26/02/2018 09:28 GMT+7

Sức ép cải cách đã rất nóng

XUÂN TOÀN - TRUNG HÀ  - NGỌC AN thực hiện
XUÂN TOÀN - TRUNG HÀ - NGỌC AN thực hiện

TTO - Sản xuất kinh doanh khởi sắc, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng ấn tượng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định: đây là điều rất hiếm thấy, thể hiện xu thế tích cực trong tâm lý của doanh nghiệp Việt.

Sức ép cải cách đã rất nóng - Ảnh 1.

Sản xuất kinh doanh khởi sắc nhờ những cải cách theo tinh thần Chính phủ kiến tạo - Tronng ảnh: sản xuất ở công ty điện tử tại TP.HCM ngày đầu năm - Ảnh: Q.ĐỊNH - Đồ họa: N.KH.

Việc tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và thông thoáng không chỉ là yêu cầu tất yếu, sống còn. Quá trình tái cơ cấu nào cũng tạo sự thay đổi, trong đó thay đổi về tổ chức bộ máy và con người luôn không hề dễ dàng

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Để đạt được điều đó, đã có những thay đổi mạnh mẽ trong bộ máy nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp, thể hiện đúng tinh thần một Chính phủ kiến tạo. Với Bộ Công thương, thấy rõ nhất trong năm qua là cải cách thể chế, con người.

Nhiệm vụ sống còn: minh bạch

* Mỗi khi Nhà nước tiến hành cải cách thì doanh nghiệp hưởng ứng rất tích cực, vậy Bộ Công thương đã có góp phần gì để tăng xuất khẩu năm qua?

- Yêu cầu cải cách của người dân tăng cao, đã tăng áp lực lên Chính phủ. Bộ Công thương không chỉ tiếp nhận thông tin trên báo chí, chúng tôi cử cán bộ trực tiếp theo dõi thông tin trên các mạng xã hội như Facebook để báo cáo lãnh đạo bộ và bộ trưởng hằng ngày.

Có nhiều trường hợp, qua nắm bắt ý kiến trái chiều, Bộ Công thương đã thay đổi chính sách. Như thông tư 37 quy định kiểm định chất amin thơm và formaldehyde trong vải nhập khẩu đã tạo nên những phiền nhiễu, gây bức xúc suốt hơn 8 năm. 

Sau khi nắm được bức xúc, tôi đã bãi bỏ quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm. Không chỉ tiết kiệm cả tỉ đồng/năm, các doanh nghiệp cho biết họ còn tiết kiệm được nguồn nhân lực, thời gian chờ đợi...

Sức ép cải cách đã rất nóng - Ảnh 3.

Cảng Cát Lái, TP.HCM - Ảnh: NAM TRẦN

* Năm qua, Bộ Công thương xáo trộn khá nhiều nhân sự, tách nhập cục, vụ, người mới thay người cũ. Phải chăng đây là một trong những giải pháp trong nỗ lực thay đổi bộ máy để thúc đẩy phát triển?

- Việc tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và thông thoáng không chỉ là yêu cầu chung của xã hội mà là yêu cầu tất yếu, sống còn. Quá trình tái cơ cấu nào cũng tạo sự thay đổi, trong đó thay đổi về tổ chức bộ máy và con người luôn không hề dễ dàng. 

Tâm tư của cán bộ chắc chắn là có. Nhưng tôi không thích từ "xáo trộn" lắm, bởi nó không thể hiện đúng "chất" của quá trình đổi mới nói chung và ở Bộ Công thương nói riêng.

Việc tái cơ cấu để phát triển là xu thế và là đòi hỏi khách quan không thể đi ngược. Không thể có sự áp đặt ý chí chủ quan của bất kỳ cá nhân nào trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, cán bộ của Bộ Công thương.

Sức ép cải cách đã rất nóng - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Sẽ đi từ gốc, đụng đến từng người

* Bộ Công thương đã tạo sự đổi mới và dấu ấn khi năm 2017 đơn giản hóa, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh. Vậy năm 2018 người dân có thể kỳ vọng gì thêm, thưa bộ trưởng?

- Phương thức quản lý đang đổi mới, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Vì vậy, Bộ Công thương quyết tâm cắt giảm thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch. 

Bộ Công thương chú trọng phải đi từ gốc, từ xây dựng chính sách đảm bảo không có lợi ích nhóm, không phát sinh điều kiện kinh doanh mới, không phát sinh cấp phát và xin - cho.

Tuy nhiên, để chống quan điểm mang tính cục bộ, cực đoan thì cơ quan lập pháp cũng phải chủ động, đảm bảo có sự tham gia lấy ý kiến phản biện của người dân và doanh nghiệp. Thực tiễn từ đầu nhiệm kỳ mới, Bộ Công thương đã chủ động theo tinh thần trên.

Bộ Công thương sẽ chú trọng hơn vào kiến tạo phát triển. Không bỗng dưng trong cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Công thương đã xây dựng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số. 

Mặc dù có quan điểm e ngại chồng lấn, không phù hợp nhưng chúng tôi thấy cần thiết, bởi xu hướng của thế giới, chúng ta cần có chuẩn bị cũng như không để khoảng trống pháp lý.

* Năm 2018 bộ sẽ làm gì tiếp theo với bộ máy của mình?

- Câu chuyện năm 2018 không chỉ dừng lại ở chỗ đầu mối 35 đơn vị giảm xuống còn 30 đơn vị, mà sẽ đụng chạm đến từng con người. Sẽ không có chuyện một trưởng phòng cộng thêm một số phó phòng hay hàm trưởng phòng nữa, mà sẽ cắt giảm tối đa theo đúng quy định.

Trước đây Bộ Công thương có 195 phòng tại các vụ, cục, mỗi đơn vị thường có một trưởng và 4 - 5 phó phòng, cộng thêm hàm trưởng phòng, nay sẽ cắt giảm chỉ còn 125. 

Ban cán sự Đảng Bộ Công thương đã ra nghị quyết và đang thực hiện về việc xóa bỏ mang hàm cấp trưởng, phó phòng, ngoại trừ những người cần chức danh để làm đối ngoại, nhưng sẽ không được hưởng phụ cấp cũng như chức năng quản lý.

Vừa rồi với đề án vị trí việc làm, tôi đã yêu cầu làm lại, từ đó giảm tới hơn 70 vị trí so với dự kiến ban đầu. 

Chúng tôi sẽ rà soát từng vị trí việc làm, để đảm bảo mục tiêu: khi cắt giảm bộ máy phải nâng cao chất lượng cán bộ, đổi mới quản lý nhà nước, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân cấp thực hiện.

* Vốn trong nước hiện vẫn đổ khá nhiều vào bất động sản, những ngành mang tính đầu cơ, trong khi vốn ngoại đang thâu tóm mảng phân phối bán lẻ và công nghiệp. Ông sẽ làm gì để thay đổi?

- Điều cần làm bây giờ là tập trung vào xử lý những điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực. Bộ Công thương đã và đang tập trung đi theo hướng này.

Cùng với đó là việc hoàn thiện thể chế gắn với xóa bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với thực thi chính phủ điện tử...

Riêng trong lĩnh vực đầu tư, đúng là cần có những rà soát để điều chỉnh. Tôi cho rằng có mấy vấn đề lớn cần được xử lý, như chính sách thu hút và quản lý đầu tư phải thực hiện tốt hơn mục tiêu chuyển giao công nghệ và xây dựng mối liên kết chặt giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước...

Nhà nước cũng cần hướng trọng tâm vào đầu tư để hình thành hệ thống hạ tầng, có giải pháp đột phá hơn về nguồn nhân lực, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, năng lực tham gia chuỗi của doanh nghiệp trong nước; nghiên cứu, đánh giá thấu đáo cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để chúng ta thực sự tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp này nhằm bứt phá phát triển.

Năm 2018 sẽ tạo đột phá

Bộ Công thương đã ban hành kế hoạch hành động trong năm 2018 với 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp, tập trung vào việc tiếp tục cải cách.

Trọng tâm sẽ liên quan đến vấn đề con người, bởi để hoàn thiện thể chế thì bộ máy phải có con người đủ năng lực để hiểu được sự khác biệt của một chính phủ kiến tạo với một chính phủ quản lý đơn thuần.

"Nhiệm vụ ưu tiên đầu tiên của chúng tôi là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tiếp tục cải cách theo hướng tinh giản bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh theo hướng công khai, minh bạch, thông thoáng và đột phá cao nhất" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

XUÂN TOÀN - TRUNG HÀ - NGỌC AN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp