GDP của VN thuộc loại cao nhất thế giới (25-27%), chưa kể các loại phí ngầm và “thuế lạm phát” khiến doanh nghiệp VN phải chịu rất nhiều sức ép.
Báo cáo nghiên cứu của Học viện Chính sách và phát triển khẳng định muốn tăng trưởng cao phải chấp nhận lạm phát ở mức nhất định, chứ không thể “tăng trưởng cao, lạm phát thấp”. Nếu bằng mọi giá đạt được đồng thời hai mục tiêu này, nhóm nghiên cứu cho rằng “sẽ đi vào vòng xoáy lạm phát cao, tăng trưởng thấp”!
CẦM VĂN KÌNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận