14/07/2017 16:45 GMT+7

​Sức khỏe ở người cao tuổi và bí quyết để sống vui, sống khỏe

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu

Làm thế nào để kéo dài tuổi thọ và có một tuổi già lành mạnh, là mối quan tâm hàng đầu của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Hiểu biết về sức khỏe người cao tuổi, những biến đổi của cơ thể theo tuổi tác giúp chúng ta chủ động hơn để giữ gìn sức khỏe, chào đón tuổi già và sống một đời sống viên mãn khi về già.

Người cao tuổi cũng là đối tượng dễ mắc bệnh, thường là nhiều bệnh cùng lúc, nhất là các bệnh mạn tính. Tình hình sức khỏe giảm sút và đau ốm kinh niên dẫn đến hạn chế các chức năng, mất tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, sự tổn thương về tinh thần do tuổi già sức khỏe yếu còn nghiêm trọng hơn hao tổn vật chất.

Quá trình biến đổi cơ thể trong quá trình lão hóa và thay đổi sức khỏe người cao tuổi thường xảy ra như sau:

Hệ tim mạch

- Biểu hiện: Theo quá trình lão hóa, cơ tim chúng ta sẽ làm việc kém hiệu quả đi, sẽ gặp khó khăn khi cố gắng bơm máu đi khắp cơ thể. Bên cạnh đó, các mạch máu cũng kém đàn hồi, cộng với sự lắng đọng lipid trong thành mạch tạo thành mảng xơ vữa. Điều này dẫn đến thành mạch cứng hơn, tim càng khó khăn khi bơm máu qua các mạch máu này. Do đó, người cao tuổi dễ bị mắc bệnh tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác.

- Biện pháp dự phòng, chăm sóc: Để phòng chống các bệnh tim mạch và có một trái tim khỏe mạnh, người cao tuổi cần duy trì hoạt động thể chất hàng ngày, như đi bộ, bơi lội và các hoạt động khác. Nên ăn chế độ ăn lành mạnh như nhiều trái cây, rau, và ngũ cốc nguyên hạt. Nếu là người hút thuốc lá thì nên bỏ thuốc lá, nếu cần nên tư vấn ý kiến của bác sĩ thêm về vấn đề bỏ thuốc lá. Nếu thực hiện được những điều này, nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ giảm nhanh chóng.

Hệ cơ-xương-khớp

- Biểu hiện: Theo tuổi tác, xương sẽ giảm về kích thước và trọng lượng, làm cho chúng bị yếu và dễ bị gãy. Chiều cao người cao tuổi sẽ giảm một ít so với tuổi trưởng thành. Các cơ cũng trở nên yếu và kém đàn hồi, làm cho toàn cơ thể cũng sẽ yếu đi và mất đi sự cân bằng trong tư thế. Các khớp thoái hóa do tuổi già cũng giảm khả năng chịu tải cơ thể.

- Biện pháp dự phòng, chăm sóc: Để duy trì hệ cơ-xương-khớp khỏe mạnh, cần bổ sung Calci và vitamin D trong chế độ ăn hàng ngày. Duy trì hoạt động thể lực cũng làm cho xương cứng chắc hơn, giảm nguy cơ loãng xương, đồng thời làm cho các cơ cũng giữ được sức mạnh, dẻo dai, bảo vệ được các khớp khỏi tổn thương thêm, duy trì sự linh hoạt và cân bằng của tư thế.

Hệ tiêu hóa

- Biểu hiện: Táo bón là triệu chứng phổ biến ở người cao tuổi. Các yếu tố dễ gây táo bón là chế độ ăn thiếu chất rau, xơ, uống không đủ nước và thiếu hoạt động thể lực. Một số thuốc mà người cao tuổi đang dùng cũng gây bón như thuốc lợi tiểu hoặc thuốc sắt bổ sung. Một số bệnh mạn tính như đái tháo đường, ruột dễ bị kích thích cũng là nguyên nhân gây táo bón.

- Biện pháp dự phòng, chăm sóc: Để phòng táo bón, cần uống nhiều nước, ăn nhiều chất rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Duy trì hoạt động thể lực. Cần nhớ là không được nín đi tiêu. Nếu nghi ngờ do thuốc cần hỏi bác sĩ để điều chỉnh thuốc đang uống.

Bàng quang và đường tiểu

- Biểu hiện: Tiểu không tự chủ là vấn đề thường gặp ở người cao tuổi. Thường có liên quan đến tình hình sức khỏe khác như tình trạng béo phì, táo bón, ho mạn tính, mãn kinh ở nữ và phì đại tiền liệt tuyến ở nam.

- Biện pháp dự phòng, chăm sóc: Để phòng chống tiểu không tự chủ, có thể tập đi tiểu nhiều lần trong ngày, giảm cân nếu béo phì, cai thuốc lá ở người hút thuốc lá. Một số động tác tập cơ đáy chậu cũng giúp giảm vấn đề tiểu không tự chủ. Cần đi khám bác sĩ để có điều trị thích hợp.

Trí nhớ

- Biểu hiện: Trí nhớ có khuynh hướng giảm dần ở người cao tuổi, do số lượng tế bào thần kinh giảm theo quá trình lão hóa, làm cho khả năng học hỏi ở người cao tuổi chậm đi, khả năng nhớ các từ ngữ và tên gọi giảm rõ rệt.

- Biện pháp dự phòng, chăm sóc: Duy trì hoạt động thể lực hàng ngày và chế độ ăn hợp lý cũng giúp có một trí nhớ tốt khi về già, nó cũng giúp người cao tuổi hòa nhập cộng đồng xã hội và có trạng thái tinh thần tốt nhất.

Cơ quan thính giác và thị giác

- Biểu hiện: Do lão hóa, mắt người cao tuổi cũng có những thay đổi rõ như có sự giảm tiết nước mắt, teo võng mạc, đục thủy tinh thể, gặp khó khăn khi nhìn những vật ở gần, giảm thích nghi với sự thay đổi ánh sáng, sợ ánh sáng chói… Khả năng nghe giảm sút, nhất là với những âm sắc cao hay ở nơi ồn ào đông người.

- Biện pháp dự phòng, chăm sóc: Khám tai và mắt định kỳ. Tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ như mang kính lão, máy trợ thính hay các dụng cụ hỗ trợ khác. Mang kính râm khi ra ngoài, bảo vệ tai khi ở nơi có tiếng động lớn hay những nơi ồn ào.

Răng, miệng

- Biểu hiện: Người cao tuổi bắt đầu thấy khô miệng, lợi (nướu) kém chất lượng, để lộ chân răng. Do lượng nước bọt có giảm sút, răng và lợi dễ bị mảng bám răng và nhiễm khuẩn. Răng trở nên sẫm màu, yếu hơn và dễ gãy.

- Biện pháp dự phòng, chăm sóc: Đánh răng ngày hai lần, vệ sinh kẽ răng cẩn thận ít nhất ngày một lần, định kỳ kiểm tra răng miệng ở cơ sở nha khoa.

Da

- Biểu hiện: Cùng với tuổi tác, da người cao tuổi trở nên mỏng, kém đàn hồi, dễ bị tổn thương, trầy xướt. Do giảm sản xuất chất nhờn, da khô hơn, xuất hiện nếp nhăn ngày càng nhiều. Người cao tuổi thường dễ xuất hiện bầm tím trên da hơn. Các đốm đen xuất hiện ngày càng nhiều, đôi lúc trông như đồi mồi trên da.

- Biện pháp dự phòng, chăm sóc: Nên tắm nước ấm, không quá nóng. Khi ra ngoài, cần dùng kem chống nắng và mang quần áo chống nắng. Nếu là người hút thuốc lá thì cần cai thuốc, vì thuốc lá làm cho da bị tổn thương, dễ xuất hiện vết nhăn da.

Cân nặng

- Biểu hiện: Duy trì cân nặng lý tưởng hoặc giảm cân nếu bị quá cân, béo phì là điều khó thực hiện ở người cao tuổi. Ở người cao tuổi, mô cơ teo nhỏ đi, thay vào đó mô mỡ được tích tụ ngày càng nhiều. Vì mô mỡ tiêu hao năng lượng ít hơn mô cơ, người cao tuổi cần giảm năng lượng ăn vào, tăng hoạt động thể lực để duy trì cân nặng lý tưởng.

- Biện pháp dự phòng, chăm sóc: Duy trì thói quen hoạt động thể lực hàng ngày kết hợp chế độ ăn lành mạnh. Không nên ăn quá nhiều theo ý thích.

Tinh thần

Những biến đổi về tâm lý, tình cảm ở người cao tuổi cũng có nhiều chiều hướng và đa dạng. Riêng những người có sức khỏe thể chất không tốt, thiếu rèn luyện tu dưỡng, có thể có những biến đổi về tính tình so với lúc còn trẻ.

Một số người trở nên thờ ơ với mọi người xung quanh, ngại cái mới, ngại mọi sự thay đổi, sống nội tâm. Cảm xúc, tình cảm có những đáp ứng khác với lúc trẻ. Nhưng phần lớn, những người có sức khỏe tốt, không bệnh tật, có luyện tập giữ gìn sức khỏe, mọi hoạt động tâm lý, tư duy được gần như người trẻ. Các cụ vẫn duy trì phong thái vui vẻ lạc quan, yêu đời, rộng rãi, hài hòa, vui sống cùng con cháu, bà con, xóm làng.

Ngoài ra, người cao tuổi cũng nên đề phòng, tránh tai nạn, té ngã xảy ra, thường xuyên kiểm tra sức khỏe, phòng và chữa bệnh kịp thời, luôn cố gắng duy trì trạng thái tinh thần thoải mái nhất có thể.

Tiến trình lão hóa xảy ra không giống nhau ở tất cả mọi người và trong cùng một người cũng không giống nhau ở các bộ phận khác nhau. Có bộ phận già trước, có bộ phận già sau, có bộ phận già nhanh, có bộ phận già chậm, có người trẻ lâu, có người già sớm.

Trong đó, hai yếu tố gây già trước tuổi là thiếu vận động thể lực và chế độ ăn uống không hợp lý. Do đó, để tối ưu hóa quá trình lão hóa, để trẻ lâu, để sống thọ và sống vui, sống khỏe, bí kíp thật đơn giản nếu ta biết áp dụng các biện pháp dự phòng, chăm sóc sức khỏe như trên.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp